CÁC PHƯƠNG PHÁP TUYỆT VỜI KHUYẾN KHÍCH BÉ VIẾT
Vì Ken nhà mình là một cậu bé chịu đọc, nhưng lười viết kinh khủng dù đó là tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Việt. Chữ viết cẩu thả, xấu thôi rồi ấy ạ, đến giờ vẫn vậy. Mà mình thì quan điểm không ép hay gây áp lực quá với Ken. Mình cũng hiểu đây cơ bản cũng là một kỹ năng khó, hồi nhỏ mình cũng ghét ngồi rèn nét viết lắm. Nên mình đã phải tham khảo nhiều nguồn và tổng hợp một số phương pháp trên một số trang web giáo dục, hy vọng tìm ra được cách thức dụ chàng ấy. Mình chia sẻ cho các bạn cùng tham khảo nhé.
Contents
Hỗ trợ tại gia
Nếu bé cũng như Ken đang đánh vật với môn viết, luyện tập ở nhà sẽ hỗ trợ bé hơn rất nhiều, nhưng đừng làm như bài tập ở trường. Câu trả lời chính là chuyển viết thành một trò chơi và ngược lại.
Bạn phải luôn nhớ rằng vai trò của bạn khi ở nhà với tư cách là người hỗ trợ bé tập viết nên mọi việc phải vui và tôn trọng trí tưởng tượng của bé. Bạn không cần phải tỉ mỉ với những lỗi chính tả của bé đâu. Trên thực tế, các nghiên cứu cũng chỉ cho chúng ta thấy để đi đoạn đường xa trong học tập, sẽ quan trọng hơn rất nhiều nếu bạn khuyến khích được khả năng giao tiếp bằng ý tưởng hơn là gây trở ngại cho phong cách của bé chỉ vì muốn bé viết đúng chính tả. Bản thân mình cũng từng mắc sai lầm này do thói quen, hoặc do rõ ràng Ken biết, nhưng do cẩu thả viết nhầm; nhưng giờ mình bỏ được rồi.
Mình đọc được rằng nguồn gốc của từ communication là từ commune – nói cách khác là đưa những ý tưởng trong não bé xuống giấy và ngược lại lên bộ não. Bạn có thể thực hiện cách thức sau:
- Đầu tiên, rủ bé “Mình cùng chơi đi”. Và không cần đề cập đó là “trò chơi viết” đặc biệt đối với bé không thích viết;
- Chọn các chủ đề mà bé thích, như là quái vậy, khủng long, búp bê, bóng bầu dục hay giày dép.
- Nêu lên ý tưởng, hỏi câu hỏi và nghe cẩn thận câu trả lời.
- Cùng vẽ, ghi chút, bản đồ câu chuyện, nếu trẻ không thể nhớ hết các ý tưởng.
- Viết chính tả hay đánh máy.
- Khen ngợi thật lòng.
- Chơi trong thời gian ngắn thôi.
- Hãy dán bài viết của bé lên tường hay tủ lạnh, hoặc gửi cho ông bà và bạn bè, hoặc post lên facebook nè, viết là để chia sẻ mà.
- Nếu không vui cho bé hoặc bạn, dẹp luôn trò đó đi.
Một số trò chơi phù hợp với các bé mẫu giáo đến lớp 2
Ăn từ vựng
Bé lười viết ở bất kỳ tuổi nào cũng thường cần nắm giữ một cấp độ từ vựng nhất định. Bạn có thể tạo ra niềm vui bằng cách nướng bánh thành hình từ vựng, chẳng hạn như tên của bé, hoặc tên những nhân vật hoạt hình bé yêu thích. Nếu bạn không có thời gian nướng bánh, các trò nặn đất PlayDough, cắt chữ cũng là một giải pháp hay. Bạn cũng có thể chơi trò ghép chữ bằng cách sử dụng flashcard hoặc chữ đã được cắt dán để ghép thành tên bạn bè của bé, người thân trong gia đình hoặc những gì bé yêu thích.
Sống sót
Hãy giả vờ bạn bị cô lập trên một hoang đảo có thể trong nhà bạn hay ngoài công viên. Bạn cần viết từ “Giúp đỡ!” để được máy bay đang tìm kiếm bạn cứu. Bạn không có giấy hay bút chì (và nếu có thì chữ cũng quá nhỏ để thấy từ trên trời cao). Bạn và bé phải tìm kiếm xung quanh đảo để tìm cách viết ra từ “Giúp đỡ” mà không cần viết chì. Nếu ở trong nhà, bạn có thể lấy giấy vệ sinh, vật dụng trong nhà để xếp. Nếu ở ngoài công viên, bạn có thể lấy giày và mũ. Bạn không nên đưa ra nhiều ý tưởng, hãy để trẻ tự làm điều đó. Trò chơi này sẽ giúp các bé không thích chữ và viết hiểu được ý nghĩa, sức mạnh to lớn của một từ đơn giản khi cần sử dụng cho một mục đích nhất định.
Nếu con bạn thích trò này, hãy tổ chức thêm nhiều buổi chơi với những ý tưởng khác nhau. Chẳng hạn như máy bay sẽ tiếp tế vật dụng cho hai mẹ con theo đề nghị, các bạn có thể dùng từ khác như Nước, Bánh mì, Chăn… để bé có thể ghép nhiều từ hơn nữa.
Tin nhắn Bay
Bạn cần một trái bóng hay, băng dán và 6 mảnh giấy cắt thành mảnh dài. Cả bạn và con bạn mỗi bên sẽ viết 3 yêu cầu, một yêu cầu lên một tờ giấy yêu cầu bên kia thực hiện một hành động. Ví dụ, bạn có thể viết “Nhảy bằng chân trái 6 lần” hay “Đi ủn đít như con vịt”. Cố gắng không xem yêu cầu của phía bên kia. Ra ngoài và đứng xa nhau đủ để bé có thể với lấy bóng bay. Bạn có thể bắt đầu trò chơi bằng cách lấy tờ giấy đầu tiên, sau đó đưa cho bé. Bé sẽ đọc tin nhắn và thực hiện theo hướng dẫn. Sau đó bé sẽ lấy tờ giấy của bé và đưa cho bạn.
Nếu bạn không chơi được ngoài trời do thời tiết, bạn có thể ghi tin nhắn bỏ vào trong vớ. Bình thường có thể bé không thích viết, có khi do não bé không kết nối được ý tưởng trong đầu để viết được xuống giấy và đọc. Nhưng với trò chơi ngộ nghĩnh này, cùng với hành động được thực hiện sau đó (đặc biệt các hành động nhí nhố), có thể khơi gợi khả năng viết cho bé.
Các trò chơi dành cho lứa tuổi từ lớp 3 đến lớp 5
May mắn/ Không may mắn
Nhà văn Remy Charlip đã viết trong một cuốn sách dành cho thiếu nhi tên là Fortunately (May mắn) rằng khi một sự kiện tốt diễn ra, sẽ theo sau đó là sự không may mắn. Cuốn sách mở đầu bằng câu “Thật may mắn vào một ngày nọ, Ned nhận được một lá thư viết “Mời bạn đến dự Buổi tiệc Bất ngờ.” Nhưng thật không may là buổi tiệc đó ở tận Florida còn Ned ở New York.” Nếu có cơ hội đọc được cuốn truyện này thì thật hay, tuy nhiên để chơi trò này không cần bạn và con đọc cuốn đó.
Mỗi người tham gia chơi sẽ nhận một tờ giấy. Viết chữ to lên đầu tờ giấy chữ “May mắn”. Mặt kia viết “Không may mắn”. Nói với con bạn về một chuyến đi mà bé vẫn hằng mong mỏi, chẳng hạn như Disney Land? Disney Sea? Tokyo Dome? hay bay lên mặt trăng? Đi du lịch vòng quanh Nhật? Giúp bé nghĩ ra một câu đầu tiên về chuyến đi, chẳng hạn bắt đầu “Thật may mắn, gia đình tôi đã trúng số. Cả gia đình quyết định mua xe đạp và lái vòng quanh nước Nhật. Mẹ không phải đi làm nữa.” Hãy viết phần “May mắn”. Sau đó chuyển tờ giấy cho người chơi còn lại. Lật mặt giấy và viết phần “Không may mắn”. Chẳng hạn như, “Thật không may mắn, trời mưa cả ngày và xe đạp của chúng tôi bị rỉ sét.” Nếu bé muốn chơi nhiều hơn, bạn có thế làm thêm nhiều tờ giấy May mắn/Không may mắn hoặc bạn có thể vẽ một gạch ngang dưới phần đã chơi và tiếp tục câu chuyên. Nhớ điền số cho mỗi lần chơi, như vậy bạn có thể đọc những câu chuyện dang dở một cách dễ dàng. Điều cần phải ghi nhớ đây không phải là thời gian căng thẳng về lỗi chính tả nhé. Vai trò của bạn là giúp bé lười viết chia sẻ ý tưởng của bé với toàn thế giới.
Một ngày trong đời
Nhiếp ảnh gia Rick Smolan đã xuất bản một bộ sách có tên gọi Một ngày trong đời (A Day in the Life)… thể hiện 24 giờ trong cuộc sống của một phi hành gia, một đất nước, một bang. Giờ đến lượt bé của bạn sáng tạo ra một cuốn sách như thế. Hãy cho bé sử dụng một máy có tính năng chụp hình, giải thích ý tưởng cho bé hiểu. Sau đó nói về làm phim tài liệu một ngày trong cuộc sống của bé (hoặc của anh/chị bé hoặc bạn bè bé… bất cứ ai bé muốn). Bắt đầu một ngày bằng cách chụp bé khi bé còn ngủ. Sau đó đánh thức bé dậy và cho phép bé chụp hình trong cả ngày, cứ mỗi giờ 1 tấm thôi nhé. Kết thúc bằng cách chụp tấm hình cuối cùng khi bé đã ngủ. Hãy rửa và dán những tấm ảnh vào một cuốn sổ (dạng album giấy bạn có thể mua ở Muji). Giúp bé viết chi tiết giải thích những tấm ảnh đó – tại sao bé lại chụp hình đó, chọn chủ đề đó, tại sao nó lại quan trọng với bé, và có ai bên cạnh nhưng không được vào trong hình. Làm trang tựa đề với dòng chữ “Một ngày trong đời của [tên con bạn],” và ngày được chụp. Bạn có thể mua sổ, hoặc dán vào giấy và đục lỗ và cột lại. Hãy giữ cuốn sách mãi và cho mọi người xem. Nói về ý tưởng của con bạn là một phần quan trọng để viết. Điều này sẽ giúp những bé lười viết có thể kết nối những ý tưởng còn đang phân tán khắp nơi trong não bé. Nếu bạn muốn bé viết bằng tiếng Việt, mà bé không đủ từ vựng để diễn tả, hãy cho phép bé nói bằng tiếng Nhật, bạn hãy dịch lại ý đó bằng tiếng Việt cho bé.
Thời gian của gia đình
Bắt đầu tập hợp một hộp đựng giày, giấy và công cụ để viết, và một phong bì cho mỗi thành viên trong gia đình. Nói cho cả nhà biết sẽ cùng chơi trò Thời gian của Gia đình, và sẽ mở ra trong một hay năm hay mười năm nữa (hoặc bất kỳ thời gian nào mà bạn và gia đình bạn bầu chọn). Đó sẽ là một ghi chép về việc bạn đã là ai, bạn là ai ngày hôm nay và bạn muốn trở thành như thế nào trong tương lai. Mỗi thành viên của gia đình viết một lá thư riêng, kể cho cả thế giới biết về cuộc sống của mình. Bạn được sinh ra ở đâu? Bạn mấy tuổi vào hôm nay? Bạn muốn trông thế nào? Hoạt động yêu thích của bạn là gì? Thức ăn? Sách? Phim? Màu? Kỳ nghỉ? Chuyện gì xảy ra trên thế giới ngày hôm nay? Bạn muốn trở thành người như thế nào trong một hay năm hay mười năm nữa? Nếu bạn có vật cưng trong gia đình, hãy cho bé viết thư cho vật cưng.
Khi mọi người đều xong, dán thư lại trong phong bì và viết tên và ngày lên đó. Sau đó có thể bỏ thêm đồ vật vào hộp đựng những bức thư đó như ảnh hồi nhỏ và bây giờ, video ghi lại ảnh bé hát và nói, bưu thiếp từ những kỳ nghỉ và những bức vẽ. Và nếu được bỏ vào luôn một trang của tờ báo ngay hôm nay. Mọi người cùng dán hộp lại bằng băng keo, và viết bên ngoài “KHÔNG MỞ CHO ĐẾN NGÀY [ ]!” Đặt nó ở đâu đó và lãng quên cho đến hạn định.
Mà ở Nhật nhà cửa hơi chật chội, nên có thể giản tiện những đồ vật to đi nhỉ: thư, báo, bưu thiếp và vài hình ảnh là cũng đủ rồi.
Nếu Tớ Thống trị Thế giới
Bé sẽ được chọn để thống trị thế giới. Cậu chàng/ Cô nàng sẽ cần đưa ra một phát biểu chấp thuận trên ti vi về những mục tiêu mà bé mong muốn, và đương nhiên bé phải viết bài diễn văn đó. Những thành viên khác của cuộc tranh cử cũng sẽ giúp các thủ tục còn lại để hoàn thành bài phát biểu cuối cùng, như chuẩn bị quần áo phù hợp, chuẩn bị máy quay, đánh máy lại bài diễn văn… Đầu tiên, hãy chọn đạo cụ. Chiếc mũ hay vương miện nào Người thống trị Thế giới nên mặc? Quần áo ra sao? Liệu có nên có một hình tượng cá nhân về sự vĩ đại, như một món đồ chơi yêu thích, áo khoác, chăn, hay dụng cụ thể thao? Chuẩn bị máy quay, ánh sáng bật về phía Người Thống trị, một đồ vật như cái micro và chuẩn bị thứ gì như khán đài. Sau đó hãy lên kế hoạch cho bài diễn thuyết. Nếu bé có vấn đề viết tay hay sắp xếp thứ tự, hãy trao đổi trước tiên về ý tưởng thống trị thế giới của bé. Cần thứ gì để thay đổi thế giới? Điều gì giúp con dân có niềm vui khi sống trong thế giới của bé? Có ai bé cần cảm ơn vì đã giúp đỡ bé lên đến vị trí quan trọng như hiện tại? Kế hoạch trong tương lai là gì? Nếu những khó khăn trong học tập ngăn cản bé viết một cách thoải mái, bạn có thể ghi âm lại ý tưởng của bé, ghi chú lại những ý chính, hoặc chép chính tả. Sau đó đánh máy hoặc chép tay. Sau đó để cho một người khác cầm giấy đứng gần máy quay và để Người Thống trị phát biểu.
Hãy làm cho Viết thành một trò chơi, không phải là một Công việc
Để viết được, cần phải tiến hành nhiều bước trước khi nó thể hiện được trên giấy – phải có ý tưởng, chú ý đến sở thích, quyết định ý chính, loại bỏ ý phụ, chọn từ phù hơp và đặt chúng theo một thứ tự mà người đọc có thể hiểu được – không chỉ đề cập đến vấn đề viết một cách đơn thuần là chữ đẹp và đúng chính tả.
Bé có thể không luôn thích ngồi một chỗ và viết. Nhưng nếu bé có thể học viết vì một lý do nào đó, xem như cuộc chiến đã toàn thắng. Kết hợp viết vào trò chơi một cách tự nhiên và chứ không phải là một công việc cho bé hay cho bạn. Hãy để những ý tưởng chảy trong não bộ và tỏa sáng.
Còn nếu sau khi đã áp dụng những cách này nhưng hiệu quả vẫn hạn chế không như mong muốn của bạn, hãy kiên nhẫn tiếp tục và chấp nhận một điều rằng bạn không thể bắt một doanh nhân hay bác sĩ giỏi về văn chương như những nhà báo, nhà văn. Và xin hãy chấp nhận khả năng của bé; giúp phát huy những tài năng khác cho con tỏa sáng và chinh phục thế giới.
Các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Đánh giá bài viết:
KVBro-Nhịp sống Nhật Bản