Site icon KVBro

LEO NÚI (TREKKING, HIKING) CÙNG TRẺ – PHẦN 2 – KẾ HOẠCH CỤ THỂ

Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

Leo núi cùng trẻ rất vui, chắc chắn là như vậy! Leo núi và khám phá cùng trẻ sẽ là những trải nghiệm thú vị, cả trẻ và bố mẹ cùng trưởng thành, cùng học hỏi và là cách tốt để kết nối gia đình.  Tại phần 1, mình đã chia sẻ những điều cần lưu ý chung cho từng độ tuổi. Sau đây là những tip và kế hoạch cụ thể theo kinh nghiệm của mình.

Contents

Rèn luyện hàng ngày


Voi leo Takao-san lúc 2 tuổi
Thật ra mình nghĩ ở Nhật thì đi bộ dài ngày hay leo núi không có gì quá to tát, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bởi ở Nhật thường ngày phải đi bộ nhiều, do đó bé cũng được rèn luyện. Rõ ràng bố mẹ không có thời gian để đưa con đi leo núi hay đi bộ dài ngày thường xuyên, nên nếu có thể, hãy cho con vận động hàng ngày đi bộ đến trường, cuối tuần thư giãn leo dốc cùng gia đình; hay lựa chọn những công viên có địa hình đồi núi để trẻ chơi, leo trèo mà bố mẹ vẫn có thể nghỉ ngơi, thư giãn xem như là luyện tập, chuẩn bị cho những chuyến leo núi thực thụ.
Một cách rèn luyện khác là thông qua các hoạt động Forest Adventure. Các khu vực Forest Adventure như Forest Adventure Chiba được xây dựng khắp nơi ở nước Nhật, trong các khu rừng hoặc công viên lớn giúp trẻ rèn luyện khả năng leo trèo, di chuyển khéo léo có bảo hộ. Do đó, với trải nghiệm 1 ngày ở đây bé sẽ học nhiều kỹ năng có thể giúp ích khi đi trekking hay hiking nơi rừng núi hoang sơ.

Mục đích khi leo núi cùng trẻ

Mục đích phải thực tế. Sẽ có những thách thức khi bạn leo núi cùng trẻ. Đừng kỳ vọng trẻ phải vui mọi thời điểm và cũng đừng đưa ra mục đích quá sức của trẻ.

Vượt qua khó khăn

Đây là một điểm quan trọng. Nếu trẻ muốn bỏ cuộc khi đang leo, dù là vì mệt, té hay chỉ đơn giản là chán nản, hãy xác định tình hình. Có nghĩa là bạn cần ngưng chuyến đi hay nghỉ ngơi giữa cung đường hoặc là bế/địu trẻ một lúc (thậm chí khi trẻ trên 5 tuổi) . Mình cũng từng phải làm như vậy dù bé đã 5 tuổi khi đi du lịch bụi ở Úc, vì chỉ có hai mẹ con trong cuộc hành trình mà bé lại mệt vì phải đi chơi dài ngày, ngày nào cũng đi bộ từ sáng đến tối. Tuy nhiên, sau khi được mẹ ôm ấp thì bé lại tự nguyện tự đi. Và thật may trong chuyến leo núi ở Gold Coast, bé tự đi, tự khám phá và không làm phiền mẹ.
Khi sự việc đã được xác định, hãy vượt qua nó và tiếp tục hành trình. Đừng chững lại ở đó. Thay vì chán nản, hãy vui vẻ và tiếp tục cuộc hành trình. Trẻ sẽ làm bạn kiệt sức vì thế hãy chuẩn bị cho khả năng xảy ra này để bạn có thể lấy tinh thần lại nhanh chóng khi mọi việc trở nên khó khăn.

Lên kế hoạch dừng nghỉ để trẻ có thể khám phá


Nếu bạn giống mình, bạn muốn bắt đầu và đến đích. Đi với trẻ nhỏ thì không luôn theo ý mình. Vì thế sẽ tuyệt hơn nếu bạn lên kế hoạch cho trẻ ngưng giữa đường để khám phá và nghỉ ngơi. Có khi đoạn đường 2 km thôi nhưng mất gần 4 giờ.
Chẳng hạn như khi leo núi ở Gold Coast, Úc. Mình đã lên kế hoạch dừng lại để khám phá côn trùng, ngắm cây cổ thụ 2500-3000 năm tuổi, khám phá dòng suối trong rừng, tìm xem có con kanguroo hay con sóc nào không.
Nếu bạn thấy có gì đó khiến trẻ có thể khám phá, hãy dừng lại để trải nghiệm, nhưng luôn nhắc bọn trẻ phải đi tiếp để đến đích. Đây cũng là thời gian lý tưởng để đưa ra ý tưởng trò chơi nào đó.

Các món ăn vặt cho trẻ

Nếu leo núi và nơi đến có cảnh đẹp hùng vĩ, hồ nước hay công viên… thì hãy luôn mang theo snack cho bọn trẻ nhé. Không cần phải là món ăn gì hoành tráng, những món đơn giản trong konbini của Nhật hoặc đồ mua siêu thị là được, như bánh quy, các cây kẹo granola để cung cấp năng lượng hoặc trái cây (quýt, nho, táo).
Nhìn chung, hãy chọn các món mà bé thích ăn. Với bữa trưa, nếu hành trình dài thì hãy đơn giản như onigiri và sandwiches. Nếu bạn leo núi tại Nhật, hầu hết trên cung đường có thể có trạm dừng chân với quán ăn. Nếu leo núi ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Châu Âu, Úc, Canada thích phong cách hoang sơ thì chắc chắn bạn phải mang đủ thức ăn đó. Còn nếu hành trình ngắn, hãy thử bày biện một chút mang theo một số dụng cụ nấu ăn đơn giản và yêu cầu trẻ tự phục vụ để có bữa ăn. Đây cũng là một cách rèn luyện cho trẻ.
Nếu đi đông người, hãy chia ra mỗi người một ít mang theo bếp nhỏ loại du lịch leo núi, nồi chảo loại nhỏ để du lịch leo núi, các thức ăn cần chế biến sơ như túi cơm khô sẽ biến thành cơm khi cho nước sôi vào, hay xúc xích cần nướng sơ qua để cho vào bánh mì, túi soup khô… Bé sẽ học mở bếp, nấu nước và tự đổ nước vào để có món ăn… Theo mình bé cũng sẽ rất thích thú khi tự làm được và cũng là rèn luyện cho bé biết làm và biết quan tâm đến người khác.

Các trò chơi cho trẻ khi leo núi

Đây là một số trò chơi khi leo núi cho trẻ mà mình thấy hiệu quả. Đặc biệt, không cần công cụ kèm theo vì thế rất phù hợp.
+ Đoán động vật:
– nhặt một con vật nhỏ nào đó trên đường đi và trẻ sẽ hỏi câu hỏi bố/mẹ nghĩ đây là con gì.
– mình khá kém nên hay trả lời sai (có khi cố tình sai). Bé có thể sửa lại và/hoặc cùng nhau tìm hiểu.
+ Eye spy:
– Một trò chơi đơn giản mà bé nhà mình rất thích là Eye spy. Nghĩa là bé hoặc mình sẽ nhìn và chọn một vật nào đó như lá cây, côn trùng hay chỉ vào cây trên đường và nói I spy và đưa ra những gợi ý cho đến khi đối phương đoán được đó là gì.
+ Giữ gìn môi trường:
Ở Nhật thì chúng ta luôn mang theo các túi đựng rác để mang rác về nhà. Ngoài việc không xả rác, mình luôn khuyến khích bé nhặt rác thấy trên đường và bỏ vào bịch ni lông của mình. Thông thường khi leo núi, bé sẽ bỏ túi ni lông đó trong ba lô. Bé nhà mình nhặt được nhiều thứ như núi ni lông, một đế dép nhựa khi đi leo núi Takao và bé rất tự hào về điều đó.
+ Treasure hunts:
Tùy theo mùa, bạn có thể khuyến khích bé chơi trò Treasure hunt như mùa thu nhặt hạt dẻ; hoặc nếu có dòng suối, bé có thể chọn 1 viên đá cụi bé tí xíu để đem về.
Với các trò chơi trên cũng mất thời gian phết đấy, nhưng sẽ làm trẻ vui hơn, không thấy nhàm chán và cả gia đình có thời gian cùng vui bên nhau. Đó không phải là mục đích chính của cuộc hành trình sao?

Nói chuyện với trẻ khi leo núi

Mình nghĩ đây cũng là cơ hội tốt khi vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Chẳng hạn như chủ đề về bộ phim bé yêu thích, về chuyến đi đã đi, nhắc một kỷ niệm nào đó, nói về một bạn nào đó ở trường… Thật là cơ hội hiếm có khi cả hai bên bố mẹ và con đều thoải mái, không bị vướng bận với ti vi hay bài tập, đủ gần gũi để chia sẻ thêm nhiều điều mà ngày thường chưa khai thác hết. Hãy cố gắng tạo chủ đề cho bé nói và lắng nghe. Bạn sẽ thấy rất thú vị.
Nếu đi nhóm cùng các bạn của trẻ, bạn cũng sẽ nghe được nhiều điều thú vị không kém. Những câu chuyện của những bạn nhỏ luôn khiến mình muốn mỉm cười, kể cả những câu than vãn như “Ở đây đẹp nhưng mà nguy hiểm quá.”, “Trời ơi, tớ không muốn leo đâu, tớ thích ở nhà xem ti vi.”, “Tớ cứ nghĩ mình sắp chết hơn chục lần rồi đấy”.  “Này, cậu vừa hôn tớ đấy hả? – Không, tớ có hôn cậu đâu.”

Địu

Như đã đề cập, nếu bé từ 5 tuổi trở xuống, địu là cần thiết. Bé có thể muốn chạy nhảy hoặc chỉ nằm èo, lãng công không muốn đi, kể cả ăn vạ. Vì vậy haỹ chuẩn bị để có thể tiếp tục cung đường với mọi người nhé.

Nước

Không thể bỏ qua món này được, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Trẻ có thể khát và người lớn cũng vậy thôi. Vì vậy hãy tính toán mang đủ nước và liệu có những trạm dừng chân nào để bạn tiếp nước.

Giày

Loại giày leo núi tốt cho trẻ rất giúp ích. Loại giày phù hợp sẽ giúp trẻ không bị trợt ngã nếu đường trơn, lầy lội; và bạn không lo bé bị ướt hay bẩn. Đặc biệt đừng mang giày mới mua khi leo núi. Thay vào đó hãy mang đôi cũ dùng quen, bé sẽ quen chân hơn, và nếu có bẩn cũng không tiếc.
Hãy để trẻ khám phá và đừng lo lắng liệu giày có bẩn hay ướt. Nếu trẻ không thích giày hoặc vớ ướt, hãy thay vớ cho trẻ và giải thích để trẻ cẩn thận hơn, và nếu ướt nữa sẽ không còn vớ để thay. Thông thường nếu bị tai nạn một lần, những lần sau bé sẽ tự biết cẩn trọng hơn. Bé nhà mình cũng bị ướt giày một lần khi khám phá dòng suối ở Gold Coast, Úc. Mình cho bé nghịch cho đã thì mới lấy đồ khác cho thay.

Quần áo

Luôn mang một bộ quần áo theo cho trẻ trong ba lô, nếu bé lớn hơn xíu hãy để bé tự mang trong ba lô của mình. Nếu trẻ thích nghịch bùn, bị té nếu đường trơn trợt, bạn sẽ có quần áo thay và không sợ bé bị lạnh và cảm, đặc biệt nếu leo vào những mùa thu đông hay xuân. Có lần bé nhà mình cũng trượt ngã khi leo núi Takao vì đường đá chông chênh và trơn do hôm trước trời mưa. Dù sau đó không cần thay đồ, mình khi mình thấy như vậy, trong đầu liền nghĩ may mà có mang đồ theo. Sự chuẩn bị chu đáo khiến nếu có sự việc ngoài ý muốn cũng trở nên nhẹ nhàng, đơn giản. Ngoài ra, trẻ cũng thoải mái có thể khám phá mà không quá lo lắng.
Và nếu bạn đi lúc trời lạnh, tốt nhất hãy mặc áo thật ấm và nhiều lớp. Bởi đôi khi leo núi thì nóng, nếu bỏ cả lớp áo dày khoác ngoài thành ra phong phanh, dễ nhiễm lạnh. Đặc biệt, khi lên đến đỉnh thì sẽ rất lạnh và cần khoác thêm áo vào.
Ngoài ra nếu có thể mang một bộ cho chính bản thân người lớn càng tốt, bạn có thể ướt nếu trời mưa bất chợt, té ngã khi chơi với bọn trẻ…

Loại hình leo núi

Leo núi bao xa, loại hình gì như có leo ngang qua suối không, có leo đường dốc hay đường dễ, leo núi đá… Chẳng hạn Takao-san có đến 6 cung đường để leo, ngoài ra còn có cáp treo để lên giữa lưng chừng núi. Bạn hãy chọn loại phù hợp với độ tuổi của bé và sức khỏe của cả gia đình nhé.

Đích đến rõ ràng

Hãy nói với trẻ về đích đến, và tạo ra một kỳ vọng thú vị cho trẻ. Chẳng hạn trên núi có thác nước, từ trên núi có thể ngắm cảnh thành phố, có thể thấy núi Phú Sĩ, có thể nhìn thấy một bên là bang New South Wales – một bên là bang Queensland, sẽ thấy cây cổ thụ đến 3000 tuổi… Hãy tạo cho trẻ mục đích thật “ngầu” và trẻ sẽ luôn thấy có mục đích thú vị để hướng đến.
Khi đến nơi, bạn có thể trải bạt ra ngồi như đi picnic, lấy đồ ăn và để cho trẻ nghỉ ngơi thoải mái. Hãy luôn động viên trẻ, và luôn nhắc trẻ rằng nếu không có sự hợp tác của trẻ, mọi việc không thuận lợi như vậy, và nhớ cảm ơn trẻ vì đã hỗ trợ mình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy thưởng thức chuyến đi nhé!

Rõ ràng không giống kiểu người lớn leo núi, nếu bạn muốn đi kiểu đó hãy gửi trẻ cho ai đó và đi một mình. Leo núi cùng trẻ sẽ rất vui (với mình là như thế) và có là lúc mình thấy gia đình gắn kết hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn, có những lúc cũng oải giữa đường đi nhưng mà sau cùng mình thấy thật đáng giá, và cả gia đình luôn có những kỉ niệm để nhắc lại. Bé nhà mình đã rất tự hào khi chinh phục được một chặng đường. Thật ra, vì công việc bố bé bận nên cũng có khi không thể đồng hành cùng hai mẹ con, và hai mẹ con mình vẫn quyết cùng nhau trải nghiệm những chuyến du lịch bụi hoặc leo trên những cung đường. Vì thế, mình cũng chọn nhưng cung đường thật vừa phải và an toàn chứ không phải quá thách thức. Và mỗi chuyến đi hai mẹ con thấy gần nhau hơn, có nhiều điều để kể cho bố bé nghe, và giờ sinh hoạt buổi tối của gia đình sau mỗi chuyến đi luôn rộn rã, thân tình.
Bạn có tips và kế hoạch cụ thể nào khác không? Nếu có thể hãy chia sẻ với mình nhé. Mình luôn muốn học hỏi để có thể đi cùng con trên những cung đường xa hơn, cao hơn và dài hơn, dù có khó khăn hơn.

Bài viết liên quan:
Phần 1 – Các lưu ý theo độ tuổi
Phần 3 – Danh sách những vật dụng cần thiết cho trẻ để leo núi

Đánh giá bài viết: Note: There is a rating embedded within this post, please visit this post to rate it.

KVBro- Nhịp Sống Nhật Bản

Exit mobile version