DI CHỨNG HẬU COVID

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBRo xin chia sẻ bài dưới đăng trên NYT về khoa học đang ở đâu đối với di chứng này để các bạn biết thêm thông tin. Ngắn gọn là khoa học chưa hiểu gì về con vi-rút cả nên có lẽ tránh bị lây nhiễm thì tốt hơn.

*********

Kể từ khi Natalie Hollabaugh, luật sư 31 tuổi sống tại Portland tiểu bang Oregon, bị mắc Covid vào tháng Ba năm 2020, quá trình hồi phục của cô tỏ ra cực kỳ chậm chạp. 18 tháng sau khi lây bệnh, cô vẫn đang gặp một loạt các triệu chứng như mệt mỏi, thở gấp, đau đầu và mình mẩy. Cô đi khám bác sỹ chuyên khoa tim và phổi, họ nói cô không có vấn đề gì với sức khỏe và khuyên nên tập thể dục vì có thể một số triệu chứng trên là do lười tập thể dục. Vì thế, Natalie cần mẫn tập thể dục bằng cách đạp xe, chạy trên máy tập và dắt chó đi dạo vài km mỗi ngày.

Nhưng thay vì giúp Natalie hồi phục sức khỏe, chế độ vận động trên lại chỉ làm cho sức khỏe cô trên trở nên tệ hại hơn, thậm chí cô thấy chưa bao giờ tệ đến thế. Giờ mỗi ngày cô cần phải có các giấc ngủ ngắn, nhịp tim thì đập nhanh kể cả khi nghỉ ngơi. Mệt mỏi cũng khiến cô không thể tập trung.

Là một trong rất nhiều người Mỹ chịu ảnh hưởng của các di chứng sau khi nhiễm Covid – tức là ở tình trạng chịu các triệu chứng về sức khỏe kéo dài nhiều tháng hay thậm chí cả các triệu chứng mới sau khi khỏi Covid – Natalie không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng trở nên tệ hơn khi tập thể dục. Thông qua việc phối hợp với nhóm hỗ trợ có tên Survivor Corps trên Facebook, TS. Natalie Lambert, nhà thống kê y sinh và khoa học về dữ liệu sức khỏe tại ĐH Y dược thuộc ĐHTH Indiana (Indiana University School of Medicine), đã tiến hành thu thập dữ liệu của hơn 1 triệu người bị di chứng hậu Covid. TS. Lambert cho biết các bệnh nhân kể rằng bác sỹ thường khuyên họ tập thể dục nhưng rất nhiều trong số họ lại thấy tình trạng cơ thể tệ hơn sau khi tập.

TS. Lambert nói: “Nghiên cứu của tôi cho thấy rằng việc không thể tập thể dục là một trong những triệu chứng phổ biến và lâu dài nhất [đối với vấn đề hậu Covid].” Một số người thấy mình quá yếu để tập. Số khác thì thấy sau khi tập, cơ thể ngày càng yếu đi với các hiện tượng như cảm thấy mỏi mệt hơn, đầu óc như có màn sương (brain fog) hay đau cơ. Tình trạng khó chịu sau khi tập thể dục (post-exertional malaise) dù chỉ tập rất ít dường như rất phổ biến đối với các bệnh nhân hậu Covid. Trong công trình nghiên cứu công bố tháng 8 năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã thực hiện việc khảo sát online với 3.762 bệnh nhân hậu Covid và kết quả cho thấy 89% bệnh nhân gặp tình trạng khó chịu sau khi tập thể dục.

Các vấn đề về sức khỏe sau tập thể dục nói trên không phải là vì trước đó lười tập. Ngược lại, như bác sỹ David Systrom, chuyên khoa phổi và điều trị tích cực tại Bệnh viện Brigham and Women (Brigham and Women’s Hospital) tại Boston nói: “Các triệu chứng trên rất, rất khác với triệu chứng do trước đó lười tập thể dục.” Chúng dường như cũng không phải là do tim hay phổi bệnh nhân đã bị tổn thương.

Trong một công trình nghiên cứu nhỏ công bố vào tháng Một đầu năm, BS. Systrom và đồng nghiệp của ông so sánh 10 bệnh nhân hậu Covid có vấn đề trong việc tập thể dục (sau khi nhiễm bệnh) với 10 người không bị nhiễm Covid nhưng lại có triệu chứng thở dốc sau khi tập mà không biết nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu thấy rằng toàn bộ những người tham gia nghiên cứu đều không thấy có các triệu chứng bất thường khi chụp CT ngực, bị thiếu máu hay tim hay phổi có vấn đề. Điều này cho thấy các triệu chứng mà bệnh nhân gặp không phải là do tổn thương của các cơ quan trên. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân hậu Covid tập đạp xe tại chỗ thì một số động và tĩnh mạch lại hoạt động bất thường. Bất thường này cản trở việc cung cấp ô-xi cho các cơ của cơ thể.

BS. Systrom nói hiện không ai biết vì sao các động tĩnh mạch này lại hoạt động bất thường. Một công trình nghiên cứu khác gần đây của ông cho thấy một số các sợi thần kinh (nerve fiber) nhất định của bệnh nhân hậu Covid đã bị tổn thương và làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan và mạch máu trong cơ thể.

Công trình nghiên cứu khác về tình trạng không thể tập thể dục cho thấy vấn đề nhịp tim phản ứng với việc tập luyện. Trong công trình nghiên cứu vào tháng 11 năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại ĐHTH Indiana thực hiện việc nghiên cứu đối với 29 phụ nữ bị nhiễm Covid vào khoảng 3 tháng trước đó. Kết quả cho thấy khi những người phụ nữ này thực hiện nghiệm pháp 6 phút đi bộ (six-minute walking experiment) thì nhịp tim của họ không đập và phục phồi nhanh hơn so với nhịp tim của 16 phụ nữ không nhiễm Covid.

Ông Stephen J. Carter, nhà lý sinh học và đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên tại ĐH Y Bloomington thuộc ĐHTH Indiana (Indiana University Bloomington School of Public Health) phát biểu rằng: “Rõ ràng là có chuyện gì đó đã xảy ra và nó can thiệp vào cơ chế phản ứng thông thường [của cơ thể].”

Còn TS. Lambert thì phát hiện ra rằng một số bệnh nhân hậu Covid bị hội chứng nhịp tim nhanh ở tư thế đứng (postural orthostatic tachycardia syndrome hay POST), một kiểu rối loạn ảnh hưởng đến việc cung cấp máu. Đối với các bệnh nhân bị POST, “hệ thần kinh không thể điều chỉnh được các vấn đề mà nó đương nhiên được coi phải kiểm soát như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và nhiệt độ cơ thể. Đó là những vấn đề mà khi tập thể dục, hệ thần kinh của bạn cần phải kiểm soát thích hợp,” cô nói.

Một số bác sỹ cũng chỉ ra sự tương đồng giữa bệnh nhân hậu Covid với những người chịu hội chứng mệt mỏi mãn tính (còn gọi là bệnh viêm não tủy sống myalgic encephalomyelitis hay ME/CFS), vốn là những người chịu mệt mỏi kéo dài cùng các vấn đề về trí nhớ, nhận thức, đau cơ hay khớp. Trong nhiều thập kỷ trước, bác sỹ khuyên các bệnh nhân bị mệt mỏi mãn tính rằng tập thể dục sẽ làm giảm các triệu chứng của họ. Nhưng thực ra, với nhiều bệnh nhân này, việc tập luyện chỉ làm tình trạng của họ tệ hơn. Hiện thì giới y khoa không còn khuyến nghị việc tập thể dục với các bệnh nhân này.

Vào năm 2021, BS. Systrom và đội của ông đã nghiên cứu trên 160 bệnh nhân mệt mỏi mãn tính và nhận thấy rằng khi tập luyện, các bệnh nhân gặp nhiều các vấn đề về vấn đề mạch máu. Các vấn đề này cũng thấy ở các bệnh nhân hậu Covid, trong khi đó người bình thường không có. Ông phát biểu rằng nếu xét về cơ chế “chúng là giống nhau!”

Mọi thông tin nêu trên dẫn đến câu hỏi cuối cùng là liệu các bệnh nhân Covid đang có các vấn đề trong việc tập thể dục có nên tiếp tục tập? Câu trả lời là: Không có câu trả lời chính xác và hiện các quan điểm là khác nhau. BS. Systrom nói: “Có những bệnh nhân và bác sỹ kịch liệt phản đối việc tập luyện bởi các lý do nêu trên.” Tuy nhiên, ông cũng khuyên rằng việc tập luyện có thể tiến hành và thậm chí là còn có lợi khi mà một bệnh nhân hậu Covid đã được điều trị thích hợp. Theo ông: “Nếu một bệnh nhân sau khi dùng thuốc mà thấy tình trạng khá hơn, người đó có thể áp dụng chương trình tập luyện theo từng cấp độ mà không cần hấp tấp tập luyện.”

Ông cũng khuyên rằng: “Để phòng tránh hậu quả, bệnh nhân không nên ngay lập tức lao vào tập luyện mà từ từ triển khai khi thấy sức khỏe khá hơn.” Ông nói thêm rằng vì hậu Covid có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bệnh nhân và bác sỹ cần phối hợp để có chương trình trị liệu phù hợp tình trạng mỗi bệnh nhân. Kết luận của ông: “Đây chính là câu chuyện của Covid, rằng với mỗi bệnh nhân khác nhau di chứng hậu Covid là khác nhau. Có lẽ là không bao giờ có lời khuyên nào về tập luyện thể dục mà có thể phù hợp với mọi bệnh nhân”.

Nguồn: https://www.nytimes.com/2022/02/12/well/move/long-covid-exercise.html

Lược dịch: Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh. Cảm ơn anh Vinh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản