HỌC CẢM THỤ ÂM NHẠC CHO TRẺ NHỎ TỪ 2-4 TUỔI

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Cảm thụ âm nhạc: chắc hẳn bạn đã từng nghe tới cụm từ này. Trước khi bấm những phím đàn đầu tiên, rất nhiều lớp học nhạc (piano) các cô giáo thường cho các bé nhỏ tuổi học một khóa “cảm thụ âm nhạc”. Hôm nay mình xin chia sẻ một chút về học cảm thụ âm nhạc mà bé nhà mình đã được học khi 3 tuổi. Điều tâm đắc nhất đó chính là mỗi buổi học con đều rất vui và con cảm thấy yêu thích âm nhạc.

Ở lứa tuổi 2~4 tuổi, rất khó có thể ép các bé ngồi ngoan học tập trung trên 15 phút. Ngoài ra, về mặt thể chất, tay của các bé còn yếu, chưa đủ lực để bấm phím đàn piano cũng như kéo đàn violin. Bởi vậy, ở lứa tuổi 2~4, rất nhiều giáo viên khuyến khích các bậc cha mẹ nên cho con học khóa học cảm thụ âm nhạc trước để làm quen với âm nhạc và các nhạc cụ cũng như nuôi dưỡng cảm xúc với môn nghệ thuật này. Sau khóa học này các bé sẽ bắt đầu học chơi đàn thực thụ.

Contents

CẢM THỤ ÂM NHẠC LÀ GÌ

Cảm thụ âm nhạc là phương pháp cho trẻ tập làm quen, tiếp cận với âm nhạc thông qua các hoạt động, các trò chơi sáng tạo trong vận động, chú ý lắng nghe, ca hát, chia sẻ cảm xúc, kể chuyện,… về âm nhạc. Các hoạt động này sẽ được thay đổi liên tiếp để phù hợp với đặc điểm tập trung ngắn ở trẻ khiến trẻ luôn cảm thấy thích thú, hào hứng. Cảm thụ âm nhạc khiến trẻ có hứng thú với âm nhạc và sau đó sẽ tiến dần đến niềm yêu thích, say mê với âm nhạc.

HIỆU QUẢ CỦA VIỆC HỌC CẢM THỤ ÂM NHẠC

+ Cảm thụ âm nhạc kích thích trí sáng tạo.
+ Cảm thụ âm nhạc tăng khả năng ngôn ngữ giúp trẻ biết lắng nghe, quan sát và đưa ra ý kiến của mình
+ Khả năng biểu lộ tình cảm, cảm xúc
+ Cảm thụ âm nhạc đối với kĩ năng vận động, thể chất
+ Cảm thụ âm nhạc giúp bổ trợ các kiến thức về tự nhiên và xã hội

Bé nhà mình bắt đầu với 1 năm học cảm thụ âm nhạc. Mỗi buổi học của con thường có những nội dung sau:
– Nghe nhạc chuẩn (CD) của nghệ sĩ lớn chơi. Cô bảo nếu cho con nghe, hãy cho nghe nhạc chuẩn và hay để nuôi dưỡng cảm âm của đôi tai. Hãy cho con nghe nghe và nghe thật nhiều.
– Khi nghe, cô cho con 1 tờ giấy và bút màu để tự vẽ cái con thích, ý là cảm nhận âm thanh rồi con tự chuyển thành hình ảnh của riêng mình.
– Mỗi buổi đều học hát. Cô chơi đàn những bài hát thiếu nhi và con sẽ đứng hát cùng cô. Cô bảo đó là để giúp con bắt đúng nhịp, sau này chỉ cần nghe bắt được nhịp và nhớ nhịp điệu thì sẽ đánh được nhanh và chuẩn hơn.
– Chơi trò chơi âm nhạc. Ví dụ như video ở đây, cô cho con chơi trò “tìm đuôi của nốt nhạc”. Cô sẽ bấm 1 phím đàn, con nhắm mắt và nghe tìm đuôi của nốt nhạc đó khi nào tiếng nhạc kết thúc. Hoặc con đoán âm cao hay âm thấp, hợp âm hay đơn âm.
– Trẻ con mà, không thể ngồi yên được nên cô luôn cho chơi trò vận động cùng âm thanh. Chơi piano là dùng cả hai tay nên những vận động đều cần sự hài hoà cả 2 tay và cả cơ thể. Mình thấy bạn nhà mình tất khoái trò này nên cô thường để thời điểm giữa buổi, chịu khó hát hò ngoan sẽ được chơi.
– Cô dạy theo phương pháp Suzuki của Nhật nhưng mềm mỏng hơn, hoàn toàn học bằng tai chứ không học nốt nhạc. Bé nhà mình sau 1 năm cảm thụ âm nhạc, học tiếp 2 năm piano mà không hề biết 1 nốt nhạc, cứ nghe và đánh đàn lại. Khi bé bắt đầu biết đọc (hiragana) thì cô cũng bắt đầu cho học nốt nhạc.

– Nếu như nghe con phải nghe nhạc chuẩn thì khi chơi đàn con cũng phải chơi đàn chuẩn. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư mua cho con một cây đàn piano up-right hoặc tốt hơn nữa là đàn piano grand ngay từ đầu phải chọn đàn chuẩn âm thanh chuẩn cho con.
※Một điểm mình thấy rất hay đó là cô tạo thói quen chăm sóc cây đàn cho con. Mỗi buổi cô đều lau đàn và con phải rửa sạch tay mới được cham vào đàn. Và từ khi nào con đã tự có ý thức trân trọng yêu quý cây đàn của mình. Tự biết phủ đàn gập đàn lại sau mỗi lần tập.

 CẢM THỤ ÂM NHẠC CHO TRẺ NHỎ TỪ 2-4 TUỔI KVBRO NUÔI CON TẠI NHẬT

HỌC CẢM THỤ ÂM NHẠC CÓ CẦN THIẾT KHÔNG???

Đây là câu hỏi thắc mắc của khá nhiều mẹ đã hỏi mình. Thật ra mình cũng chỉ là một người “ngoại đạo” với môn nghệ thuật này nên cũng không phán xét được. Tuy nhiên, với phương pháp như cô giáo của bé nhà mình được học thì mình thấy khá hữu hiệu, tạo bước đệm tốt để con học piano và yêu thích môn nghệ thuật này.

PIANO CHO TRẺ EM

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản