SỰ KHÁC BIỆT GIỮA VISA 30 NGÀY VÀ VISA 31 NGÀY
Khi bạn đi gia hạn visa hoặc chuyển đổi sang visa đi làm mà không được, phía cục xuất nhập cảnh sẽ cấp cho bạn một loại visa đặc biệt với thời hạn 30 hoặc 31 ngày để chuẩn bị cho việc rời Nhật Bản. Tuy chỉ khác nhau 1 ngày nhưng sự khác biệt lại rất lớn. Sau đây KVBro sẽ giải thích kỹ về sự khác biệt của loại visa với thời hạn 30 và 31 ngày và các chú ý cần thiết khi đi giải trình.
Contents
Visa 30/31 ngày
Đây được gọi là visa chuẩn bị về nước (出国準備期間). Tuy chỉ khác nhau 1 ngày thôi nhưng sự khác biệt và cơ hội xin lại visa khác nhau rất lớn, nếu bạn không biết, bạn sẽ có thể bỏ lỡ cơ hội xin lại visa một lần nữa.
Sau khi bạn gia hạn hạn visa, kết quả cục xuất nhập cảnh báo về cho bạn có thể là postcard (ハガキ) hoặc là 1 phong bì bên trong có tờ giấy A4 ghi là お知らせ.
Khi nhận được kết quả đáng tiếc này, bạn cần phải chú ý đọc kỹ thông tin và nhanh chóng chuẩn bị tiếp hồ sơ xin lại visa.
(1) VISA VỚI THỜI HẠN 30 NGÀY 「再申請しても許可される可能性は低い」
+ Nếu bạn nhận được con dấu này thì hồ sơ của bạn đã bị cục xuất nhập cảnh đánh giá là khả năng xin lại visa sẽ thấp.
+ Các lý do trượt và nhận dấu 30 ngày: Bạn làm quá tiếng, bỏ học, trốn thuế, nợ tiền bảo hiểm quốc dân, hồ sợ khai báo không trung thực, ngành nghề không phù hợp …
+ Bạn vẫn có khả năng xin làm lại hồ sơ nhưng khả năng trượt khá cao. Nếu hồ sơ nộp lại bạn giải trình được những vấn đề hồ sơ cũ có vấn đề thì vẫn còn một chút cơ hội để bạn nhận được visa. (Một số trường hợp có khả năng xin lại được là do ngành nghề không phù hợp, khi nộp lại bạn chọn được công việc phù hợp. Bạn chưa đóng hết thuế bảo hiểm quốc dân, bạn đóng và lấy được giấy xác nhận của quận,…)
+ Trong thời gian chờ kết quả dù có hay không thì bạn vẫn phải về trong thời hạn 30 ngày đó.
(2) VISA VỚI THỜI HẠN 31 NGÀY「再申請すれば許可される可能性が高い」
+ Lần này tuy bạn xin visa không thành công nhưng rất may mắn là cục xuất nhập cảnh đánh giá khả năng bạn xin lại visa là cao. Bạn có thể sẽ xin được visa nếu bạn tìm được công việc khác phù hợp hơn tại Nhật. Lần này đánh trượt bạn vì cục xuất nhập nghĩ rằng bạn chưa thật sự phù hợp với công việc mà bạn đã lựa chọn.
+ Các lý do trượt lần xin visa thường là ngành nghề xin không phù hợp, công ty không phù hợp,…
Vì vậy, bạn hãy cố gắng xin vào một vị trí khác ở công ty đó hoặc tốt nhất là xin hẳn sang công ty khác.
+ Trước khi chuẩn bị lại hồ sơ, bạn cần nắm được bạn trượt visa vì lý do gì. Tờ thông báo kết quả visa sẽ không ghi rõ toàn bộ lý do trượt visa cho bạn biết. Do vậy, bạn cần trực tiếp lên nyukan hỏi về lý do trượt visa, những lỗi hay những thiếu sót trong hồ sơ để có thể hoàn thiện và làm thủ tục xin visa lại.
Bạn cũng nên chuẩn bị phương án dự phòng khi đi gia hạn visa như chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ khác vì thời gian chỉ có 31 ngày sẽ rất khó cho việc tìm công ty mới.
+ Trong thời gian kể từ lần xin nộp hồ sơ tiếp theo cho đến khi có kết quả, cho dù bạn đã quá hạn đóng con dấu 31 ngày bạn vẫn có thể tiếp tục ở lại Nhật tối đa 2 tháng (特例期間)
➡︎Chính vì thế, nếu thời gian Visa của bạn trên 31 ngày trở lên thì cho dù bạn xin gia hạn Visa vào ngày cuối cùng đi chăng nữa bạn vẫn có thể được lưu trú hợp pháp theo tư cách mà bạn đang có tại Nhật.
CHÚ Ý: Trong thời gian chờ xin lại visa dù bạn là dấu 30 ngày hay 31 ngày thì tuyệt đối bạn không được rời khỏi Nhật Bản. Nếu bạn rời Nhật Bản cho dù không phải là về Việt Nam, bạn sẽ bị cắt visa ngay lập tức.
Vì sao lại bị trượt visa lao động
Khi xin việc tại Nhật, có 1 việc rất quan trọng sau khi đỗ vào công ty đó là làm thủ tục xin visa. Không có gì đảm bảo 100% là bạn sẽ đỗ visa dù bạn thuê luật sư, tự làm hay công ty hỗ trợ thủ tục hồ sơ. Và thực tế là có không ít trường hợp trượt visa rất đáng tiếc.
+ Chuẩn bị thiếu những giấy tờ cần thiết.
→Thiếu giấy tờ gì thì chuẩn bị nộp thêm lại đầy đủ trong lần nộp sau.
+ Có vi phạm pháp luật trong quá khứ (ví dụ làm quá giờ quy định,..)
→Nếu là lỗi không quá nặng thì có thể giải trình để chứng tỏ thành ý.
+ Có sự sai lệch, không thống nhất thông tin khi kê khai
→Giải trình lý do về việc sai lệch, không thống nhất này và cung cấp các giấy tờ, bằng chứng chứng thực cho thông tin chuẩn.
+ Được nhận định là nội dung công việc, tư cách visa không phù hợp với bằng cấp, kiến thức
→Giải trình chi tiết để chứng tỏ sự liên quan giữa công việc sẽ làm và bằng cấp. Hoặc nếu không thể giải trình thì nhanh chóng tìm một công việc khác phù hợp hơn.
+ Có nghi vấn về độ trung thực của hồ sơ
→Nếu hồ sơ bạn đã nộp thực sự trung thực, thì hãy nhanh chóng tập hợp các giấy tờ cần thiết để chứng minh cho tính chính xác của thông tin và giải trình chi tiết thêm nếu cần. Còn nếu hồ sơ của bạn không trung thực, bạn nên chấp nhận về nước.
Những lưu ý khi đi đến cục xuất nhập cảnh hỏi và giải trình
– Người đi hỏi có thể là người làm thủ tục xin visa, hoặc người đại diện của người làm thủ tục xin visa. Bạn có thể nhờ luật sư đi cùng, tuy nhiên nếu luật sư không có liên quan gì đến việc xin visa của bạn thì cục xuất nhập cảnh có thể từ chối.
– Bạn không cần hẹn trước khi đến cục xuất nhập cảnh. Khi đi mang theo giấy thông báo kết quả visa, passport, thẻ ngoại kiều và 1 bản copy của hồ sơ xin visa đã nộp để tiện ghi lại những lỗi trong bộ hồ sơ.
– Bạn chỉ được hỏi 1 lần. Do vậy bạn cần chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị sẵn những câu hỏi để có thể hỏi và nắm được toàn bộ lý do, những lỗi, thiếu sót trong hồ sơ trước để có thể sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
– Cục xuất nhập cảnh không có nghĩa vụ phải giải thích lý do trượt visa cho bạn. Do vậy, việc bạn có thể hỏi được toàn bộ lý do trượt visa cũng tùy thuộc vào người tiếp nhận, cũng như thái độ và sự chuẩn bị của bạn khi đi đến đó.
Hy vọng những thông tin KVBro cung cấp có ích tới các bạn. Chúc các bạn gia hạn visa không bao giờ phải nhận tem 30 hay 31 ngày.
※Nguồn: KVBro tổng hợp
Đánh giá bài viết:
KVBro-Nhịp sống Nhật Bản