MÌ LẠNH SOMEN-GIỚI THIỆU CÁC CÁCH NẤU ĐƠN GIẢN MÀ LẠI RẤT NGON (PHẦN-1)

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Mì lạnh Somen là một món ăn rất phổ biến vào mùa hè tại Nhật Bản. Trong bài viết này, KVBro xin giới thiệu công thức đơn giản nhất để chế biến và thưởng thức somen của Leo Gourmet. Hai công thức chế biến sau đây bạn sẽ được tận hưởng hương vị thuần khiết của mì Somen.

Somen (素麺, tố miến, nghĩa đen là “mì thuần túy”, “mì trắng”) là mì của Nhật Bản màu trắng sợi mỏng, làm từ bột mì có nêm muối, khi bảo quản thì có phết qua một lớp mỏng dầu thực vật và sấy khô sợi mì. Bình thường khi luộc chay sợi mì này ăn thử, chúng ta dễ dàng cảm nhận muối nêm có vẻ đậm hơn các loại mì khác, và sợi mì rất mượt, nhưng hầu như ta không cảm nhận được có dầu. Theo định nghĩa ban hành bởi JIS (Hệ quy chuẩn công nghiệp Nhật Bản), somen là mì bột mì có sợi với đường kính nhỏ hơn 1,3mm, bên cạnh hiya mugi có đường kính 1,3-1,7mm và udon có sợi mì với đường kính lớn hơn 1,7mm.

Công thức (1) Mì lạnh Somen chấm nước tương tsuyu

Đây là cách chế biến đơn giản nhất, chỉ 10 phút là bạn có ngay một bữa ăn ngon, rất phù hợp cho mùa hè.

NGUYÊN LIỆU

1. Somen, 100g mì khô / 1 khẩu phần.
2. Tương tsuyu (Tương màu nâu đậm của Nhật Bản làm từ nước cốt tảo bẹ kombu và cá ngừ katsuo phơi khô): nếu dùng loại gọi là mentsuyu thì 80ml / 1 khẩu phần, nếu dùng tsuyu vị đậm dành cho nấu nướng thì 40ml / 1 khẩu phần.

3. Hành lá: 5-10g / 1 khẩu phần.
4. Nước trắng sạch và đá viên, dùng để làm lạnh mì và pha nước chấm.

CÁCH CHẾ BIẾN

+ Bước 1: Đun sôi nước (1L cho một khẩu phần; 1,2L cho 2 khẩu phần; v.v.), khi nước sôi thì cho mì vào luộc lửa nhỏ hoặc vừa, thời gian luộc tuân theo chỉ định ghi trên gói mì. Mì mình dùng lần này ghi 1,5-2 phút nên mình luộc 1,5 phút lửa vừa. Khi luộc, chú ý bọt từ mì, đừng để xù trào ra bếp. Dùng đũa đảo khẽ chống mì dính.
+ Bước 2: Đổ mì ra rá và tráng qua nước mát, sau đó ngâm cả rá trong âu nước lạnh có đá viên.
+ Bước 3: Nhúp từng phần nhỏ mì, vuốt khẽ cho mì thẳng không bị xoắn vào nhau và ráo bớt nước. Sau đó, gập bó mì nhỏ thành hình chữ U hoặc hình tròn, đặt lên mành, giá, đĩa dùng. 100g mì khô sau khi luộc sẽ thành khoảng 250g mì ướt, mình xếp thành 5-6 phần nhỏ tiện khi dùng món.
+ Bước 4: Pha loãng tương tsuyu với nước lạnh sạch (nước uống hoặc đá viên để uống). Mình pha 80ml mentsuyu với 40ml nước / đá; hoặc 40ml tsuyu đậm với 80ml nước / đá. Các bạn có thể từ điều chỉnh tỉ lệ cho vừa khẩu vị.
+ Bước 5: Thái hành nhỏ và mỏng, cho vào dùng cùng với nước chấm. Nếu bạn yêu thích wasabi, bạn có thể dùng wasabi tuýp bán sẵn (thông thường chỉ có 5% thành phần là wasabi còn lại là một loại củ cải tên là horseradish thường mài ra dùng cùng với thịt bò quay – roasted beef – và gia vị), hoặc bạn có thể mài wasabi tươi ra dùng ngay trong vài phút trước khi vị bị tan biến.

Công thức (2) Mì lạnh Somen – mì chay đơn giản

(1) Nguyên liệu chủ đạo
+ Somen, 100g mì khô / 1 khẩu phần.
+ Nước lạnh và đá viên sạch, để rửa và ướp lạnh mì.

(2) Nước chấm
+ Shoyu (Tương đậu nành Nhật Bản, làm từ đậu tương, muối, bột mì hoặc ngũ cốc, v.v. hoàn toàn là nguyên liệu thực vật và muối sạch).
+  Đường kính trắng.
+ Nước lạnh (loại nước uống)

(3) Lá thơm
+ Tía tô xanh (ooba trong tiếng Nhật) 3 lá vừa hoặc to.
+ Hành lá
+ Gừng Nhật myoga

(4) Đội tổ hợp giàu chất xơ giòn 
+ Cà rốt tươi thái sợi 10g
+ Dưa chuột tươi thái sợi 10g
+ Tảo hijiki luộc sẵn 5-10g

(5) Đội tổ hợp giàu chất xơ nhớt kiểu Nhật (Wafu 和風)
+ Tảo mekabu, 10g, mua loại chưa nêm nhưng không dùng gói tương tsuyu đính kèm.
+ Đậu tương lên men natto, 20g, không dùng gói tương tsuyu đính kèm.
+ Đậu bắp okura luộc sẵn, 1 quả.

(6) Kiểu Tây (Youfu洋風)
+ Bơ tươi, 10g (1-2 lát mỏng thái ra từ một quả bơ tươi cỡ nhỏ vừa độ chín).
+  Cà chua bi, 1 quả.

CÁCH CHẾ BIẾN

+ Bước 1: Rửa rau củ quả, để ráo nước và thái. Đánh natto kết dính như thể đánh trứng, có dùng gói gia vị cay karashi nếu có, nhưng không dùng gói tsuyu đính kèm (vì trong thành phần thường có cốt cá!).
+ Bước 2: Đun sôi nước (1L cho một khẩu phần; 1,2L cho 2 khẩu phần; v.v.), khi nước sôi thì cho mì vào luộc lửa nhỏ hoặc vừa, thời gian luộc tuân theo chỉ định ghi trên gói mì. Mì mình dùng lần này ghi 1,5-2 phút nên mình luộc 1,5 phút lửa vừa. Khi luộc, chú ý bọt từ mì, đừng để xù trào ra bếp. Dùng đũa đảo khẽ chống mì dính.
+ Bước 3: Đổ mì ra rá và tráng qua nước mát, sau đó ngâm cả rá trong âu nước lạnh có đá viên.

+ Bước 4: Nhúp từng phần nhỏ mì, vuốt khẽ cho mì thẳng không bị xoắn vào nhau và ráo bớt nước.Sau đó, gập bó mì nhỏ thành hình tròn, đặt lên mành, giá, đĩa dùng. 100g mì khô sau khi luộc sẽ thành khoảng 250g mì ướt. Lần này tôi xếp thành 3 cuộn nhỏ tiện khi dùng món.

+ Bước 5: Trộn nguyên liệu (2) theo tỉ lệ sau để pha nước chấm:  6g đường kính trắng+ 2 thìa canh (30ml) shoyu + 90ml nước lạnh (loại nước sạch để uống).
※Có thể nêm nếm cho vừa khẩu vị, dùng trong một cốc nhúng mì hoặc tô ăn mì nhỏ.
+ Bước 6: Trình bày lên đĩa thật hấp dẫn!

Đặt lá tía tô xanh xuống dưới cùng, đặt cuộn mì lên trên đó, sau đó trình bày các tổ hợp (4), (5), (6) lần lượt lên 3 cuộn mì.

 
Món mì này ăn lạnh và bạn có thể ăn thêm cùng hành và gừng Myoga! Bạn cũng có thể thêm wasabi nếu thích.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản