CHUYỆN GÌ SẼ ĐẾN VỚI KINH TẾ HOA KỲ?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro xin chia sẻ bài lược dịch bài viết của GS. Nouriel Roubini gầy đây. GS. Roubini, hay còn gọi là Dr. Doom, là người đã dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
*********
Viễn cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu cho năm nay đã trở nên u ám nhanh chóng trong những tháng gần đây. Các hộ gia đình, nhà đầu tư và xây dựng chính sách giờ đang tự hỏi liệu mình cần điều chỉnh các hy vọng như thế nào và cho bao lâu? Câu trả lời nằm ở câu trả lời của 6 câu hỏi dưới đây.
Câu hỏi thứ nhất là liệu tình trạng lạm phát tăng cao tại hầu hết các nước kinh tế phát triển sẽ mang tính tạm thời hay lâu dài? Tranh luận về câu hỏi này đã kéo dài cả năm và kết cục dường như đã định. Phe “lâu dài” đã thắng còn phe “tạm thời”, gồm hầu hết lãnh đạo các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ đã thừa nhận mình “mắc sai lầm”.
Câu hỏi thứ hai là liệu tình trạng lạm phát tăng vì lý do tổng cầu tăng quá mức (do áp dụng các chính sách tiền tệ, tín dụng và tài khóa nới lỏng) hay do các cú sốc tiêu cực cho tổng cung vì tình trạng lạm phát và đình đốn (từ các đợt phong tỏa do đại dịch, nút cổ chai trong chuỗi cung ứng, nguồn cung lao động thiếu hụt tại Hoa Kỳ, ảnh hưởng của cuộc chiến của Nga tại Ukraina lên giá hàng hóa và chính sách “nói không với Covid” của Trung Quốc).
Khi cả hai yếu tố cung và cầu cùng chi phối [vào nền kinh tế], giờ chúng ta thừa nhận rộng rãi rằng các yếu tố cung đã ngày càng đóng vai trò quyết định. Lý do là bởi vì lạm phát do cung mang bản chất lạm phát kèm đình đốn (staglarionary) – tình trạng sẽ mang đến rủi ro “hạ cánh cứng” của nền kinh tế (có nghĩa là thất nghiệp tăng cao và khả năng của một cuộc suy thoái) – một khi chính sách tiền tệ được thắt chặt.
Câu trả lời trên dẫn đến câu hỏi thứ ba: Vậy liệu chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn gần đây sẽ gây ra kết cục “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm”? Cho đến gần đây, hầu hết các ngân hàng trung ương và phố Wall ở trong nhóm ủng hộ “hạ cánh mềm.” Nhưng sự đồng thuận của họ đã chuyển biến nhanh chóng. Thậm chí ông Chủ tịch Fed Jerome Powell còn thừa nhận khả năng xảy ra suy thoái và một kết cục hạ cánh mềm sẽ là “rất thách thức”!
Bổ sung vào ý trên, mô hình phân tích mà Chi nhánh New York của Fed áp dụng cho thấy khả năng cao của một cuộc hạ cánh cứng. Ngân hàng TƯ Anh Quốc cũng có quan điểm tương tự. Một số tay to của phố Wall giờ đã ra quyết định rằng suy thoái là kịch bản cơ sở (baseline scenario) của họ (tức là kết cục về cơ bản sẽ như vậy nếu các biến số không thay đổi). Tại cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu, các chỉ số về hoạt động kinh doanh, kinh tế và niềm tin người tiêu dùng đã trở nên u ám một cách nhanh chóng.
Tiếp đến là câu hỏi thứ tư: Vậy một kết cục hạ cánh cứng có làm các ngân hàng TƯ chùn bước trong quyết tâm kiềm chế lạm phát? Khi kết cục hạ cánh cứng trở nên rõ ràng, nếu các ngân hàng TƯ ngưng áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng và nền kinh tế sẽ hoặc quá nóng (lạm phát và tăng trưởng quá mức mục tiêu) hoặc lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình đốn (lạm phát và suy thoái quá mức mục tiêu), tùy thuộc vào chuyện cú sốc cầu hay cung sẽ chiếm ưu thế.
Hầu hết các nhà phân tích thị trường dường như có suy nghĩ rằng các ngân hàng TƯ sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt cung tiền diều hâu hiện tại nhưng cá nhân tôi thì tôi không chắc lắm. Trước đây, tôi đã có ý kiến rằng rốt cục, vì sợ hãi mà họ sẽ chấp nhận cho lạm phát tăng cao (sau đó là tình trạng lạm phát cùng đình đốn) bởi họ e sợ về hậu quả của suy thoái và bẫy nợ, cái bẫy từ hậu quả của các khoản nợ thái quá của cả khu vực tư lẫn công sau nhiều năm thực thi chính sách lãi suất thấp.
Vì kết cục hạ cánh cứng giờ đã trở thành kịch bản cơ sở của hầu hết các nhà phân tích nên từ đây phát sinh câu hỏi thứ 5: Liệu cuộc suy thoái sắp tới có nhẹ nhàng và ngắn ngủi hay nó sẽ nghiêm trọng kèm tình trạng căng thẳng tài chính? Hầu hết các thành viên bất đắc dĩ phải tham gia nhóm “hạ cánh cứng” vào lúc cuối vẫn cho rằng cuộc suy thoái sẽ nhẹ nhàng và ngắn hạn. Họ lập luận rằng tình trạng mất cân đối tài chính hiện tại không nghiêm trọng nếu so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Vì thế, rủi ro của cuộc suy thoái với núi nợ lớn kèm khủng hoảng tài chính sẽ thấp. Nhưng quan điểm này ngây thơ một cách nguy hiểm.
