HIỂU ĐÚNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Nhìn chung, mục tiêu chính của các chương trình giáo dục quốc gia là để phổ cập giáo dục và đáp ứng quyền học tập của số đông người dân. Do đó, chương trình phổ thông quốc gia thường chịu áp lực và phải đáp ứng yêu cầu của bối cảnh quốc gia/vùng đó, ví dụ như về văn hóa, chính trị, tôn giáo, sự phát triển của xã hội, …
Các chương trình giáo dục quốc tế thì khác. Mục tiêu không phải phổ cập giáo dục, mà để đáp ứng nhu cầu của một nhóm đối tượng nhất định trong xã hội. Ở đây cụ thể là thế hệ “công dân toàn cầu”. Thế nên, những chương trình quốc tế này thường được xây dựng theo hướng international-mindedness” (điểm này rất quan trọng ở các môn KHXH), và do không bị quá nhiều áp lực “thể chế”, chuẩn kiến thức hay phương pháp của các chương trình phổ thông quốc tế thường được cập nhật mới nhanh hơn, nếu so với giáo dục phổ thông quốc gia (các tổ chức giáo dục quốc tế đều có đội nghiên cứu chương trình là những chuyên gia hàng đầu thế giới). Điều này dẫn tới một thực tế là các chương trình quốc tế uy tín hiện nay thường có chuẩn giáo dục cao hơn các chương trình phổ thông quốc gia. Ví dụ như Cambridge IGCSE được đánh giá là phiên bản nâng cao và khó hơn của GCSE bên UK, hoặc chương trình IBDP hay Cambridge AS/A Levels vẫn đang được một số trường chuyên tại NZ/Úc; Mỹ lựa chọn để giảng dạy cho đối tượng học sinh giỏi của họ.
Nói về sự công nhận của văn bằng phổ thông khi xét tuyển vào Đại học. Trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay, gần như không có văn bằng phổ thông nào không được công nhận cả. Tuy nhiên, giá trị của từng văn bằng khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào chuẩn giáo dục của hệ thống cấp bằng. Chuẩn giáo dục càng cao thì văn bằng phổ thông càng giá trị, từ đó đem tới nhiều lợi thế cho học sinh khi lên Đại học (e.g. nền tảng kiến thức kỹ năng tốt hơn, học bổng, rút ngắn thời lượng, etc.). Đối với những bạn không có cơ hội lấy văn bằng phổ thông giá trị cao, thì vẫn có thể tự cải thiện khả năng cạnh tranh của bản thân thông qua các kỳ thi chuẩn hóa để lấy các chứng chỉ như SAT/ACT/IELTS… Ngoài ra cũng cần chú ý, nếu học sinh có cơ hội học chương trình có chuẩn giáo dục cao mà không theo được, kết quả thấp thì văn bằng cũng chưa chắc có giá trị bằng một bạn học một chương trình giáo dục chuẩn thấp hơn nhưng điểm số cao.
Có một số nhầm lẫn phổ biến về kiểm định mà em muốn làm rõ với các bậc phụ huynh. Cambridge, IB hay những tổ chức tương tự là đơn vị cung cấp chương trình chứ không kiểm định trường học. Cambridge hoàn toàn là bán chương trình thu phí, họ không chịu trách nhiệm về chất lượng của trường được gọi là Cambridge International School. Họ có kiểm tra bước đầu về việc trường sẵn sàng về giáo viên và cơ sở vật chất để dạy chương trình Cambridge hay chưa trước khi chuyển giao chương trình. IB có khắt khe hơn một chút, họ có những tiêu chuẩn về việc sẵn sàng của trường, bao gồm cả việc bổ nhiệm IB coordinator tại trường, cũng như đào tạo giáo viên chuyên dạy chương trình IB theo hình thức workshop nhưng sau khi trường đã triển khai chương trình, họ không còn can thiệp về chất lượng của trường nữa. Có thể nói, IB chỉ dừng lại ở cấp độ kiểm định chương trình, các mặt khác của trường sau khi đã được chấp thuận dạy chương trình IB là do trường tự chịu trách nhiệm, chứ IB không đánh giá việc này.
Ngoài ra thì một số đơn vị bán chương trình thu phí cũng thực hiện các đợt kiểm tra tại trường Việt Nam, nhưng đây không phải là kiểm định chất lượng. Nguyên tắc của kiểm định chất lượng là đã kiểm định thì không tư vấn, mà đã nhận tiền để tư vấn thì không thể đóng vai đơn vị kiểm định độc lập. Do vậy, đơn vị đã ký hợp đồng tư vấn chuyển giao chương trình đã có lợi ích từ trường học, dù là Sở giáo dục ABC, thì việc họ tới thăm và góp ý với trường không thể gọi là kiểm định chất lượng.
Còn về những chương trình GD quốc tế thì được thiết kế, xây dựng và quản lý bởi các tổ chức giáo dục độc lập. Các chương trình này cũng có hệ thống đánh giá dựa theo chuẩn giáo dục của tổ chức đó và dẫn tới văn bằng phổ thông quốc tế. Một trong những chương trình quốc tế đầu tiên trên thế giới đó chính là IBDP (Diploma), được tổ chức IBO có trụ sở tại Thụy Sỹ xây dựng vào những năm 1960s. IBDP hiện vẫn đang là chương trình quốc tế phổ biến nhất thế giới, hướng tới học sinh từ 16-19 tuổi. IB sau đó tiếp tục phát triển và giới thiệu IBMYP (Middle years) vào năm 1994, IBPYP (Primary years) vào năm 1997 để có một chương trình phổ thông hoàn chỉnh. Bên cạnh IB, còn có Tổ chức khảo thí Cambridge Quốc tế (thuộc Đại học Cambridge) và Tổ chức khảo thí Edexcel (thuộc tập đoàn giáo dục Pearson) cũng có một chương trình phổ thông quốc tế hoàn chỉnh, gồm 4 bậc: Primary, Lower Secondary, Upper Secondary, và Advanced. Ngoài ra, còn có tổ chức Fieldwork Education với chương trình quốc tế ở bậc mẫu giáo (IEYC), tiểu học (IPC), và trung học cơ sở (IMYC). Mỹ cũng không bỏ qua sân chơi này khi tổ chức College Board ra mắt chương trình quốc tế bậc trung học phổ thông Advanced Placement International Diploma (APIP) vào năm 1995.
Tổng hợp bài viết: Cô DƯƠNG MỸ LINH – Giám đốc Học thuật (1) Nisai Global School – Viet Nam | Facebook
Cảm ơn cô Dương Mỹ Linh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản