SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHUNG PHÁP LÝ VỀ TIỀN ẢO (CRYPTOCURRENCY) TẠI NHẬT BẢN – PHẦN 1

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Năm 2017 là một năm sôi động về sự tăng giá đồng tiền ảo BITCOINS. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì có sự chững lại nhưng BITCOINS cũng như các đồng tiền ảo khác vẫn là một cơ hội cũng như sự thử thách vô cùng lớn với các nhà đầu tư. Sau đây KVBro xin giới thiệu với các bạn về sự phát triển khung pháp lý của tiền ảo (cryptocurrency), bao gồm BITCOINS tại Nhật Bản.

Contents

Giới thiệu về Tiền ảo (Cryptocurrency)

Việc sử dụng tiền ảo, đặc biệt là bitcoins, đang là xu hướng phát triển trên toàn thế giới. Không giống như các loại “tiền hợp pháp” khác, theo đó mỗi quốc gia tập trung hóa, quản lý và phát hành, tiền ảo có thể được xem như (i) giá trị không được bảo đảm bởi quốc gia hoặc ngân hàng trung ương, (ii) được phân tán như dữ liệu điện tử trên mạng, (iii) việc quản lý tiền ảo không tập trung. Có khoảng 877 loại tiền ảo được xác nhận trên thế giới vào ngày 04 tháng 09 năm 2017 (vào 14:50 Tokyo).[1]

Tại Mỹ, tiền ảo đang được sử dụng ngày càng nhiều như là phương thức thanh toán trên các trang mạng điện tử, bao gồm các trang thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến khách hàng, các trang mạng về du lịch và tại cả các bar và nhà hàng. Thậm chí các tổ chức tài chính lớn của Mỹ đang phát triển các đồng tiền ảo của riêng mình.[2] Vào ngày 04/09/2017, tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo trên toàn thế giới là 177 tỷ Đô la Mỹ, riêng Bitcoins là 97 tỷ Đô la Mỹ. Hiện nay, các đồng tiền ảo mới đều đang bùng nổ, bao gồm đồng Etherum với thế  mạnh về điện tử hóa các yêu cầu tài chính và bảo mật, và Ripple (do Google sở hữu một phần) có thế mạnh giải quyết giao dịch ngay lập tức.

Xu hướng phát triển của tiền ảo cũng lan đến Nhật Bản. Vào năm 2015, các giao dịch bitcoin nội địa tại Nhật thông qua các giao dịch chính đã lên đến hơn 180 tỷ yên. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng bitcoin tại Nhật hầu hết chỉ mang tính chất đầu cơ. Đến tháng 12 năm 2016, đã có 4500 cửa hàng nội địa Nhật chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán theo số liệu của Coincheck Inc, một sàn tiền ảo tại Nhật Bản.[3] Trong khi thị trường tiền ảo còn ở giai đoạn phôi thai tại Nhật Bản, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ đã đưa ra thị trường dịch vụ tiền ảo với chi phí thấp gọi là MUFG Coin từ tháng 5 năm 2017, theo đó 1 MUFG Coin có giá là 1 yên.[4] Vào ngày 19 tháng 8 năm 2016, SBI Ripple Asia thông báo việc thành lập một ngân hàng liên doanh Nhật Bản trong một mạng lưới mới sẽ sử dụng công nghệ của Ripple để thanh toán và mua bán.[5] Sự tham gia của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản vào thị trường tiền ảo dấy lên hy vọng về sử dụng tiền ảo một cách rộng rãi tại Nhật Bản. Để tạo cơ sở cho việc sử dụng tiền ảo này, Cơ quan Dịch vụ Tài Chính Nhật Bản đã tiến hành các bước tiến để mở rộng phạm vi cho phép của các hoạt động của công ty tài chính và xúc tiến nhiều hơn các đầu tư bởi ngân hàng vào các công ty IT ở giai đoạn đang phát triển với sự sửa đổi Luật Ngân hàng vào ngày 25 tháng 05 năm 2016 (Điều 16.2 và 52.23).

Cùng với sự bùng nổ các giao dịch về tiền ảo, các vấn đề phát sinh liên quan đến các giao dịch này cũng tăng lên. Theo một báo cáo được công bố bởi Trung tâm Quốc gia Giải quyết Khiếu nại Người Tiêu dùng (“NCAC”) vào ngày 30 tháng 03 năm 2017, số lượng vụ việc tư vấn liên quan đến giao dịch tiền ảo tăng hàng năm, từ 194 vụ vào năm 2014, đến 440 vụ năm 2015 và 634 vụ năm 2016. Trong cùng một báo cáo, NCAC đã chỉ ra một số vụ việc như (i) người tiêu dùng mùa tiền ảo bởi vì tin vào cụm từ “luôn có lãi” nhưng tiền không được hoàn trả như cam kết, (ii) người tiêu dùng đã tin tưởng các thuyết minh của bên bán tại các buổi hội thảo và nói “bạn có thể có được một lượng lớn cổ tức”, nhưng họ không thể rút tiền như đã được giải thích trước đó. Và NCAC đã kêu gọi sự chú ý của mọi người về các vấn đề liên quan đến tiền ảo.

Về mặt pháp lý, trước tháng 04 năm 2017, vị trí pháp lý của bitcoin và các đồng tiền ảo khác không rõ ràng và không có một điều luật nào điều chỉnh. Tuy nhiên, khi cả thế giới hiểu biết nguy cơ của tiền ảo được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố; vào tháng 06 năm 2015, tiếp theo Tuyên bố của các lãnh đạo của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Elmau, Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính (“FATF”) đã phát hành một hướng dẫn yêu cầu bất kỳ giao dịch tiền ảo nào cũng phải được đăng ký và/hoặc cấp phép, và để tuân thủ các quy định về rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm nghĩa vụ nhận diện khách hàng.[6] Cũng vào thời điểm này, từ khi có sự sụp đổ của một sàn giao dịch bitcoin hàng đầu tại Nhật là Mt. Gox vào năm 2014 dẫn đến trường hợp các quỹ và bitcoin của khách hàng không được hoàn trả, đã làm tăng nhu cầu bảo vệ người sử dụng. Vào ngày 04 tháng 03 năm 2016, sau khi thảo luận tại các cuộc hội đàm về “Nhóm Công tác về Dịch vụ Thanh toán Trả trước” của Hội đồng Hệ thống Tài chính, một đạo luật sửa đổi Luật Dịch vụ Thanh toán và Luật Ngăn chặn Chuyển tiền do phạm tội mà có để quy định về tiền ảo đã được nộp cho Nghị viện. Đạo luật này đã có hiệu lực vào ngày 01 tháng 04 năm 2017. Các phương thức chuyển tiếp nhất định cũng được quy định bởi Lệnh của Chính phủ.

Như đã giải thích trên đây, đạo luật này có mục đích chính là ban hành các quy định nhất định về dịch vụ giao dịch tiền ảo với mục tiêu chính là chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và bảo vệ người sử dụng, nhưng không có nghĩa đã phát triển khung pháp lý toàn diện về tiền ảo. Chẳng hạn như, đạo luật này không bao gồm các quy định liên quan đến thuế tiêu thụ đối với giao dịch tiền ảo. Và cần nhấn mạnh rằng đạo luật này không định nghĩa tiền ảo là “tiền (currency)”.

Sửa đổi Luật Ngân hàng

(1) Mở rộng lối cho ngân hàng đầu tư vào các công ty IT có liên quan đến lĩnh vực tài chính

Một trong phương thức nhanh chóng và hiệu quả nhất để một ngân hàng cung cấp dịch vụ sáng tạo sử dụng Công nghệ Tài chính (“FinTech”)[7] là kết nối với một công ty IT có liên quan đến lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, các hoạt động của Ngân hàng tại Nhật Bản bị hạn chế trong một số lĩnh vực theo quy định của luật, chẳng hạn như dịch vụ nhận tiền gửi, cho vay, giao dịch ngoại hối, và các ngành nghề tương tự, cũng như trong một số ngành chứng khoán hạn chế nhất định. Phạm vi ngành nghề mà các công ty con của ngân hàng được phép hoạt động cũng rất hạn chế, còn ít hơn cả phạm vi hoạt động của ngân hàng.
Để ngăn chặn các ngân hàng tìm cách không áp dụng các quy định trên và các công ty con bằng cách tiến hành kinh doanh thông qua các công ty không bị áp những hạn chế này, ngân hàng hiện nay chỉ có thể nắm giữ 5% cổ phần có quyền biểu quyết cho toàn bộ tập đoàn (hoặc 15% trong trường hợp là công ty ngân hàng mẹ) trong bất kỳ công ty nào hoạt động trong ngành nghề kinh doanh không nằm trong ngành, nghề mà ngân hàng và công ty con được phép hoạt động. Cùng với quy định về những ngoại lệ nhất định đối với hạn chế đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, Luật Ngân hàng cũng mở rộng những ngoại lệ cho phép ngân hàng có thể cộng tác chiến lược và linh hoạt với ngành công nghiệp FinTech để có thể chiếm lợi thế với những thay đổi công nghệ mới nhất.
Theo Luật Ngân hàng sửa đổi, với những chấp thuận nhất định, ngân hàng có thể nắm giữ quyền biểu quyết hơn mức hạn chế trước đây trong trường hợp quyền biểu quyết tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực nâng cao hoặc có tiềm năng nâng cao hoạt động kinh doanh của ngân hàng hoặc nâng cao sự tiện dụng cho khách hàng thông qua truyền thông hoặc các công nghệ khác.

(2) Dễ dàng thực hiện các dịch vụ thanh toán như một hoạt động kinh doanh

Các công ty con của ngân hàng có thể hoạt động trong các “Ngành, nghề Phụ thuộc”, bao gồm thanh toán và quản lý hệ thống tận dung công nghệ thông tin và truyền thông, nhưng công ty con phải kinh doanh “chủ yếu” để phục vụ cho tập đoàn công ty mẹ, và tổng thu nhập của tập đoàn công ty mẹ phải bao gồm 50% hoặc hơn tổng thu nhập của công ty con. Đây rõ ràng là một rào cản cho các ngân hàng có thể hoạt động với các công ty ngoài lĩnh vực FinTech về thanh toán và quản lý hệ thống.
Sửa đổi này đã mở rộng yêu cầu một công ty con của ngân hàng hoạt động trong các Ngành, nghề Phụ thuộc phải dựa vào công ty mẹ về tổng thu nhập. Mặc dù phạm vi sửa đổi chưa rõ ràng, quy định này được mong đợi sẽ giải phóng công ty con của ngân hàng trong hoạt động quản lý hệ thống và các dịch vụ khác ngoài tập đoàn công ty mẹ.

 

Lưu ý: Bài viết được cập nhật vào tháng 12/2017. Các bạn nên kiểm tra thêm những quy định pháp lý mới nhất vào thời điểm đọc.
[1] https://coinmarketcap.com/currencies/views/all/
[2] Citigroup và BNY Mellon đang phát triển các loại tiền ảo mới, tương ứng gọi là Citicoin và BK coins; trong khi đó Goldman Sachs đang phát triển SETLcoin như là một nền tảng cho giao dịch chứng khoán.
[3] https://www.japantimes.co.jp/news/2017/04/05/business/tech/retailers-japan-accept-virtual-currency/#.Wa4Oy7JJbIU
[4] https://www.cryptocoinsnews.com/japans-largest-bank-issues-digital-currency-employees/ (cập nhật vào ngày 04/09/2017)
[5] https://ripple.com/sbi-ripple-asia/ (cập nhật vào ngày 04/09/2017)
[6] http://www.fatf-gafi.org/publications/fatfrecommendations/documents/guidance-rba-virtual-currencies.html
[7] Viết tắt của thuật ngữ Financial Technology

Bài viết liên quan: Phần II, Phần III, Những điều cần biết khi đầu tư FX – Chứng khoán – Tiền ảo tại Nhật.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.