TRẺ EM VÀ CHỨNG NGHIỆN CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ–>CÁCH CAI NGHIỆN HIỆU QUẢ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Với công nghệ ngày càng phát triển thì con người dễ bị “NGHIỆN” và phụ thuộc vào các thiết bị điện tử thông minh. Đối với trẻ em thì các thiết bị điện tử thông mình này vô cùng hấp dẫn và rất dễ bị gây nghiện nếu được bố mẹ cho sử dụng thoải mái. Sau đây KVBro xin giới thiệu kinh nghiệm của mẹ Hanah-Gạo trong việc “cai nghiện” cho không chỉ trẻ em mà tất cả chúng ta đều có thể tham khảo.

————————————–

Nhân dịp đọc được bài viết từ một bác sĩ về chứng “nghiện” các thiết bị điện tử thông minh, mình cũng muốn chia sẻ vài điều. Hy vọng bài viết sẽ là lời cảnh tỉnh và gợi ý một số cách cai nghiện cho tất cả chúng ta, bởi không chỉ có trẻ em và ngay cả người lớn cũng có mặc phải chứng bệnh nghiện các thiết bị điện tử thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị chơi game).
Mình đã chứng kiến không ít những em bé thiếu khả năng kiểm soát bản thân và luôn đưa ra những phản ứng tiêu cực để đòi hỏi được tiếp cận với các thiết bị điện tử thông minh, từ chỗ khóc, ăn vạ, la hét, đập đánh vào các đối tượng người và đồ vật khác, khả năng ngôn ngữ, tập trung chú ý, và khả năng kiềm chế thấp.

Contents

HÃY LUÔN NHỚ RẰNG

+ Các thiết bị điện tử này KHÔNG mang đến sự tương tác ngôn ngữ cho trẻ, trẻ chỉ thụ động ngồi nghe, xem, có thể nhún nhảy theo, nhưng lại không có sự tương tác (communicate with somebody and something).
+ Đây là lý do trẻ chậm hoặc không phát triển ngôn ngữ vì vùng ngôn ngữ của trẻ không được tác động và kích thích. Các đầu mối liên kết trong não giúp liên kết các dữ liệu, thông tin không được thiết lập. Mà NGÔN NGỮ chính là công cụ của tư duy, trẻ diễn đạt điều mình muốn, hiểu điều người khác nói, đó là một sự tiến bộ của phát triển nhận thức.
+ Đây cũng là lý do trẻ chậm phát triển nhận thức, khi thiếu đi sự tương tác với đồ vật xung quanh, biết về tính chất, tên gọi và quy luật hoạt động của nó.
+ Xem nhiều các thiết bị điện tử cũng là nguyên nhân khiến mắt của trẻ dễ bị cận thị, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ, vận động và học tập của con.
+ Ngoài ra, việc xem các thiết bị điện tử buổi tối khiến não của bé bị kích thích quá độ, bé sẽ khó ngủ được và ngủ không sâu, không ngon giấc. Mà đối với trẻ em, giấc ngủ vô cùng quan trong để phát triển thể chất và trí tuệ.

※Trẻ càng lớn càng khó hình thành những thói quen tốt. Và việc xoá bỏ một thói quen xấu tốn thời gian gấp nhiều lần hơn so với việc dạy trẻ thói quen tốt ngay từ đầu.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ KHÔNG BỊ LỆ THUỘC, KHÔNG BỊ “NGHIỆN” CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ THÔNG MINH???

? Điều đầu tiên cần và tiên quyết nhất, đó là sự QUYẾT TÂM, THỐNG NHẤT của bố mẹ. Bố và mẹ phải thực sự thống nhất trong việc cho con tiếp cận với các thiết bị này về: thời gian và cách thức tiếp cận. Nếu nghe nhạc, hãy CHỈ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG NGHE của trẻ, tức là không để trẻ nhìn thấy màn hình điện thoại, máy tính bảng…. Chỉ bật nhạc, để trẻ cảm nhận giai điệu và nhảy nhót theo nhạc.

? Không LẦM TƯỞNG việc sử dụng các thiết bị này làm công cụ dạy học cho trẻ. Nhiều bố mẹ cho rằng cần tận dụng các thiết bị này để trẻ học tiếng Anh, nghe và nói tiếng Anh chuẩn. Thực chất của việc này rất đơn giản và dễ lý giải, trẻ khi tiếp nhận thông tin một cách lặp đi lặp lại sẽ phản ứng lại đúng những gì chúng được quan sát. Đấy là lý do vì sao bố mẹ thấy chúng sau thời gian xem các bài hát tiếng Anh ở điện thoại, máy tính bảng thì nói tiếng Anh chuẩn như giọng bài hát…Nhưng cái đấy KHÔNG PHẢI LÀ BẢN CHẤT của việc học lâu dài của con người, đặc biệt là trẻ em. Lúc này cách để con vẫn tiếp cận với giọng phát âm chuẩn tiếng nước ngoài có thể tham khảo là cách cho con nghe – KHÔNG NHÌN được đề cập ở trên.