Có một lý do cơ bản để tin rằng cuộc suy thoái tới đây sẽ mang dấu ấn của tình trạng lạm phát, đình đốn kèm khủng hoảng nợ. Trong gói GDP toàn cầu, tỷ lệ nợ trong cả khu vực tư lẫn công hiện tại đã cao hơn rất nhiều so với trước kia. Vào năm 1999, tỷ lệ nợ là 200% (GDP toàn cầu?) nhưng giờ là 350% (GDP?) với số nợ tăng lên nhanh chóng kể từ đầu đại dịch. Với tình trạng như vậy, việc bình thường hóa nhanh chóng chính sách tiền tệ [thắt chặt] và lãi suất ngày càng gia tăng sẽ khiến các hộ gia đình, thiết chế tài chính và chính phủ có tỷ lệ nợ vay cao lâm vào tình trạng không trả được nợ và phá sản.
Cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ không giống các tiền nhiệm của nó. Vào những năm 70 thế kỷ trước, chúng ta chứng kiến tình trạng lạm phát kèm đình đốn nhưng chúng ta không chịu khủng hoảng nợ vì mức độ nợ lúc đó không lớn. Sau năm 2008, chúng ta đối diện với với cuộc khủng hoảng nợ và kèm sau đó là tình trạng lạm phát hay giảm phát thấp vì việc thắt chặt tín dụng đã gây ra cú sốc tiêu cực về cầu. Hiện tại, chúng ta lại đối diện với các cú sốc về cung trong bối cảnh có mức nợ lớn hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối diện với kịch bản của sự kết hợp giữa tình trạng lạm phát và đình đốn những năm 70 cùng các cuộc khủng hoảng nợ kiểu năm 2008. Như vậy, nó sẽ là cuộc khủng hoảng nợ kèm lạm phát kèm đình đốn (stagflationary debt crisis).
Khi đối diện với cú sốc lạm phát và đình đốn, ngân hàng TƯ thường phải thắt chặt chính sách [tiền tệ] dù việc này sẽ khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Hoàn cảnh hiện tại vì vậy có khác biệt cơ bản với một cuộc khủng hoảng tài chính hay những tháng đầu của đại dịch khi mà ngân hàng TƯ có thể dễ dàng áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để đối phó với áp lực tổng cầu sụt giảm và giảm phát (deflation). Hiện tại, không gian cho việc mở rộng chính sách tài khóa cũng sẽ bị giới hạn. Hầu hết kho vũ khí tài khóa đã được sử dụng và nợ công hiện đã ở quy mô lớn một cách không bền vững.
Hơn nữa, vì tình trạng lạm phát hiện tại là hiện tượng mang tính toàn cầu nên hầu hết các ngân hàng TƯ sẽ thực hiện việc thắt chặt tại cùng thời điểm. Như vậy, khả năng xảy ra suy thoái có quy mô toàn cầu sẽ gia tăng. Hành vi thắt chặt [chính sách tiền tệ] thời gian qua đã mang đến hiệu ứng cụ thể: Mọi nơi, các bong bóng đều đang xì hơi. Ví dụ như chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu meme, tiền mã hóa, công ty được lập cho mục đích mua công ty khác để niêm yết (SPAC), trái phiếu và các sản phẩm tín dụng. Mức độ giàu có về BĐS và tài chính đang sụt giảm còn nợ thì gia tăng.
Hiện tượng trên mang đến câu hỏi cuối: Vậy liệu thị trường chứng khoán sẽ hồi phục từ thị trường gấu hiện tại (đã giảm ít nhất 20% từ đỉnh) hay là nó còn sụt giảm nữa? Khả năng cao là còn sụt giảm nữa. Nói đơn giản, trong mọi cuộc suy thoái thuần túy, chứng khoán tại Hoa Kỳ hay trên thế giới có xu hướng giảm khoảng 35%. Nhưng vì cuộc suy thoái tới là sự kết hợp của tình trạng lạm phát kèm đình đốn cùng khủng hoảng tài chính, cú rơi có thể ước tính xấp xỉ 50%.
Bất kể cuộc suy thoái sẽ ở mức độ nhẹ hay nặng, lịch sử cho chúng ta thấy rằng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều lý do để rớt giá trước khi nó tìm thấy đáy. Trong bối cảnh hiện thời, bất kỳ cú hồi nào – giống như cú hồi của hai tuần trước – nên được xem là cú nảy của con mèo chết (a dead-cat bounce) hơn là cơ hội bắt đáy thông thường. Dù tình trạng toàn cầu hiện tại đặt cho chúng ta rất nhiều câu hỏi, chúng lại chẳng có gì bí ẩn cả. Mọi thứ sẽ tệ hơn trước khi nó khá hơn.
Lược dịch: Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Quốc Vinh. Cảm ơn anh Vinh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

CAPTCHA