CÁCH GIỮ GÌN TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Mất khả năng hoặc không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, không gần gũi văn hóa Việt là nỗi lo của các bố mẹ tại Nhật, đặc biệt ông bà ở Việt Nam. Gia đình mình cũng thế và mình cũng tìm hiểu, tham khảo nhiều cách thức để giữ gìn tiếng Việt cho con.
Nếu con bạn sinh ra ở Nhật, thật là một nỗi lo lớn đấy. Còn nếu bé có vài năm sống ở Việt Nam thì cũng xem là thuận lợi hơn một chút. Bạn có thể quên một ngôn ngữ không? Một nghiên cứu mình đọc được khẳng định rằng khả năng có đấy: trẻ em có thể trải nghiệm sự bào mòn ngôn ngữ hoàn toàn, thuật ngữ này trong ngôn ngữ học định nghĩa sự yếu kém hoặc mất hoàn toàn một ngôn ngữ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng người lớn vẫn giữ được tàn dư của một ngôn ngữ dù đã mất đi. Một nghiên cứu của Thụy Điển chỉ ra rằng người lớn rời khỏi quê hương khi còn nhỏ và dường như mất hết khả năng nói tiếng mẹ đẻ – làm bài kiểm tra về ngữ âm bằng tiếng mẹ đẻ tốt hơn so với người học ngôn ngữ đó sau này, mặc dù hai người có chương trinh học như nhau. Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em Trung Quốc được nhận nuôi ở Pháp không còn nói tiếng mẹ đẻ nữa vẫn giữ được khả năng như trẻ em song ngữ dù trong suốt thời gian đó chỉ sử dụng tiếng Pháp.
Nói cách khác, khi bạn đã học một ngôn ngữ, tình trạng trong não của bạn đã được định hình – và bạn không thể phá hủy nó.
Nhưng mặc dù tiếng mẹ đẻ không thể bị quên như nói trên, việc giúp trẻ giao tiếp thành thạo, đọc viết tốt là một nhu cầu thiết yếu để giúp con kết nối với người thân tại Việt Nam, gần gũi hơn với bố mẹ và hiểu biết sâu sắc hơn văn hóa Việt, đồng thời sử dụng thành thạo tiếng Việt cũng có thể là một thế mạnh cho nghề nghiệp của con sau này, mình đã tham khảo qua sách vở, các anh chị đi trước và đang áp dụng các cách sau đây:
Contents
Trao đổi, chia sẻ bằng tiếng Việt trong gia đình
Khi mới sang Nhật, hoặc khi con còn nhỏ với trường hợp con sinh ra tại Nhật, bố mẹ sẽ có lo lắng về hòa nhập môi trường, sợ con không đủ giỏi tiếng Nhật để giao tiếp với bạn bè, hòa nhập vào xã hội, nên có thể có khuynh hướng nói tiếng Nhật với con ở nhà, dẫn đến hoàn toàn hòa nhập họ vào ngôn ngữ mới.
Tuy nhiên, tiếp tục nói tiếng Việt ở nhà với bé sẽ giúp nâng cao khả năng duy trì việc nắm giữ tiếng Việt và kết nối với văn hóa và đất nước Việt Nam.
Trường hợp của Ken, mình toàn nói tiếng Việt ở nhà. Thỉnh thoảng mình cho phép sử dụng tiếng Anh hay Nhật để diễn tả những gì Ken muốn nói mà không đủ từ vựng. Sau đó, thường mình sẽ nói lại ý của Ken bằng tiếng Việt và yêu cầu Ken lập lại. Hoặc khi Ken và mình trao đổi bằng tiếng Anh xong, mình sẽ kể lại cho ba Ken nghe bằng tiếng Việt trước mặt bé. Cách này mình thấy khá hiệu quả vì không gây căng thẳng cho bé, bé sẽ rất bối rối vì không biết phải miêu tả như thế nào những hiện tượng mà bé chưa từng trải qua trước đây. Buộc bé nói tiếng Việt trong trường hợp này khiến bé nản và quyết định không chia sẻ với bố mẹ.
Đối với các gia đình đa sắc tộc Việt-Nhật, mình nghĩ nên sử dụng phương pháp đang được các gia đình đa sắc tộc hiện nay đang áp dụng phổ biến, là OPOL – One Parent One Language; nghĩa là bố hoặc mẹ sẽ nói tiếng Việt với bé, người còn lại nói tiếng Nhật. Phương pháp này được chứng minh có hiệu quả và đang được nhiều gia đình đa sắc tộc áp dụng.
Đăng ký cho bé học tại một trường có dạy tiếng Việt
Để giúp bé trao đổi tốt hơn, học cả đọc viết, và thấy gần gũi hơn với văn hóa Việt Nam, cho bé đến trường nơi có bạn bè giao tiếp bằng tiếng Việt, và thầy cô dạy bài bản là điều cần thiết.
Mình thật may mắn khi sống ở Tokyo nơi có rất nhiều người Việt sinh sống và có cả trường Việt ngữ TokyoTVS
. Trường được thành lập dựa trên tinh thần thiện nguyện của Ban điều hành cũng là những bố mẹ Việt mong mỏi gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con mình. Ken nhà mình đi học trường TVS hai tiếng từ 15 giờ đến 17 giờ mỗi chiều thứ 7. Việc học này giúp duy trì khả năng đọc viết tiếng Việt cho con, được quen biết với nhiều bạn Việt hơn. Trường hiện có ba lớp gồm lớp bé, lớp giữa và lớp lớn; có giờ học văn hóa Việt (thơ, ca, nhạc) và giờ tiếng Việt (nói, tập đánh vần, viết). Bên cạnh đó, trường rất hay tổ chức các sự kiện như cắm trại mùa hè, mở ca nhạc hội và mỗi dịp Tết đến xuân về cho các bé biểu diễn các bài hát Việt Nam, thưởng thức món ăn cổ truyền ngày Tết, hoặc lễ hội Trung thu, Halloween hay không vì dịp gì cả, các gia đình quây quần cùng giao lưu và nấu các món ăn Việt. Không gì tuyệt vời hơn một môi trường như thế cho con bạn gìn giữ và nâng cao tiếng Việt, bản sắc văn hóa Việt ha. Và một điểm cộng là chị phí rất chi hữu nghị nha các bố mẹ. Địa chỉ Facebook của trường ở đây.
Bạn có thể đăng ký học tại TVS theo địa chỉ email sau đây
tokyovietnameseschool
Nếu bạn đến vùng khác không có trường như vậy? Hãy từ từ tìm hiểu, biết đâu sẽ có những nhóm nhỏ các bố mẹ Việt tập trung lại để lập nhóm học. Như mình biết ở Chiba có một nhóm như vậy do sơ dạy với sự hỗ trợ của bố mẹ. Còn nếu bạn vẫn chưa tìm ra, hãy chủ động liên kết với các bố mẹ quanh khu vực mình sinh sống lập nhóm học hoặc trường học. Hoặc có thể chủ động thuê gia sư tiếng Việt cho con mình. Mình tin rằng với quyết tâm các bố mẹ sẽ làm được thôi.
Đọc sách tiếng Việt
Đọc sách giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ của trẻ là điều khỏi bàn cãi rồi ha. Hãy mua những truyện tranh ngộ nghĩnh và đọc cho bé nghe hàng đêm (nếu không thể thì tuần vài lần). Khi bé đã biết đọc, hãy khuyến khích bé đọc sách tiếng Việt với phần thưởng. Vì học đánh vần khá dễ, nên bé sẽ biết đọc nhanh thôi, nhưng để bé hiểu nội dung sách cũng không đơn giản. Điều này cần sự đồng hành của bố mẹ nhé.
Sử dụng Media vào việc học tiếng Việt
Một số bố mẹ phản đối việc cho phép bé ngồi xem ti vi; tuy nhiên, media có thể là một công cụ hữu ích để hỗ trợ việc gìn giữ tiếng Việt. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng các chương trinh media, đặc biệt là các chương trinh giáo dục có thể giúp trẻ từ hai tuổi trở lên học thêm từ vựng. Mình có cho Ken xem Doraemon lồng tiếng Việt, hay các phim hoạt hình Việt Nam khác của Hãng phim truyền hình Việt Nam trên Youtube. Có đợt mình xem “Bạn muốn hẹn hò” để giải trí lúc làm việc nhà. Mình mở to và Ken nghe được cũng hỏi vậy cuối cùng cô đó với chú đó có đồng ý làm bạn không.
Âm nhạc được xem là một công cụ hữu hiệu khác. Bố mẹ có thể dạy trẻ qua lời hát ru, các bài đồng dao, dân ca và bài hát thiếu nhi Việt Nam. Cả nhà cùng hát karaoke với nhau cũng vui lắm đó. Ah, nếu bé bạn học nhạc cụ như piano hay violin, có thể khuyến khích bé tập một bài hát Việt Nam. Đây là clip Ken nhà mình biểu diễn bài “Việt Nam, quê hương tôi” trong Lễ hội Tết của Trường Việt ngữ Tokyo. Để đàn được bài này, ngoài việc phải luyện tập theo sheet nhạc, mình còn cho bé nghe đi nghe lại bài này với giọng hát của Trọng Tấn đấy.
