LEO NÚI (TREKKING, HIKING) CÙNG TRẺ – PHẦN 1 – CÁC LƯU Ý THEO ĐỘ TUỔI

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (6 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Bắt đầu từ ngày thiên thần nhỏ xuất hiện trong gia đình bạn, bạn bắt đầu ăn mừng đầy tháng, nụ cười đầu tiên, tiếng nói đầu tiên, bước đi đầu tiên. Đối với mình, một dấu ấn quan trọng không kém là: lần đầu tiên leo núi.
Rõ ràng không có câu trả lời đúng sai cho việc khi nào nên cho bé bắt đầu, mặc dù có nhiều lời khuyên cho rằng “nên bắt đầu càng sớm càng tốt”. Việc nuôi dạy bé đã đủ căng thẳng rồi, và đôi khi không khí trong lành có thể khiến bầu không khí gia đình thêm ấm áp.

Một lần leo núi Takao-san, Tokyo
Bản thân mình trước đây là một “bánh bèo” chính hiệu. Mình không giỏi thể thao, chính ra cũng có chút lười vận động. Nhưng từ khi bạn trai nhỏ ra đời, mình đã động viên bản thân phải cố gắng thay đổi để tạo môi trường cho bạn ấy. Nếu bạn làm tốt việc này, sẽ có nhiều kỷ niệm để bạn ghi nhớ đấy – từng bước trưởng thành thông qua hoạt động ngoài trời.

Leo có bạn bè thì càng vui.
Cho đến nay, bé nhà mình đã nhiều lần leo núi Takao-san, Nokogiriyama, núi Arthur`s Seat ở Edinburgh (Scotland) – sau đó còn sức leo lên đồi Canton Hill nữa, núi ở Springbrook National Park (Gold Coast, Úc), trekking ở Banff National Park, Crowfoot Glacier ở Canada; và đủ sức để du lịch bụi cùng ba mẹ dài ngày. Đối với mình, đó là những trải nghiệm quý giá để nhìn thấy sự trưởng thành từng ngày của con và cùng con trưởng thành. Mỗi một sai lầm trong từng chuyến leo núi, từng chuyến du lịch bụi của gia đình là thêm một kinh nghiệm đáng nhớ; và cả niềm vui khi chinh phục được ngọn núi cao hay đi bộ cả ngày sẽ khiến cả gia đình thêm tự hào và gắn kết!

Contents

Leo núi với Trẻ mọi lứa tuổi


Mẹ con cùng chinh phục Arthur`s Seat tại Edinburgh, Scotland vào một ngày cuối tháng 07 lúc con 6 tuổi.
Giữ trẻ khô, ấm và no bụng
:  Kể cả điểm đến hoàn hảo cho trẻ cũng sẽ trở thành nơi tồi tệ nếu như những nhu cầu cơ bản nhất của trẻ không được đáp ứng. Trẻ đơn giản không có khả năng chịu đựng như người lớn – kể cả trẻ ít làm nũng. Khi trẻ ấm áp, khô ráo và no bụng, trẻ sẽ thể hiện năng lực siêu nhiên như một kẻ chinh phục thật sự.
Cung cấp đủ nước cho trẻ và giữ trẻ mát mẻ: Đây thật ra là một tip mở rộng của tip trên. Bình đựng nước phải luôn được mang theo; tùy theo mùa mà sử dụng nắp bình phù hợp, giữ nước lạnh khi trời nóng, và có cả chai xịt khoáng sẽ giúp trẻ rất nhiều đấy. Có lần trong lúc đi dạo trong phố Sydney, Úc, mình không thể tìm được chỗ mua nước ngay, mà trẻ nhỏ khi cần nước mà xìu và không cố được nữa. Đó là một trải nghiệm không hay với mình, do đó, có thể thiếu món gì, nhưng luôn mang chai nước theo, và khi gần hết phải tìm cách mua cho bằng được.
Theo dõi thời tiết: Điều kiện thời tiết xấu có thể khiến mọi việc trở nên bất tiện, đáng sợ hoặc thậm chí là nguy hiểm cho trẻ, vì thế hãy theo dõi thời tiết suốt cuộc hành trình và sẵn sàng về nhà nếu bầu trời chuyển tối hoặc gió to.
Khám phá đứa trẻ trong bạn: Đối với trẻ nhỏ, đây thực sự là một chuyến đi, không phải là điểm đến. Vì vậy hãy luôn tự nhắc mình như vậy, và cùng khám phá với trẻ, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều kỳ diệu xung quanh.

Leo núi cùng Trẻ sơ sinh (0-12 tháng tuổi)

Ở giai đoạn này có thể nói là “mang theo trẻ”, bởi vì bạn phải mang trẻ theo như thế nào là điều đầu tiên phải nghĩ đến.
Cái địu trẻ phù hợp: Sự lựa chọn không chỉ là bạn hay chồng/vợ của bạn địu, mà còn là mang trước ngực hay sau lưng, mà kiểu nào thì phù hợp với bạn hay người còn lại hơn. Trẻ cần phải địu phía trước cho đến khoảng 6 tháng trước khi có thể chuyển sang phía sau.
Tip để leo núi với Trẻ sơ sinh:
+ Giúp trẻ quen sử dụng cái địu mới trước khi quyết định leo núi;
+ Vận động leo núi sẽ khiến hầu hết trẻ sơ sinh buồn ngủ, vì vậy hãy bắt đầu đi vào giờ bé ngủ để tránh làm rối loạn giờ ngủ của bé;
+ Đơn giản hóa mọi việc bằng cách chỉ leo vài giờ trong những lần leo đầu tiên; hãy cẩn trọng với nhiệt độ, gió và mưa nữa; bởi vì trẻ chưa điều chỉnh thân nhiệt được.
+ Đội mũ chống nắng cho bé có vành đủ để che cổ.
+ Nếu bé của bạn uống sữa công thức, hãy đem theo một ít sữa bột nén của Meiji nhé để đỡ nặng.
+ Mang theo một bình sạch riêng chỉ sử dụng để thêm nước.
+ Mang theo nhiều tả, và đủ túi đựng rác để bọc 2 lớp giúp việc mang vác sạch sẽ.

Leo núi cùng Trẻ 1-3 tuổi


Voi leo Takao-san lúc 2 tuổi
Đến giai đoạn này bạn chuyển sang nửa mang vác, nửa leo, vì thế điều quan trọng là sự thích ứng. Trẻ 1-3 tuổi muốn đi lại, di chuyển, “thể hiện năng lực”, vì thế hãy lên kế hoạch có nhiều điểm dừng chân để trẻ có thể khám phá các khu vực nhỏ.
Tip để leo núi với trẻ từ 1-3 tuổi:
+ Cần mang theo bình nước của trẻ và khuyến khích trẻ uống.
+ Bạn không cần cho trẻ mang boots, chỉ cần giày thể thao là được. Mang theo thêm vớ bởi vì vận động nhiều khiến mồ hôi chân làm bé ẩm ướt, khó chịu.
+ Đối với bé thích tự lập, hãy cho bé mang theo ba lô nhỏ đựng những vật nhẹ như áo khoác.
+ Luôn biết được khi nào đến điểm dừng chân hay đến đích bởi vì kể cả những trẻ thích vận động thì sẽ luôn mệt bất ngờ và cần phải ôm, bế.
+ Khi để bé tự đi, hãy chọn chỗ đường bằng phẳng, rộng rãi; bạn sẽ có thể trông bé dễ dàng hơn.
+ Chấp nhận bé bẩn; chỉ thay đồ khi bạn thật sự cần.

Leo núi cùng các bé 3-5 tuổi


Leo núi Arthur`s Seat ở Edingburgh, Scotland
Đối với lứa tuổi này mọi việc dễ dàng hơn chút xíu. Tầm đến 5 tuổi, bé có thể độc lập leo mà không cần địu nữa tùy quãng leo ngắn dài. Tuy nhiên, tuổi này vẫn cứ xác định bạn phải địu bé. Mình nghĩ chỉ nên leo đoạn ngắn tối đa là 4 km (hai chiều). Nếu đường không dốc quá, bạn có thể leo xa hơn chút.
Tip để leo núi với trẻ 3-5 tuổi tương tự như tip với trẻ 1-3 tuổi. Tuy nhiên ở lứa tuổi này nếu bạn chọn cung đường hợp lý thì dường như bé có thể tự lập đi, leo toàn bộ cung đường mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Như bé nhà mình khi 5 tuổi đã tự leo được lên đỉnh núi Takao-san và đoạn núi ở Springbrook National Park (Gold Coast, Úc).

Leo núi cùng các bé 6~ 12 tuổi


Leo núi Takao-san, Tokyo
Mình nghĩ bé càng lớn mọi việc càng dễ dàng. Bé càng lớn thì cả gia đình có thể cùng nhau khám phá những cung đường xa hơn, cao hơn (chủ yếu là bố mẹ có đủ thời gian và sức lực để bám càng không thôi). Ở giai đoạn này, các loại địu, xe đẩy sẽ về hưu và bạn có thêm một người bạn đồng hành thực sự. Đây là lúc bạn phải đọc kỹ các hướng dẫn và đưa ra các nguyên tắc an toàn. Nếu bạn có bé từ (3-5 tuổi), bé của bạn có thể vẫn phải bỏ trong xe đẩy hoặc địu theo. Nhưng sau đó, bé hoàn toàn sẵn sàng trở thành một cá thể độc lập trên cung đường cùng bố mẹ.
Các nguyên tắc leo núi cho các bạn tiểu học
+
Khi trẻ bắt đầu leo bằng chân, nguyên tắc “luôn trong tầm mắt của Bố hoặc Mẹ”.
Nếu bạn tổ chức cho một nhóm trẻ đi leo núi, hãy luôn dặn trẻ nguyên tắc “buddy system” – tức là mỗi đứa trẻ được chia nhóm với bạn cùng độ tuổi (nếu có thể, bọn nhỏ sẽ thấy vui hơn); và chúng luôn phải nhớ bạn được chia nhóm với mình. Do đó, 2-3 bạn nhỏ được chia nhóm phải luôn đi cùng nhau; và có ít nhất 1-2 người lớn quan sát, theo dõi, nhắc nhở bọn trẻ.
+ Sau khi trẻ leo núi với bạn vài năm, nguyên tắc có thể thay đổi thành “leo trước một đoạn ngắn sau đó dừng lại và đợi cho đến khi thấy Bố/Mẹ”. Và nguyên tắc “Không bao giờ leo quá biển hiệu hướng dẫn của cung đường”.
+ Trẻ em phải mang theo còi an toàn.
+ Trẻ phải biết làm gì khi bị lạc: Dừng lại, thổi còi trong các bụi cây.
Tip để leo núi cùng các bạn tiểu học:
+ Thay vì chỉ chăm chăm đến việc lên đỉnh núi hay ngắm cảnh, hãy nghĩ về các địa điểm mà trẻ có thể thấy vui: nơi nào trẻ có thể nhảy qua các tảng đá, hoặc nơi nào phải bám vào các rễ cây, leo qua các tảng đá cuội, nhặt nhanh lá cây, hạt dẻ…
+ Lôi kéo trẻ vào các hoạt động lên kế hoạch và chuẩn bị cho chuyến đi: tự chuẩn bị đồ để leo núi.
+ Trẻ sẽ nhanh chóng thấy chán. Trên đường đi bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn với cảnh đẹp xung quanh, nhưng trẻ thì không. Vì thế hãy sáng tạo để chuyến hành trình luôn vui vẻ: canh đếm số phút đến từng đoạn đường, nhặt rác trên đường đi, nhặt hạt dẻ, đếm các con thú mà bé thấy (chẳng hạn khi leo núi ở Úc, bé tự tìm xem có thấy chú sóc hay chú chuột túi nào không), hát những bài hát thời thượng vào lúc đó, bạn sẽ thấy bé sẽ rất sáng tạo (chẳng hạn Country road, take me home to the Mount Takao…), làm thơ…
+ Đối với những trẻ ít thích hoạt động: hãy cố gắng tạo nhiều điểm dừng chân, như dưới những cây lớn hay các tảng đá to… để bé có thể uống nước và ăn vặt.
+ Nếu có thể, hãy rủ nhiều bạn của bé cùng đi, có bạn bè các bé sẽ được truyền thêm năng lượng, không than vãn, và sẽ thích chứng tỏ mình. Chẳng hạn bé nhà mình đã nói với bạn “Mình mệt lắm, nhưng vì là con trai, mình sẽ không bỏ cuộc.”
+ Bạn có thể dạy bé các nguyên tắc khi cắm trại ngoài trời hay leo núi. Bạn có thể tìm các thông tin trên mạng, hoặc cho bé tham gia các nhóm Boyscout được tổ chức khắp nước Nhật, bé sẽ được rèn luyện các kỹ năng cơ bản để sinh tồn ngoài trời.
+ Dạy trẻ về cách đọc bản đồ: Bắt đầu từ những bản đồ đơn giản như bản đồ cung đường leo tự nhiên, và nâng cấp độ khó bản đồ theo lứa tuổi.

Phần 2: Leo núi (Trekking, Hiking) cùng trẻ – Kế hoạch cụ thể;
Phần 3: Leo núi (Trekking, Hiking) cùng trẻ – Danh sách vật dụng cần thiết.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (6 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.