KINH TẾ PHÂN LÔ BÁN NỀN TRUNG QUỐC

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Phân tích của GS. Kenneth Rogoff tại ĐHTH Harvard, kinh tế gia trưởng giai đoạn 2001 – 2003 của IMF về nền kinh tế phân lô bán nền của Trung Quốc !
*********
Tình trạng phá sản hiện hữu của gã khổng lồ Evergrande (Hằng Đại) trong lĩnh vực bất động sản với khoản nợ 300 tỷ USD đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu thấy rôm đốt sau lưng. Phần lớn những nhà phân tích tập trung vào việc xét đoán khả năng liệu chính phủ Trung Quốc sẽ thành công trong việc khoanh vùng sự cố, tránh hậu quả lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính kiểu phương Tây hay không?! Nếu người ta xét đến túi tiền to dự trữ ngoại hối khoảng 3.000 tỷ USD hay khả năng đặt ra các điều kiện yêu cầu tái cấu trúc nhanh chóng của chính phủ, sẽ rất ít người đặt cược vào khả năng xảy ra khủng hoảng nói trên. Nhưng việc tập trung để ổn định tài chính mang tính ngắn hạn này sẽ khiến Trung Quốc bỏ qua một thách thức lớn hơn của mình. Đó là làm thế nào để tái cân bằng nền kinh tế vốn đã từ lâu nay dựa vào đầu tư bất động sản (BĐS) ở quy mô khổng lồ để có tăng trưởng và công ăn việc làm.
Quy mô ngoại cỡ của lĩnh vực BĐS và các dịch vụ liên quan chiếm đến 25% tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP) của Trung Quốc, chỉ thấp hơn chút đỉnh so với tỷ suất xuất khẩu tịnh sau hiệu chỉnh trong GDP. Tỷ suất đóng góp của BĐS vào GDP tại Trung Quốc còn lớn hơn cả Tây Ban Nha và Ireland trước thời điểm khủng hoảng [bất động sản] tại hai nước này vào năm 2008. Vì ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực khác, một sự cố giảm tốc đáng kể trong lĩnh vực BĐS có thể dễ dàng lấy đi 5% – 10% tổng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm tới đây.
Bên cạnh đó, cho đến nay, đầu tư BĐS [tại Trung Quốc] là công cụ tiết kiệm quan trọng nhất trong nền kinh tế mà nhà nước kiểm soát việc đầu tư ra nước ngoài của công dân. Bất kỳ sự suy giảm đáng kể giá trị bất động sản nào sẽ không những khiến dân chúng bất mãn mà còn có thể kéo theo sự trì trệ trong tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ khác
Vậy thì cỗ máy BĐS tại TQ liệu có thể tiếp tục phát triển với tốc độ xưa nay nếu xét đến nhu cầu về nhà ở cho 1,4 tỷ người? Cũng có thể! Nhưng thực ra TQ đã phát triển BĐS nhà ở với quy mô lớn trong nhiều thập kỷ qua, không chỉ tại những thành phố lớn mà thâm chị kể cả tại các thành phố cấp 2 hay cấp 3. Tại những nơi này, nhà ở có giá thấp hơn nhiều còn tỷ lệ bỏ trống thì cao.
Kết quả là, nếu tính theo đơn vị mét vuông trên mỗi đầu người, tổng nguồn cung nhà ở tại Trung Quốc (“TQ”) đã đạt mức tương đương với các nền kinh tế giàu có hơn nhiều như Đức hay Pháp. Mặc dù bình quân chất lượng nhà tại TQ thấp hơn so với các nước kể trên và vì vậy sẽ có cơ hội để nâng cấp chúng, mức độ xây dựng với quy mô cực lớn hiện tại của TQ ắt hẳn là không bền vững. Với tỷ lệ nhà bị bỏ trống tại khu vực thành thị chiếm đến mức 21%, chính quyền nước này hiểu rõ rằng mình cần phải hướng tiềm lực quốc gia sang các lĩnh vực khác.
Nhưng nhiệm vụ xì hơi từ từ và có kiểm soát của chính phủ TQ đối với bong bóng BĐS sẽ không dễ dàng gì. Với thực tế rằng ngành ngân hàng đã cho vay quá nhiều cho các dự án nhà ở (chỉ riêng Evergrande đã vay từ khoảng 300 ngân hàng hay tổ chức tài chính khác), nên nếu giá BĐS giảm nhanh chóng sẽ gây đau đớn và hậu quả dây chuyền lan sang các lĩnh vực khác. Về lý thuyết, các ngân hàng TQ hiện được bảo đảm bởi khoản tiền trả trước đáng kể, thường là 30% hay thậm chí cao hơn tính trên giá mua. Nhưng nếu người ta xét đến việc bùng nổ giá nhà tại Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ trở lại đây, con số 30% có thể không có ý nghĩa gì nếu một cuộc khủng hoảng xảy đến. (Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, giá nhà tại Mỹ giảm trung bình 36%. Tại một số địa phương, tỷ lệ giảm giá còn lớn hơn.)
Ngoài ra, chính quyền ông Tập còn có một nhiệm vụ quan trọng là phải làm sao cho giá nhà trở nên có thể mua được [với người lao động bình thưởng]. Vì thế, người ta có thể sẽ dự đoán về những giới hạn mà các nhà xây dựng chính sách Trung Quốc sẽ áp đặt để theo đuổi mục tiêu này.
Rất nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande thuộc một phần chính sách xiết lại hàng ngũ tinh hoa TQ mà trong đó bao gồm việc xử lý các gã khổng lồ internet, việc học thêm của con cái các gia đình khá giả và nghĩa vụ phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội của doanh nghiệp. Với tư duy này, các nhà xây dựng chính sách luôn có thể tái xem xét chính các chính sách của mình như chính sách kiềm chế các khoản nợ BĐS nhà ở nói chung và trường hợp của Evergrande nói riêng nếu các chính sách này khiến cũng gây bất ổn. Nhưng chính quyền TQ cũng hiểu rõ rằng [nếu không kiểm soát] rủi ro sụp đổ không tránh khỏi một ngày nào đó từ việc bùng nổ BĐS và xây dựng sẽ gây đau đớn hơn.
Sự suy giảm của lĩnh vực BĐS, thậm chí kể cả một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ lĩnh vực BĐS thường không xảy ra độc lập. Ngược lại, nó là một phần của một nền kinh tế đang suy giảm. Nền kinh tế TQ hiện thể hiện ra bên ngoài là đang bùng nổ sau đại dịch và là mối ghen tỵ của cả thế giớ chính nhờ chiến lược không sống chung với Covid (zero-Covid) của chính phủ. Nhưng bức tranh của tương lai thì kém tươi tắn. Bên cạnh các tín hiệu xấu như tình trạng số dân đang già hóa và năng suất suy giảm, biến thể Delta còn cho thấy nó khó bị kiểm soát như thế nào.
Nhưng có lẽ trên tất cả, các quy định vội vã với tần suất theo ngày của chính phủ đã khiến khối tư nhân cực khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch tương lai. Kể cả khi không có bất kỳ vấn đề nào khác, tính không thể dự liệu của chính sách cũng là trở ngại của tăng trưởng. Trong một môi trường như vậy, như trong công trình nghiên cứu của tôi với cô Yuanchen Yang của ĐHTH Thanh Hoa vào năm 2020 có nói, sự suy giảm của thị trường BĐS nhà ở có thể làm trầm trọng hóa đáng kể sự suy giảm nói chung của nền kinh tế.
Sau gần 4 thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục, người ta không nên đánh giá thấp khả năng của chính phủ TQ trong việc duy trì tăng trưởng bất chấp mọi trở ngại. Tuy vậy, bên cạnh những hình ảnh ấn tượng vì sao TQ đã có thể xây dựng hạ tầng đường, cầu và nhà ở, sự bùng nổ của BĐS TQ đang đi đến hồi kết. Không có lý do gì để tin rằng sẽ có một cuộc hạ cánh mềm ở đây.
Những ngày sắp tới, cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc có thể thành công trong việc cô lập hóa cuộc khủng hoảng của Evergrande với thành phần khác của thị trường và thuyết phục mọi người rằng Evergrande chỉ là một trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng việc tăng trưởng của nền kinh tế vốn dựa quá nhiều trong nhiều thập kỷ vào BĐS, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm chung, các thách thức lớn nhất [đối với TQ] có lẽ còn ở trước mắt.
Lược dịch: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh
Hy vọng rằng bài viết này củaKVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...


 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản