TẬN HƯỞNG TRƯỜNG CẤP 1 TẠI NHẬT (SHOGAKKO)

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (14 votes, average: 4.93 out of 5)

Loading...

Tháng 10 bắt đầu mùa nộp đơn xin vào trường cấp 1 tại Nhật Bản, thường thì mùa này nhà trường sẽ mở cửa cho bố mẹ vào tham quan và có cả buổi thuyết trình (setsumeikai) về nhà trường. Mình còn nhớ như in năm đó cố gắng thu xếp thời gian xin nghỉ làm đi tham quan các trường học và cảm giác khi hai mẹ con đang đi tham quan tòa nhà Sydney Opera House nhận được tin nhắn của ba bạn nhỏ về thư chấp nhận vào trường. Cái cảm giác kiểu “Và con đã lớn khôn” ấy. Nếu con bạn đã 6 tuổi rồi thì đây chính là thời gian để nộp đơn xin vào trường cấp 1 rồi nhé.

Một điều lưu ý là các trường cấp 1 công tại Nhật sẽ nhận bé vào theo khu vực và số lượng học sinh mà Nhà trường được phép tiếp nhận. Mình nghĩ các bạn nên đi tham quan nhiều trường càng tốt, có thể bạn thích một trường ở xa nhà bạn thì sao. Nếu bạn chưa mua nhà, thì việc cân nhắc chuyển nhà đến gần một trường học mà bạn thích cũng là điều đáng làm. Thông thường mỗi Ku sẽ có một số trường nổi bật, được xem như trường điểm của quận. Giá mua hay thuê nhà xung quanh cũng đắt hơn tẹo. Một số trường mở rộng cho người sống ở khu vực khác. Tuy nhiên, một số trường với số lượng hạn chế, chỉ có thể chấp nhận người sống ở khu vực nhà trường. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ về các trường từ một năm trước khi bé vào lớp một để có những quyết định phù hợp với hoàn cảnh gia đình bạn.

Bé nhà mình đã vào được lớp Hai rồi, và đây là những gì mình biết được cho đến nay:

Contents

Tự đi bộ đến trường và về nhà

Các bé sẽ được phân chia theo nhóm đi bộ cùng nhau theo khu vực sinh sống. Mỗi khu vực sẽ được đánh dấu bằng một màu nhất định, và phát cho mỗi bé một ruy băng cùng màu đính vào mũ. Thông thường nếu bé mới vào lớp 1 thì sẽ có một nhóm các anh chị lớp lớn, thường là lớp 5 được phân công đợi tại một địa điểm nhất định để cùng đi vào một giờ nhất định. Nếu sớm hoặc muộn hơn, thì bé phải tự đi đến trường một mình. Từ lớp 2 trở đi, các bé đã quen và tự lập; thông thường khi ra khỏi nhà đúng giờ xung quanh sẽ có rất nhiều bạn bè cùng đi học, các bé tự kết nối và đi với nhau. Với các bạn trai thì còn có việc cùng chạy đua đến trường nữa.

Nếu bạn ở nhà thông thường các bé tan học tầm từ 2:45 đến 3:30 tùy hôm. Nếu bạn đi làm, bé không thể về nhà mà không có phụ huynh. Do đó, bạn sẽ phải đăng ký cho bé đi Gakudo – một hình thức giữ trẻ sau giờ học cho bố mẹ đi làm. Nếu gửi bé theo vào Gakudo, thường sẽ có một cuốn renrakucho bố  mẹ phải điền vào hôm đó mấy giờ cho bé về nhà, bố mẹ phải đón hay bé tự về và ký tên. Nếu bé tự về, thì đúng giờ được ghi trong sổ renrakucho cô giáo ở Gakudo sẽ đưa bé về đến một địa điểm đã quy định. Từ địa điểm đó bé tự đi bộ về nhà.

Bố mẹ nhớ phải lưu số điện thoại Gakudo của Gakudo nhé. Trong trường hợp thay đổi giờ về nhà, hoặc nếu mãi chưa thấy con về thì gọi, mình thuộc dạng hơi lo lắng nên có khi muộn 5 phút so với bình thường mình cũng đứng trước cửa đợi và gọi cô cho yên tâm.

Bởi sẽ có những đoạn bé tự đi bộ về một mình, sẽ không tránh khỏi trường hợp người lạ tiếp cận bé. Việc này nhà trường cũng dạy đi dạy lại các bé, tại trường bé mình học còn thuê một công ty đến diễn kịch trong giờ Safety Class đưa ra những tình huống về Fushinsha (Người đáng nghi). Nếu có người lạ tiếp cận rủ đi chơi, hãy dạy bé giật giây chuông (được phát đầu năm học) và chạy đến địa điểm 110 nhất định. Dẫn bé đi xung quanh khu vực bạn sống và chỉ những địa điểm quán có dán chữ 110, đây chắc chắn là thiên đường của các bé khi bé thấy không an toàn. Ngoài ra, hãy dạy cho bé một mật khẩu chỉ người trong gia đình mới biết. Sẽ có những kẻ tiếp cận thông minh hơn, nói với bé kiểu “Bố mẹ bị tai nạn vào viện rồi, chú sẽ đưa cháu tới viện với mẹ.” Hãy dạy bé hỏi về mật khẩu, nếu họ nói sau hãy giật giây và chạy ngay tới 110. Nhật Bản là đất nước an toàn bậc nhất trên thế giới, nhưng việc trang bị những kiến thức này cực kỳ quan trọng cho an toàn của con. Bé nhà mình đã một lần báo cáo về Fushinsha cho thầy cô vào buổi sáng bé đến lớp. Trên đường đi học ngay sát nhà, đã có người hỏi bé “Cùng đi chơi không?”. Bé hoảng sợ và chạy ngay đến trường. Sau đó thầy hiệu phó và cô giáo chủ nhiệm cũng gọi báo tình hình là bé an toàn và không bị thương. Tầm 10 phút sau cảnh sát cho mình báo sẽ cho tuần tra tại địa điểm đó và xung quanh, sẽ cân nhắc khả năng tăng thêm cảnh sát tuần tra khu vực. Tầm nửa tiếng sau đã có email cảnh báo từ hệ thống email khẩn cấp của Quận. Có thể nói Nhà trường và Chính phủ hoạt động rất chuyên nghiệp, nhưng việc trang bị từ gia đình là không thể thiếu sót. Sau một ngày ngồi ở công ty mà lòng dạ lo lắng, buổi chiều mình quyết định về sớm đón bé, gặp chào và cảm ơn cô chủ nhiệm, hỏi thăm tình hình từ các thầy cô. Trên đường về bé cũng kể lại cho mình nghe, chỉ địa điểm và diễn tả lại hoàn cảnh khá mạch lạc, rõ ràng. Mặc dù, đến giờ mình và cô giáo cũng nói không biết là người xấu hay chỉ là một hàng xóm thân thiện nhưng dù sao với những trường hợp này vẫn cảnh giác cao độ là tốt nhất.

Giờ học và Ngày nghỉ

Thường trong tháng đầu các bé sẽ được cho về sớm. Sau đó sẽ tùy hôm, có hôm kết thúc lúc 2:45, có hôm kết thúc ngay sau giờ ăn trưa và có hôm đến tận 3:30. Và lịch theo tuần khác nhau, mỗi tháng trường sẽ gửi lịch học về nhà mỗi đầu tháng, nên bố mẹ nhớ dán trên tường hoặc nhập vào Google Calendar để nắm vững lịch của con. Ở một số quận ở Tokyo, một tháng thường sẽ có hai buổi sáng thứ 7 phải đi học, thường thứ 7 lịch học khá nhẹ nhàng, các môn về nghệ thuật hay văn hóa là chủ yếu.

Lớp học và Thầy cô giáo:

Mỗi bé sẽ được phân vào một lớp học nhất định cùng với một giáo viên chủ nhiệm và một giáo viên hỗ trợ. Giáo viên chủ nhiệm sẽ dạy hầu hết tất cả các môn học trừ tiếng Anh, Âm nhạc và Nghệ thuật. Bài tập về nhà cũng sẽ do giáo viên tự quyết phân, vì thế mỗi lớp cũng khá khác nhau. Bé nhà mình không gặp khó khăn gì với bài tập về nhà dù cũng có lười và viết cẩu thả. Tuy nhiên, một số bé, kể cả người Nhật gặp khó khăn khi con học viết kanji, hãy giúp và động viên bé nhé. Nếu cần thiết hãy cho học thêm môn Kokugo ở một trường juku gần nhà như Kumon.

Tùy vào khả năng hòa nhập môi trường các bé là khác nhau, như bé nhà mình rất thích trường học nhưng một bạn cùng lớp thì cảm thấy stress với môi trường học lớp 1 hoàn toàn khác với yochien. Hãy động viên các bé. Thay vì hỏi “Con đã học gì ở trường?” hãy tỏ ra vui vẻ vì gặp lại bé sau một ngày dài xa cách, hỏi thăm xem hôm nay con đã gặp bạn mới nào, chơi trò chơi gì, những gì khiến bé thích thú khi hai mẹ con cùng ăn trái cây, uống nước nhé.

Thư từ từ trường

Đây là điều khiến các mẹ than vãn nhiều nhất, kể cả mẹ Nhật. Bắt đầu cấp 1 các bé cầm về rất nhiều giấy tờ bao gồm thư hàng tháng của trường, các hoạt động của trường, các câu lạc bộ, quảng cáo các lớp học thêm, cập nhật thông tin của Hội phụ huynh (PTA), kiểm tra sức khỏe, các vật dụng cần thiết mang đến trường, các chuyến đi chơi cùng trường, lễ hội, sự kiện, lịch học hàng tháng, thực đơn ăn trưa, vân vân…

Mình chọn cách ngày nào giải quyết ngày đấy. Có đơn từ nào về phải nộp lại cho Nhà trường là làm ngay và nộp luôn chứ không cần đợi đến ngày đến hạn. Các giấy tờ quảng cáo thì tập trung lại một góc và dành thời gian rảnh để đọc, nếu bạn chịu khó đọc thì đôi khi sẽ thấy rất nhiều sự kiện thú vị vào cuối tuần, các lớp học miễn phí về thể thao, âm nhạc trong khu vực. Hãy kết thân với vài phụ huynh, rủ nhau cùng đi. Một số mẹ theo mình biết còn hẹn nhau ăn trưa hoặc café cuối tuần, mang giấy tờ theo và cùng đọc, xem, hẹn cho bọn trẻ đi tham gia một sự kiện nào đó. Các hoạt động này sẽ khiến các bé thân với nhau hơn và các mẹ cũng kết nối được nhiều bạn bè hơn.

Câu lạc bộ sau giờ học

Như nói ở trên, giờ học ở trường thường kết thúc khá sớm, và nếu bố mẹ đều đi làm thì không thể đón con hoặc ở nhà cùng con với giờ đó được. Vì vậy, các câu lạc bộ sau giờ học được tổ chức, các câu lạc bộ công thì phải chứng minh bố mẹ đều đi làm và giờ làm; còn các câu lạc bộ tư với chi phí đắt đỏ hơn được tổ chức để phục vụ các nhu cầu khác như tiếng Anh hoặc là có nhiều hoạt động chơi và học hơn. Các câu lạc bộ có thể có tên gọi khác nhau theo khu vực.

Gakudo Club

Chỉ dành cho bố mẹ đi làm. CLB Gakudo là hệ thống chăm sóc trẻ sau giờ học được vận hành theo quận. Thông thường các CLB này nằm trong các trung tâm cộng đồng, hoặc ngay trong trường học. Nhân viên được thuê để trông nom các bé sau giờ học đến 18 giờ hoặc 19 giờ hằng ngày tùy khu vực và trong suốt các ngày nghỉ. Một số CLB có hỗ trợ theo dõi việc làm bài tập của bé, tuy nhiên, hầu như chỉ hỗ trợ với các bé về muộn, cung cấp các hoạt động vui chơi và một nơi an toàn cho trẻ tự do vui chơi. Các hoạt động bao gồm đọc sách, chơi cờ, làm thủ công; thỉnh thoảng có đá banh, trà đạo… Hàng tháng bố mẹ phải đăng ký bé đến Gakudo ngày nào, nếu bé không đến bố mẹ nên gọi điện, nếu thấy vắng các cô sẽ chủ động gọi điện cho bố mẹ để xác nhận. CLB Gakudo có học phí từ khoảng 4000 yên đến 8000 yên một tháng tùy theo khu vực, chủ yếu phí này dùng để tổ chức sinh nhật cho các bé theo tháng.

Randoseru Raikan hay Iki Iki Plaza

Đây là một dịch vụ miễn phí tại các trung tâm cộng đồng. Randoseru Raikan hay Iki Iki Plaza cho phép trẻ sử dụng các cơ sở vật chật của trung tâm cộng đồng sau giờ học. Không giống như CLB Gakudo, nhân viên sẽ không quản lý và không gọi cho ba mẹ nếu trẻ không đến. Tùy vào ku, thường ba mẹ phải dự một buổi tọa đàm và đăng ký. Những người làm tình nguyện tại Raikan sẽ giữ cặp randoseru an toàn cho đến khi đứa trẻ rời khỏi. Ở Iki Iki Plaza, thường trẻ về nhà cất cặp và đến chơi. Có rất nhiều hoạt động ở đây như làm thủ công, chơi cờ… với các hoạt động như nhảy, hay sử dụng nhà thể thao thì phải đăng ký trước.

Sân trường

Sử dụng sân trường sau giờ học. Các tình nguyện viên sẽ hướng dẫn trẻ chơi trên sân trường nhưng không chịu trách nhiệm nếu một đứa trẻ bị thương.