“Du học” tại Việt Nam
Rõ ràng “Du học” là một hình thức học ngôn ngữ và văn hóa hiệu quả. Thế nên bao bố mẹ Việt mới tốn tiền đưa con ra nước ngoài, đúng không ạ? Vậy nên cho bé về Việt Nam thăm ông bà, gia đình vừa gìn giữ được tình cảm, đáp ứng nhu cầu hai bên, vừa là một trải nghiệm học ngôn ngữ, văn hóa Việt cho bé. Cho bé về Việt Nam dài ngày trong dịp nghỉ hè, nghỉ xuân hay nghỉ đông không chỉ giúp tăng khả năng phát âm chuẩn cho bé, mà còn giúp bé hiểu sâu hơn văn hóa Việt Nam.
Ken nhà mình mỗi lần về Việt Nam đều rất thích: được ông bà yêu chiều, có em họ để chơi cùng, nhà ở Việt Nam thì thật to và rộng, lại có hồ bơi siêu đẹp. Trước khi chào tạm biệt ông bà nội ngoại, chàng ấy đều ôm chặt, rơm rớm nước mắt trông thương lắm. Chàng còn hỏi mẹ tại sao mình không sống ở Việt Nam? Ken thích Việt Nam lắm. Tại sao ba mẹ không chuyển việc về Việt Nam?
Đối với các trường hợp bố mẹ không tự dạy đánh vần được, hoặc muốn con nâng cao khả năng đọc viết, về Việt Nam dài ngày khoảng 1 tháng và thuê gia sư, hay đăng ký các lớp phụ đạo gần nhà chắc chắn sẽ giúp bé có bước tiến vượt bậc. Nếu bố mẹ lo lắng về thời gian đưa đón con sang Nhật vì đều bận rộn đi làm, hoặc chi phí, có thể cân nhắc gửi bé về 1 mình thông qua dịch vụ đưa trẻ về của các hãng hàng không, chẳng hạn VNA có dịch vụ chăm sóc trẻ đưa đến người thân của mình ở Việt Nam, và khi trẻ sang sẽ giao tận tay bố mẹ; hoặc gửi bạn bè, người thân đi cùng.
Tham gia hay tự tổ chức các sự kiện, lễ hội Việt Nam
Để bé hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, khi có các lễ hội như Vietnam Festival ở khu vực bạn sinh sống, hãy đưa bé đến xem ca nhạc hội, thưởng thức các món ăn ngon và gặp nhiều người bạn đáng yêu.
Ngoài ra, thỉnh thoảng sẽ có các chương trình do các nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn, nếu thu xếp được, đó cũng là một trải nghiệm đáng nhớ cho bé.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy tạo không khí Việt Nam trong chính gia đình và bạn bè mình. Bạn có thể tổ chức các sự kiện theo phong tục và văn hóa Việt Nam như rủ vài gia đình cùng tổ chức tiệc Trung thu cho các bé, hay những ngày Tết Truyền thống Việt Nam hãy tự bày mâm quả, tổ chức tiệc và lì xì cho các bé. Bảo đảm các bé cũng thấy vui quên trời đất luôn và tham gia hào hứng các hoạt động này.
Tập viết tiếng Việt
Bản thân mình đánh giá việc đau đầu nhất là học viết đấy ạ. Đến giờ vẫn nhiều bố mẹ sai chính tả, đúng không nào? Và với bé ở nước ngoài với phát âm lơ lớ thì càng là một thách thức. Ken nhà mình không thích viết lắm đâu, kể cả với tiếng Nhật hay tiếng Anh. Vì thế với môn này mình vẫn đang phải “chiến đấu”.
Một cái khó là chữ tiếng Việt rất ngoằn ngoèo, để viết đẹp cần rèn luyện. Tuy nhiên, với thời gian hạn chế, điều này không dễ chút nào. Giải pháp của gia đình mình là để bé học theo cô ở trường TVS. Tuy nhiên, nếu như con bạn không đến trường, bạn có thể cho bé tập đọc và giải thích cho bé chữ cái tiếng Việt, nhưng khi viết hãy tập cho bé viết chữ cái đơn giản của tiếng Anh (không dấu ngoắc, đá chân). Điều này giúp việc học viết đơn giản hơn, và bé cũng không phải mất nhiều thời gian để viết khi phải học cả hai ngôn ngữ này. Bản thân mình thấy cách viết chữ cái như tiếng Anh có thể không đẹp và chính xác như tiếng Việt ở Việt Nam, nhưng trông rõ ràng, vẫn đủ để hiểu, đặc biệt với các trẻ viết xấu thì đây là một giải pháp để người đọc có thể …”dịch” được bé viết gì.
Hiện nay, mình chỉ giữ cho con làm bài tập về nhà của TVS như bài tập viết. Thỉnh thoảng khuyến khích viết thêm vài câu thơ. Nếu bạn có thể dụ bé viết Nhật ký hàng ngày thì càng tuyệt vời hơn nữa. Các bạn tham khảo thêm các cách để khuyến khích con viết ở đây nhé.
Tự tin khi là người Việt Nam
Một trong những nỗi lo của ba mẹ là sự phân biệt người nước ngoài tại Nhật. Liệu khi bé là người Việt Nam có làm bé tự ti và thấy khác biệt? Theo tìm hiểu, có nhiều bé tự hỏi tại sao các bạn là người Nhật còn con là người Việt Nam? Đây cũng là một yếu tố trở thành hoặc là động lực hoặc là chướng ngại trong việc học tiếng Việt của con.
Gia đình mình đã chọn cách thức hòa nhập nhưng không hòa tan, nghĩa là luôn khẳng định bé là người Việt Nam và tạo điều kiện cho bé tự tin về xuất thân của mình. Trước khi bé sang Nhật bé cũng có nhiều bạn người nước ngoài sống tại Việt Nam, do đó mình đã giải thích cho bé dựa trên hoàn cảnh này, các bạn ấy là người Anh, Úc, Phillippines sống tại Việt Nam, tức là người nước ngoài sống tại Việt Nam. Giống như Ken khi qua Nhật cũng sẽ là người nước ngoài sống tại Nhật. Ngoài ra, khi ở Nhật mình cho bé giao tiếp nhiều với các bạn Việt Nam và nước ngoài khác đang sống tại Nhật. Việc đó khiến bé cảm thấy việc mình là một người Việt hay là một người nước ngoài (外人、外国人) là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt cả. Ngoài ra, mình luôn nhấn mạnh biết thêm một ngôn ngữ sẽ giúp bé có thêm được nhiều bạn bè hơn, sẽ giao tiếp được với ông bà nội ngoại mà bé rất mến thương. Theo mình, đây là một yếu tố quan trọng khiến bé vẫn tự nhiên giao tiếp với ba mẹ bên ngoài trước mặt bạn bè người nước ngoài bằng tiếng Việt một cách tự tin.
Không căng thẳng, học phải vui
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bố mẹ hãy đảm bảo rằng giao tiếp bằng tiếng Việt là trải nghiệm vui vẻ và tích cực. Mặc dù gìn giữ tiếng Việt quan trọng và có những ích lợi cho bé nhất định, bố mẹ cũng đừng đẩy mọi việc đi quá xa. Đừng phớt lờ bé hay la mắng bé nặng lời nếu bé không nói bằng tiếng Việt như bố mẹ mong muốn. Bởi bố mẹ cũng muốn bé nghĩ về tiếng Việt hay văn hóa Việt với tinh thần vui vẻ, tích cực chứ không phải với nỗi sợ hãi, tức giận hay e dè, đúng không? Có thể chậm một chút, nhưng khi bé cảm nhận tiếng Việt như tiếng suối róc rách ngọt ngào, dịu dàng chảy trong trái tim bé, thì với tình yêu đó, bé sẽ chủ động học hỏi, gìn giữ kể cả khi lớn lên rồi.
Sau một vài năm ở Nhật, nếu bạn nhận thấy bé bắt đầu không kết nối nhiều với tiếng Việt nữa, cũng không có gì đáng sợ đâu. Như mình cũng vậy, tuy lý thuyết là vậy, nhưng không phải lúc nào mình cũng có thời gian để “chăn dắt” bé theo đúng định hướng; thời gian là hữu hạn mà bé còn phải học tập vui chơi đủ mọi thứ khác, ở những giai đoạn nhất định, sẽ phải có những ưu tiên nhất định và bố mẹ cũng xoay vần cơm áo gạo tiền. Và như nghiên cứu trên có đề cập một người lớn “hoàn toàn” mất khả năng nói tiếng mẹ đẻ vẫn có thể học lại ngôn ngữ đó trở lại nhanh hơn bình thường. Mặc dù bé sẽ không hoàn toàn mất tiếng Việt, các biện pháp trên sẽ giúp tiếng Việt không bao giờ phai nhòa trong tâm trí bé.
Đánh giá bài viết:
KVBro-Nhịp sống Nhật Bản