? Hạn chế một cách tuyệt đối việc tiếp xúc và lệ thuộc vào các thiết bị điện tử thông minh đối với trẻ DƯỚI 3 TUỔI. Giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn trẻ thẩm thấu rất tốt, não đang trong giai đoạn phát triển cực kỳ nhanh. Vậy nên trước những năm 3 tuổi tốt nhất không nên cho trẻ được thử làm quen, thử chơi với điện thoại, máy tính. Thay vào đó hãy cho trẻ tương tác với đồ vật, cụ thể là đồ chơi, đồ dùng xung quanh và trò chuyện nhiều với trẻ. Điều này giúp trẻ học cách khám phá bản thân và mọi thứ xung quanh, tăng lượng thu nhận và tích trữ thông tin, phát triển khả năng quan sát, phân tích và ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ tìm thấy nhiều điều mới lạ, hấp dẫn ở quanh chúng thì chúng sẽ không bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử thông minh.

? Không mang các thiết bị điện tử thông minh ra để ĐÁNH LẠC HƯỚNG CHÚ Ý CỦA TRẺ, đây là cảnh tượng thường thấy khi ông bà bố mẹ và người chăm trẻ muốn trẻ ĂN NHIỀUKHÔNG LÀM PHIỀN mình khi mình đang bận. Điều này cực kỳ nguy hiểm.
– Ăn là một quá trình học, học về sự cảm nhận, học về các món ăn, việc học này diễn ra một cách tự nhiên nhất. Việc hưởng thụ giờ ăn, món ăn còn được xem là một trong tứ khoái của con người. Vậy nên cần tạo môi trường ăn và hứng thú ăn cho con ngay từ lúc còn nhỏ. Kiên trì và quan sát trẻ để biết nhu cầu, hứng thú ăn thật sự của trẻ là gì để điều chỉnh cho phù hợp.
– Khi bố mẹ bận (có bạn bè, bận ăn cơm, bận làm việc…) cần nói rõ với trẻ (ngay cả khi trẻ còn nhỏ), sau khi đã nói rõ thì không nên phản hồi ngay các tín hiệu đòi hỏi từ trẻ, ví dụ trẻ sẽ khóc để đòi được bồng bế, hãy nói với trẻ bạn đang bận ăn cơm, con hãy nằm (với trẻ dưới 6 tháng) đợi bố mẹ nhé! ….Và quan trọng là luôn để trẻ trong tầm mắt của mình và mình trong tầm mắt của con. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Đồng thời tạo không gian có đồ chơi để trẻ chơi trong lúc đợi bố mẹ.

? KHÔNG mang những thiết bị này ra DOẠ trẻ
– Nếu con không nghe lời mẹ sẽ không cho xem điện thoại đâu.
– Nếu con không ăn hết thì không được xem ipad nhé!
Đây rõ ràng là một sự TRAO ĐỔI, điều này khiến trẻ lầm tưởng và quên mất bản chất sự việc. Bản chất của việc ăn là cung cấp dinh dưỡng, tốt cho cơ thể, không phải để được xem ipad. Bản chất của việc nghe lời một chuyện gì đó là dạy trẻ hiểu về nội quy, luật lệ, những việc nên làm và không nên trong cuộc sống chứ không phải là để xem điện thoại.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CAI NGHIỆN CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ THÔNG MINH CHO TRẺ

(1) LÀM GƯƠNG, khi có trẻ bố mẹ hạn chế dùng các thiết bị này, ngoại trừ điện thoại để nghe – gọi những lúc cần thiết. Thay vào đó hãy trò chuyện và bày ra trò chơi với con.

(2) KHÔNG ĐỂ các thiết bị này trong tầm nhìn của trẻ. Việc này giúp trẻ học cách quên đi.

(3) KIÊN NHẪNQUYẾT ĐOÁN với những đòi hỏi của trẻ, dù ở mức độ phản ứng thế nào cũng cần có sự kiên định của bố mẹ. Học cách đánh lạc hướng trẻ vào những hoạt động hay đối tượng khác.

(4) Bố mẹ hãy cùng VUI CHƠI với con, cho con tham gia các HOẠT ĐỘNG THỂ THỂ THAO lành mạnh. Khi con được vui chơi, đươc vận động thì con cũng sẽ quên đi các thiết bị điện tử thiếu tính tương tác này.

? Điều chốt lại cuối cùng của bài viết này, chẳng có đứa trẻ nào mới sinh ra đã biết đến các thiết bị điện tử thông minh, mà người lớn chính là ÔNG TƠ, BÀ NGUYỆT làm mối se duyên cho chúng. Vậy cách giản đơn và dễ hiểu nhất, đó là bạn muốn con kết thân với ai, điều gì, muốn con phát triển cái gì, bạn gần như là người HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH được.

Với các thiết bị điện tử thông minh, hãy thông minh khi sử dụng chúng.

Mẹ Hanah-Gạo

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản