Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.
Điện thoại di động hay smart phone có lẽ là vật không thể thiếu trong xã hội hiện nay. Điện thoại giúp bạn liên lạc với bạn bè thầy cô đồng nghiệp bên Nhật và đặc biệt là liên lạc với gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên với những bạn mới sang Nhật, việc đăng ký điện thoại cần một số điều kiện nhất định. Sau đây, KVBro xin tổng hợp các thông tin cần thiết nhất giúp bạn đăng ký điện thoại khi mới sang.
ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI TẠI NHẬT
+ Ở Nhật, bạn muốn có số điện thoại, bạn bắt buộc phải đăng ký hợp đồng với nhà mạng điện thoại. Hiện nay phổ biến nhất là 3 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại docomo, softbank, AU. Ngoài ra còn có các hãng điện thoại giá rẻ khác như Line mobile, rakuten mobile, v.v.
+ Để có thể ký hợp đồng đăng ký điện thoại, bạn bắt buộc phải trên 20 tuổi tính đến ngày sinh nhật. Nếu bạn chưa tròn 20 tuổi, bạn phải nhờ người một lớn làm bảo hộ cho mình (giáo viên, sempai, họ hàng bên Nhật, v.v)
+ Thời hạn visa của bạn cũng ảnh hưởng tới việc đăng ký điện thoại của bạn. Thông thường, hợp đồng điện thoại bao gồm tiền mạng và tiền trả góp máy điện thoại sẽ trong 24 tháng. Vì vậy visa của bạn phải từ 2 năm trở lên thì mới có thể đăng ký được. Nếu visa của bạn 1 năm thì sẽ khá khó khăn để đăng ký điện thoại, bạn phải mua máy điện thoại luôn thì mới có thể ký hợp đồng đăng ký điện thoại.
+ Điều kiện khó khăn tiếp theo đó là… bạn phải có thẻ tín dụng (credit card) thì mới đăng ký điện thoại của 3 hãng lớn kể trên.
+ Cách thanh toán tiền điện thoại bạn có thể trả hàng tháng tại combini bằng phiếu thanh toán nhà mạng gửi về nhà, trừ tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, trả qua thẻ tín dụng.
(1) ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI CỦA 3 NHÀ MẠNG LỚN
Để đăng ký mạng và mua máy tại 3 nhà mạng lớn (docomo, softbank, AU), bạn có thể đến các cửa hàng điện thoại của chính hãng hoặc các quầy đại lý của các hãng đó tại các trung tâm bán đồ điện tử lớn như Yodobashi, Bic Camera, Yamada Denki…Khi tới đăng ký điện thoại, bạn cần mang các giấy tờ sau:
+ Thẻ lưu trú (thẻ người nước ngoài tại Nhật) 在留カード
+ Thẻ học sinh (nếu bạn là sinh viên/học sinh) 学生証
+ Thẻ ngân hàng (vì có thể khi đăng ký cần nhập thông tin ngân hàng để trả tiền tự động hàng tháng)
+ Thẻ tin dụng credit card
+ Con dấu (nếu có)
(2) ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI CỦA CÁC HÃNG ĐIỆN THOẠI-SIM GIÁ RẺ 格安スマホ・SIM
Để đăng ký điện thoại giá rẻ và sim free thì bạn có thể tới các trung tâm điện máy lớn như Yodobashi, Bic Camera, Yamada Denki… hoặc tham khảo trực tiếp trên mạng bằng cách tìm kiếm với từ khóa “格安スマホ・SIM”. Gần đây, Line Mobile và Rakuten Mobile khá được ưa chuộng vì giá rẻ, chất lượng gọi tốt và đăng ký khá dễ dàng, phù hợp với các bạn sinh viên mới sang Nhật. Bạn có thể tham khảo cách đăng ký Line Mobile và Rakuten Mobile tại đây.
>>> ĐĂNG KÝ LINE MOBIBLE
>>> ĐĂNG KÝ RAKUTEN MOBILE
CÁC CHÚ Ý KHI KÝ HỢP ĐỒNG ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI
Các bạn mới sang Nhật khi đi đăng ký điện thoại cần đặc biệt lưu ý những điểm sau:
+ TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯA THÔNG TIN CÁ NHÂN CHO NGƯỜI KHÁC, đặc biệt là thông tin thẻ cư trú 在留カード, thẻ học sinh cũng như thông tin tài khoản ngân hàng (thẻ ngân hàng, sổ ngân hàng).
Sẽ rất nguy hiểm nếu các thông tin cá nhân của bạn bị kẻ xấu sử dụng, lúc đó thì khó có thể truy ra là ai làm, vì tất cả đều đứng tên bạn.
+ Khi đi đăng ký điện thoại, bạn nên đi với người bạn tin tưởng, nhất là khi tiếng Nhật của bạn chưa tốt (giáo viên, người hướng dẫn, …). Nếu người bạn đi cùng lợi dụng lấy tên bạn và tài khoản của bạn để đăng ký nhiều điện thoại khác nữa cho họ, bạn sẽ phải trả tiền mà không thể đòi lại được.
+ Khi đăng ký điện thoại, các nhân viên sẽ giới thiệu thêm cho bạn rất những gói dịch vụ khác nhau, ví dụ như là sử dụng hoá đơn điện tử, gọi điện thoại thoải mái かけ放題, dùng wifi dung lượng lớn , v.v. Có nhiều gói dịch vụ chỉ miễn phí một tháng đầu sử dụng, những tháng tiếp theo sẽ tính tiền, nếu bạn không để ý và chọn những gói dịch vụ đi kèm đó thì mỗi tháng bạn phải trả tiền điện thoại rất lớn, có khi tới 2 vạn yên.
+ Hiện này, có rất nhiều các chương trình khuyến mãi khi bạn đổi nhà mạng, ví dụ như từ Docomo qua Softbank mà mua iPhone thì sẽ được miễn phí máy. Tuy nhiên, bạn cần hỏi thật kĩ như: (1) hợp đồng dài bao lâu, (2) mỗi tháng trả bao nhiêu, (3) khi huỷ thì tốn bao nhiêu phí huỷ hợp đồng.
+ Đối với các bạn mang máy điện thoại từ Việt Nam sang và muốn đăng ký sim lẻ ở các nhà mạng nhỏ, bạn cần phải chú ý xem là loại máy của bạn có thể sử dụng sim này được không.
+ Ở các nhà mạng lớn, nếu bạn trả tiền trễ, bạn chỉ bị tạm dừng không dùng được điện thoại, sau khi thanh toán thì sẽ dùng lại được. Tuy nhiên, ở các nhà mạng nhỏ, nếu không thanh toán đúng hạn, bạn sẽ bị cắt sim luôn và không dùng lại được nữa. Vì vậy, bạn nên hỏi thật kỹ khi ký hợp đồng và nên cẩn thận khi về nước chơi trong thời gian dài.
CÁC CHÚ Ý KHI HUỶ HỢP ĐỒNG ĐIỆN THOẠI
(1) Thời điểm huỷ hợp đồng
+ Đối với các nhà mạng lớn (docomo, softbank, AU) và hợp đồng hai năm, nếu bạn không chú ý huỷ hợp đồng thì cứ hết hạn 2 năm, hợp đồng sẽ tự động được gia hạn thêm 2 năm nữa. CHÚ Ý, khi huỷ hợp đồng thì chỉ vào tháng thứ 24 -25 kể từ ngày ký hợp đồng là không bị tốn phí huỷ hợp đồng. Nếu bạn hủy hợp đồng trước khi hết hạn, bạn sẽ phải trả ít nhất là 10,000 yên tiền huỷ hợp đồng và tiền của một số dịch vụ khác. Hàng tháng, hóa đơn thanh toán tiền điện thoại sẽ ghi rõ đây là tháng thứ mấy. Nếu bạn không chọn cách trả tiền bằng hóa đơn gửi về nhà, bạn có thể kiểm tra thông tin trên mạng.
+ Đối với các nhà mạng nhỏ hơn, các sim chỉ sử dụng dung lượng mạng 4G LTE thì sẽ không tốn phí, hoặc tốn ít. Tuy nhiên, với các sim có thể nghe gọi điện thoại thì hợp đồng sẽ thường là 1 năm trở lên. Nếu trước 1 năm mà bạn huỷ thì vẫn sẽ phát sinh tiền phạt hủy hợp đồng. Khi đăng ký điện thoại, bạn chú ý hỏi thật kỹ về việc hủy hợp đồng nhé.
(2) Về nước hẳn mà không hủy hợp đồng hoặc không đóng tiền điện thoại
Rất nhiều bạn khi sắp về nước thấy khoản tiền thuê bao và phí huỷ hợp đồng quá lớn nên chọn phương án là “bùng” không trả cứ thế về thì ai đòi được nữa. Tuy nhiên, việc bùng mạng này không những gây ảnh hưởng xấu đến những người đi sau (du học sinh mới sang có visa ngắn sẽ ngày càng khó đăng ký hơn), mà bản thân bạn nếu sau này có ý định quay lại Nhật thì cũng sẽ không thể đăng ký được bất kì nhà mạng điện thoại nào nữa, vì đã bị vào danh sách đen “BLACK LIST” của tất cả các nhà mạng.Nếu nghiêm trọng hơn, có khả năng ngay ở giai đoạn xét visa bạn cũng sẽ bị loại
⇒Vì vậy, mọi người hãy lưu ý thanh toán đầy đủ và làm thủ tục huỷ hợp đồng trước khi về nước nhé.
Hy vọng những thông tin KVBro tổng hợp này hữu ích với các bạn.
Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.
KVBro-Nhịp sống Nhật Bản