Câu lạc bộ Thể thao

Trẻ sẽ rất thích thú nếu được tham gia vào một câu lạc bộ thể thao. Tại Nhật, hoạt động này khá mạnh. Đây là một cách tốt để mở rộng mối quan hệ bạn bè cho trẻ, giúp trẻ luôn năng động, học kỹ năng hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, kỷ luật bản thân…, tuy nhiên, cũng tùy theo câu lạc bộ, sẽ có rất nhiều cam kết cần tuân thủ. Có đầy đủ các câu lạc bộ từ judo, karate, bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục, nhảy, chạy, cổ vũ… Một số câu lạc bộ hoạt động đơn giản tuần 1 buổi, một số khác tuần 3, 4 buổi, có thi đấu, phải tự chuẩn bị obento, bố mẹ có trách nhiệm đưa trẻ đến câu lạc bộ hoặc đến địa điểm thi đấu, trách nhiệm thay phiên vệ sinh… Tùy tình hình của gia đình và các câu lạc bộ gần nhà, bố mẹ quyết định cho trẻ tham gia vào loại câu lạc bộ nào.

Các lớp học kỹ năng

Các lớp học kỹ năng như âm nhạc (piano, violin, guitar, thanh nhạc…), thư đạo… cũng sẽ được tổ chức. Dường như tại Nhật am hiểu 1 nhạc cụ là điều hiển nhiên.

Các lớp học thêm (Juku)

Các lớp học thêm kiến thức(juku) cũng được tổ chức từ lớp 1. Có ba loại juku:

(i) Shingaku Juku – chuyên luyện thi vào các trường tốt cấp 2 như Sapix, Nichinoken, Elcamino;

(ii) Hoshu Juku: như Kumon – chuyên hỗ trợ việc học ở trường;

(iii) Kobetsu Shido – là dạng kết hợp giữa học kèm và các trung tâm juku nổi tiếng.

Bài tập mùa hè

Bài tập mùa hè cũng khác nhau theo từng ku, trường và cấp học. Thông thường lớp 1 sẽ được giao các dạng bài tập sau:

  • Bài tập toán
  • Bài tập đọc
  • Bản điền danh sách các sách đã đọc mùa hè (10 cuốn)
  • Viết cảm nghĩ về một cuốn sách
  • Làm một công trình cho mùa hè có thể là một thủ công hoặc một bài viết về 1 chuyến đi, bài viết về một món ăn đã tự nấu, một thí nghiệm khoa học…
  • Nhật ký hàng ngày

Bản thân mình rất thích số lượng bài tập này, dù 1 số mẹ than là hơi nhiều. Bởi nó giúp trẻ giữ được kiến thức trong kỳ nghỉ hè. Đặc biệt khi mùa hè mình hay cho bé về Việt Nam hoặc du lịch một nước khác. Số lượng bài tập này sẽ giúp bé nhớ tiếng Nhật, và thói quen học tập hàng ngày.

Cần lưu ý là Công trình mùa hè rất được để ý tại Nhật. Công trình sẽ được treo trên bảng trước lớp và bọn trẻ sẽ trao đổi về chủ đề này. Do đó, làm quá tệ thì cũng ngại lắm đấy. Các mẹ Nhật có vẻ hỗ trợ để mọi việc tốt hơn. Năm lớp 1 vừa rồi mình cho bé nhà mình tự làm Nhật ký Du lịch viết về một ngày du lịch tại thành phố Oxford và đi thăm những nơi quay phim Harry Potter. Ngoài việc tự viết thì bé tự lựa chọn một tấm ảnh để trang trí Nhật ký Du lịch; mẹ chỉ giúp đi rửa ảnh thôi.

Cân bằng tiếng Nhật và tiếng Anh và/hoặc tiếng Việt

Sẽ có nhiều gia đình giữ cả tiếng Nhật và tiếng Việt cho con. Một số trường còn thêm tiếng Anh. Đây cũng là một vấn đề gia đình mình đang cố gắng thu xếp hợp lý. Mùa hè sẽ là mùa lý tưởng để bổ túc ngôn ngữ còn yếu của trẻ, và bài tập về nhà giúp trẻ giữ được ngôn ngữ học chính. Các cách phát triển ngôn ngữ mùa hè của trẻ bao gồm cho tham gia cắm trại bằng tiếng Anh, đi du lịch nước nói tiếng Anh hay về Việt Nam học tiếng Việt…; tăng cường các bài tập về các ngôn ngữ này vào mùa hè nếu ở Nhật Bản…

 

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (14 votes, average: 4.93 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.