Site icon KVBro

HƯỚNG DẪN DẠY TIẾNG ANH CHO BÉ TẠI NHÀ TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Đến 3 tuổi, nếu áp dụng theo phương pháp của bài Hướng dẫn dạy tiếng Anh cho bé tại nhà từ 0 đến 3 tuổi, thì nhất định bé đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh cho những giao tiếp đơn giản hàng ngày. Nếu bạn bắt đầu muộn, không sao cả, đây chính là tuổi vàng để bắt đầu dạy ngoại ngữ cho bé. Bạn hãy áp dụng tổng hợp các phương pháp của giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi và các phương pháp của giai đoạn 3 đến 5 tuổi này nhé.

⇒Bài viết liên quan: 
TÀI LIỆU TIẾNG ANH CHO TRẺ TỪ 2 ĐẾN 4 TUỔI (Audio Book)
TÀI LIỆU TIẾNG ANH CHO TRẺ TỪ 4 ĐẾN 6 TUỔI (Audio Book)

Contents

Nguồn tài liệu khổng lồ trên Youtube

Ở giai đoạn này, chúng ta vẫn tiếp tục tận dụng nguồn tài liệu khổng lồ trên youtube để hỗ trợ bé học nhé. Các bạn vẫn tiếp tục cho bé nghe những bài hát vui nhộn và có thể cho nghe những bài hát phonics được rồi.

Một số bộ đĩa mà mình thấy phù hợp cho bé giai đoạn này là:

+ Word World – Đây là một bộ đĩa vui nhộn, dễ thương rất thu hút các bé. Đặc biệt tốt cho các bé bắt đầu tìm hiểu và học phonics.

+ Peppa Pig – Một bộ phim hoạt hình vui nhộn, đáng yêu về gia đình chú heo Peppa. Những sinh hoạt đời thường của các bé độ tuổi mầm non, mẫu giáo, quan hệ bạn bè và tình yêu gia đình. Rất đáng để cho cả bố mẹ dành thời gian xem cùng con nhé. Nguồn YOUTUBE

+ Strawberrry Shortcake – Thế giới của các cô gái đáng yêu, nguồn YOUTUBE

+ Hi 5 – Có cả Hi 5 của Anh và Úc đấy. Người lớn như mình xem cũng mê luôn, click tại đây

+ The Koala Brothers

+ Nếu bé bạn khéo tay, đừng quên chơi Play Doh cùng bé, nguồn trên YOUTUBE

+ On the go – Giúp nâng cao từ vựng cực tốt, hình ảnh sinh động, dễ hiểu trên YOUTUBE

+ Các bộ phim hoạt hình Waltz Disney không thể thiếu trong tuổi thơ của bé trên YOUTUBE

Cùng con nói tiếng Anh

Thời gian này bé có thể nói được nhiều hơn và như vậy mọi chuyện thuận lợi hơn. Bạn không còn cảm giác nói vào hư vô, không biết bé có hiểu không. Ở độ tuổi này bé phản xạ tốt, và rất ham học hỏi. Đặc biệt là được xem những bộ phim hoạt hình đáng yêu thì bé càng hứng thú trong giao tiếp bằng tiếng Anh hơn.

Gia đình mình giai đoạn này tiếp tục nói về đời sống hàng ngày trong giờ Family Time và trước khi đi ngủ hai ba con sẽ kể chuyện phim và đóng vai phim cho nhau xem. Bạn sẽ không khó khăn gì trong giai đoạn này nữa, bé sẽ rất hào hứng và ánh mắt sáng long lanh khi kể và nói chuyện bằng tiếng Anh.

Chơi cùng con bằng tiếng Anh

Tiếp tục sử dụng phương pháp này vào giai đoạn 3 đến 5 tuổi. Mốt số trang web mình thấy hay như sau:

(1) Laughingkidslearn

(2) Kidspots-games-activities

(3) Mericherry

Học phonics

Học phonics sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bé khi học đọc và viết sau này. Đây là cách các bạn nhỏ bản xứ học để tiếp cận tiếng Anh, giống như học đánh vần trong tiếng Việt vậy đó. Vì vậy bố mẹ nên hỗ trợ bé học phonics khi muốn bắt đầu học đọc tiếng Anh.

Mình cho bé bắt đầu học phonics lúc tầm 4 tuổi. Thật ra không cần học sớm như thế, nhưng vì bé tỏ ra thích thú và muốn học nên mình dạy từ từ. Nếu các bạn không muốn dạy con sớm thì mình nghĩ 5 tuổi bắt đầu dạy là phù hợp.

Đầu tiên mình cho bé nghe các bài hát phonics trên Youtube, tự nhiên một ngày nọ thấy Ken bé rõ ràng (lúc đó tầm 3 tuổi giọng vẫn hơi ngọng) và ngồi viết chữ abc trên giấy, dù chưa ai dạy cả. Sau khi thấy bé đã thuộc hết các bài hát phonics, mình cho bé tiếp cận bộ sách Oxford Phonics World. Bộ sách gồm có 5 cuốn theo thứ tự từ dễ đến khó, có đĩa đính kèm để bé nghe và phát âm đúng. Bên cạnh đó, hình ảnh đẹp và có cả sticker là điểm cộng. Sau hơn 1 năm học ròng rã thì tầm 5 tuổi Ken có thể đọc khá trôi chảy những từ vựng đơn giản.

Ngoài ra, bạn có thể cho bé học theo các trang web dạy phonics. Có hai trang khá nổi tiếng là Starfall và Kizphonics, có thể download apps về ipad cho tiện. Mình có cho bé chơi 1 ít Starfall và bé rất thích các trò chơi này, tuy nhiên, vì sợ bé tiếp xúc máy tính nhiều dễ cận thị, nên mình cũng hạn chế và cho tiếp xúc với sách vở nhiều hơn, vì trong ngày bé cũng có xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh rồi. Các phim liệt kê trên mục một cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho việc học phonics của bé.

Nghe đọc sách và tự đọc sách tiếng Anh

Giai đoạn này mình vẫn tiếp tục đọc sách cho bé nghe, hoặc mở những audio online sách cho bé nghe. Thật ra giai đoạn này là giai đoạn công việc mình rất bận, nên cũng có nhiều thiếu sót trong việc follow up tiếng Anh của con. Mình có dạy phonics, nên cũng từ đó tập cho bé đọc từ từ những truyện dễ. Mình in ra một số truyện hỗ trợ học phonics mà mình download được trên mạng. Sau một thời gian mình biết đến Raz-kids và chuyển cho bé sang đọc Raz-kids từ khi 5 tuổi.

Raz-kids thực sự là một nguồn sách đọc online lý tưởng, giá cả phải chăng để các bố mẹ có thể đầu tư cho con đọc sách. Mình cho bé sử dụng Raz-kids đến tầm 6 tuổi thì ngưng vì muốn bé tập trung đọc sách giấy hơn.  Mình thực sự thấy đây thực sự là một trang học online rất tốt với 29 level từ A đến Z, tổng có khoảng hơn ngàn đầu sách. Raz-kids tích hợp được cả việc đọc, nghe và trả lời câu hỏi, ghi âm giọng đọc của con.

Về sau mình biết thêm EPICS, nơi đây tập trung phong phú sách online với đủ mọi chủ đề, kể cả video. Nguồn phong phú, đa dạng hơn Raz-kids, nhưng vì nhiều như vậy nên bố mẹ phải mò tìm các video đúng trình độ của con và theo dõi, định hướng. Khuyết điểm là có nhiều video chủ đề games mình không thích nhưng vẫn hiện ra, các bạn nhỏ thì dễ mê những video này. Ngoài ra, chỉ đọc thôi chứ không nhiều bài đọc xong có kiểm tra như Raz-kids. Bạn có thể tìm hiểu thêm xem loại nào phù hợp với con mình hơn.

Playdate

Đây vẫn là một phương pháp hiệu quả cho giai đoạn này. Học hành gì thì cũng cần môi trường cả, khi bé có bạn cùng giao tiếp một ngôn ngữ thì việc sử dụng một ngữ đó cũng thành thạo và tự nhiên hơn. Khi cho chơi với các bạn bản xứ cũng là cách bạn đánh giá được trình độ của bé một cách khách quan hơn so với việc chỉ ở nhà nói với mẹ. Ngoài ra việc giao tiếp bên ngoài sẽ giúp phát âm của bé tự nhiên và hay hơn so với việc nói chuyện với bố mẹ có giọng phát âm không chuẩn lắm (trong trường hợp của gia đình mình).

Chọn trung tâm tiếng Anh tốt hoặc gia sư cho bé

Đã đến lúc bạn bắt đầu đầu tư để bé có một môi trường tốt hơn và được giao tiếp nhiều hơn. Bởi lúc này ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt hoặc tiếng Nhật của bé đã giỏi khi đi học ở trường. Do đó, tùy điều kiện kinh tế và khả năng đưa rước của bố mẹ, hãy lựa chọn một trung tâm tiếng Anh tốt hoặc gia sư cho bé.

Một số trung tâm tiếng Anh được đánh giá khá tại Tokyo: Shane, Kikokushijoacademy, Kumon, British Council, YGC Sapix…

Học kỹ năng bằng tiếng Anh

Đằng nào bé cũng sẽ tham gia một số lớp năng khiếu về âm nhạc, thể thao… Hãy cân nhắc cho bé tham gia vào lớp dạy bằng tiếng Anh. Đây là môi trường để bé có thể kết nối với các bạn cùng nói tiếng Anh và có môi trường để thực hành những gì đã học tại nhà.

Dance/gym bằng tiếng Anh

https://www.tng-academy.com/whats-tng

https://www.gymboglobal.jp/en

Gymboree (cho các bé nhỏ)

Diễn kịch

Tokyo Bees:  www.tokyo-bees.com

Thể thao:

Daikanyama Karate School, British Football Academy

Sau khi áp dụng các phương pháp trên đây, kết quả đạt được là bé có thể giao tiếp tốt hơn, lượng từ vựng phong phú hơn, không quá thua xa các bạn bản xứ dù bé chỉ học ở nhà với bố mẹ là chủ yếu. Ngoài ra, bé có thể bắt đầu đọc được những từ vựng đơn giản nếu bạn quyết định dạy phonics.

Bạn có thể tham khảo thêm bài Giới thiệu về Eiken, Cách hướng dẫn cho bé độ tuổi dưới lớp 3 thi Eiken nữa nha.

Hy vọng bài viết này của kvbro giúp ích được phần nào cho các bạn có con nhỏ đang chuẩn bị học thêm tiếng Anh. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, các bạn để lại comment ở dưới, kvbro sẽ cố gắng giải đáp.

 

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

Exit mobile version