CHUYỆN NGỦ CỦA CÁC EM BÉ SƠ SINH

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Đa phần các mẹ có con nhỏ mới sinh trong 3 tháng đầu thường stress nhất với việc ngủ của con. Không khó khi lướt các group nuôi, chăm con để thấy những câu hỏi đại loại như “Con em ngủ ngày cày đêm”, “Con em phải bế/ôm mới ngủ, đặt xuống là mắt mở thao láo”, “Con em phải đu đưa mới chịu ngủ”, “Con em bú tí lại ngủ, ngủ tí lại dậy bú”…..Vậy làm sao để con ngủ ngon, con ngủ đủ giấc để đảm bảo sự phát triển thể chất và trí tuệ? Sau đây là chia sẻ của mẹ Hanah-Gạo trong việc tập cho con có thói quen tự ngủ với mục đích giúp các con biết tự ngủ, tự chơi và tự ăn mà không quá lệ thuộc vào bố mẹ.

——————————————

Chuyện rằng là trẻ sơ sinh có thời gian ngủ từ 15-18h/ ngày và giấc ngủ quan trọng như thế nào thì ai cũng biết. Mình sẽ chẳng bàn thêm nữa.
Và chuyện là có những mẹ có toàn thời gian ở nhà chăm con, có người hỗ trợ cơm nước, chợ búa, không phải đi làm; các mẹ lựa chọn phương án là ôm con, không muốn con khóc, muốn con ngủ lâu và say nhất có thể dù phải làm thế nào thì mình cũng không bàn đến. Mọi sự lựa chọn của các mẹ đều cần được tôn trọng, mình không lên án hay bài xích, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con mình, các mẹ nhỉ.
Ở khuôn khổ chia sẻ này, mình lựa chọn việc tập cho con có thói quen tự ngủ. Mục đích của vợ chồng mình nói chung là giúp các con biết tự ngủ, tự chơi và tự ăn mà không quá lệ thuộc vào người lớn.

Sở dĩ vợ chồng mình thống nhất lựa chọn việc tập cho con tự ngủ là vì: Mình cần phân phối thời gian cho bạn lớn 7 tuổi, bạn bé 2 tháng, việc gia đình và việc học. Kể sơ để thấy rằng mình không rảnh rang, cũng không tài giỏi gì hay con mình cũng không phải ăn xong là ngủ say, ngủ dậy lại ăn no, chơi vui đâu. Đời màu hường thế thì cũng gay go phếch đấy ?. Vậy nên để tốt cho con, cho mẹ và cho cả nhà. Cả Hanah và Gạo mình đều tập cho con thói quen tự ngủ từ lúc mới sinh.

Một em bé ra đời nếu không thiết lập được routine từ sớm dễ dẫn đến việc xáo trộn kéo dài trong gia đình, cụ thể là:
+ Anh/chị lớn cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu thời gian quan tâm của bố mẹ, người xung quanh vì mọi người hầu như tập trung cho em bé nhỏ. Điều này dần dà hình thành ở các con sự ganh tỵ với em nếu bố mẹ không quan tâm trò chuyện và cho con cùng tham gia vào việc chăm/chơi cùng em.
+ Bố mẹ không có thời gian dành cho nhau. Bố tất bật đi làm, mẹ loay hoay bỉm sữa cả ngày. Ít dành thời gian chia sẻ những điều hàng ngày, những vấn đề gặp phải sẽ khiến mối quan hệ của bố mẹ không tốt.
+ Mẹ không có thời gian dành cho bản thân, không đủ thời gian tái sản sinh năng lượng vì vòng luẩn quẩn con cái, con khóc, con ăn, con tè-ị, cơm nước. Thêm nữa các mẹ với bản năng làm mẹ quá lớn, luôn lo sợ điều không tốt đến với con dẫn đến việc thiếu tin tưởng khi giao con hay chia sẻ việc chăm con cho người khác. Mọi thứ các mẹ ôm hết vào người. Và thế là long thể luôn bất an, và long nhan chắc chắn bất ổn với những đêm thức trắng vì con không ngủ.
+ Con không có cơ hội được phát triển khả năng đầu đời của bản thân, mà cụ thể là khả năng tự ngủ.

THIẾT LẬP ROUTINE
Gieo hành động, gặt thói quen. Câu này quá đúng các mẹ ạ. Cứ có niềm tin, lựa chọn phương pháp phù hợp và kiên trì thì kiểu gì cũng có kết quả khả quan.
– Mình hình thành routine cho Gạo theo E.A.S.Y (eat-activity-sleep-your time). Hiện Gạo (10weeks) đang thực hiện e.a.s.y 3.5, hiểu nôm na là bạn ấy có 1.5 giờ để thức (bao gồm ti sữa và chơi) và 2 giờ để ngủ). 2 giờ bạn ấy ngủ là 2 giờ dành cho mẹ, mẹ làm những việc riêng của mẹ (làm việc, thư giãn, ngủ, tắm, làm đẹp, chơi cùng anh chị lớn, dành thời gian cho chồng)
– Mình chọn phương pháp Cry it out with check để tập tự ngủ cho cả 2 bạn Hanah và Gạo. Mình sinh mổ cả 2 bạn, bạn Gạo sinh ở Nhật, thời gian đầu trong bệnh viện bạn ấy cách ly khỏi mẹ trong 5 ngày, và 5 ngày ấy bạn ấy được các cô ở clinic rèn theo kiểu Cry it out, và các cô thực hiện luôn e.a.s.y 3 cho tất cả các bé sơ sinh ở đấy, vậy nên về nhà mẹ cũng không quá khó khăn khi tiếp tục thực hiện.
NHƯNG, chữ nhưng này luôn mang đến những bước ngoặt nè ?. Về nhà qua tuần trăng mật êm đềm, bạn í biết mình có thể đòi hỏi nên thể hiện bằng tiếng khóc. Có lẽ do đã xác định từ trước nên mọi thứ với mình đều nhẹ nhàng, kể cả tiếng khóc của con. Mình AQ rằng con phải khoẻ mới khóc được to vậy và phải phát triển nhận thức tốt mới đưa ra yêu cầu đòi hỏi như thế ??, nghĩ thế cho đỡ căng.
– Bạn ấy khóc thì mình thực hiện NÚT CHỜ, không vội bế ngay mà quan sát, lắng nghe tiếng khóc, xem nó thuộc kiểu tiếng khóc gì; kiểm tra bước đầu các tác nhân gây khóc (nhiệt độ, bỉm..). Có một tip rất hay ho là nếu bạn bế lên mà con im thin thít ngay thì trên 90% là con đòi bế ?; còn bế lên mà con vẫn khóc nức nở thì bình tĩnh kiểm tra trán, gáy xem nhiệt độ cơ thể con, bỉm, theo dõi dấu hiệu đòi ăn. Đáp ứng đủ các tác nhân trên mà con vẫn khóc, thì làm gì, thì kệ thôi, hãy thì thầm với con rằng chúc con ngủ ngon, mơ giấc mơ đẹp, canh thời gian chờ phù hợp với tháng tuổi (như Gạo bây giờ là 15 phút), chờ đủ thời gian mới bế lên vỗ trấn an (không trò chuyện) và lại đặt xuống.

ĐỂ CON ĐƯỢC KHÓC
Mỗi bé có sự thích ứng khác nhau, với Gạo mình mất gần 10 ngày để chủ yếu quan sát, nghe để hiểu quy luật khóc và thói quen sinh hoạt của con. Và quan trọng là con cũng cần có thời gian để hiểu chính bản thân con. Đấy là bước ngoặt nhận thức rất quan trọng của các em bé 0-3 tháng. Vậy nên khi con khóc, các mẹ kìm lòng bình tĩnh một chút, để rèn cho bản thân mình và cho cả con sự bình tĩnh. Tiếng khóc là cầu nối, sự ngôn ngữ duy nhất trẻ sử dụng để kết nối bản thân với môi trường. Bế con lên ngay, chẳng phải là bố mẹ đang tước đi quyền được giao tiếp của con hay sao. Vậy nên chậm lại một chút, sẽ rất hữu ích đấy ạ.
Gạo mất 2 tuần (không tính tuần cách ly mẹ, tuần an yên ngọt ngào mía lùi của các bạn sơ sinh) để vào nếp. Mọi việc ôn ổn là ở tuần thứ 4, sang tuần 5 wonder week mình vẫn duy trì mọi thứ bình thường. Đừng quá căng thẳng ở những tuần wonder weeks của con, biết để chủ động hơn chứ ko phải để lấy cớ dẹp đi thói quen tốt đang hình thành, đại loại: “Ừ thôi đang wonder weeks nên con quấy, chiều con 1 tý không sao!”. Các mẹ cứ thoải mái, phớt lờ, hôm nay như mọi ngày tươi đẹp khác, là ổn thôi. Đúng nghĩa tâm an là con ngoan đấy ạ.
Nói vậy nhưng mình biết vượt qua được sự ám ảnh về tiếng khóc của con là cả một sự cố gắng của những người trong gia đình đó ạ. Các mẹ nên chia sẻ quan điểm chăm con với bố của bé, ông bà, anh chị lớn của bé ngay khi mang bầu nhé. Mẹ sẽ vững tâm hơn khi có sự đồng lòng, ủng hộ và hỗ trợ của mọi người. Mình sẽ chia sẻ thêm vấn đề Chăm con cùng ông bà và Chăm con khi chỉ có một mình ở album Chào con, em bé sơ sinh nhé!

DỤNG CỤ HỖ TRỢ
-Swaddle: quấn con, hiện vẫn có những tranh cãi xem nên quấn hay không quấn. Nhưng không phải đơn giản mà các hiệp hội nhi khoa, trung tâm chăm sóc trẻ và trên các website chăm sóc trẻ đều khuyên swaddle cho trẻ sơ sinh.

Các mẹ có thể tham khảo các link sau:
https://youtu.be/ikBYRi5f32g
https://youtu.be/goHIOS6ALvY
https://youtu.be/pJCQf2Xxlrk
https://youtu.be/qjUhHFNLZdw
https://youtu.be/Pj1rhcqQz3Q

Trẻ sẽ giảm phản xạ Moro (phản xạ rơi tự do) khiến trẻ hay giật mình; tạo cho trẻ cảm giác thân thuộc như ở trong tử cung, giảm chứng đột tử khi ngủ ở trẻ. Tất nhiên chỉ dùng khi cho trẻ ngủ. Khi trẻ thức các mẹ để tay chân thoải mái cho con vận động nhé.
Mình dùng quấn vải của aden&anais ở tháng đầu, qua tuần 4 mình chuyển qua dùng quấn của swaddle me vì lúc này các bạn có sự vung vẫy vận động tay chân mạnh, quấn vải xô kiểu aden&anais dễ gây bung vải, che mặt con gây ngạt thở.

Ở Việt Nam có quấn của chị Hà Chũn – Tác giả bộ sách Nuôi con không phải là cuộc chiến có bán các thể loại quấn phù hợp với tháng tuổi, điều kiện thời tiết đông – hè. Các bạn tham khảo thử nhé!

White noise: trước đây khi tập cho Hanah mình không cần đến white noise vì con ở 1 phòng độc lập, không ảnh hưởng lắm bởi những sinh hoạt có quá nhiều tiếng ồn từ người khác.
Việc một em bé sơ sinh biết ngủ trong môi trường vẫn đầy đủ ánh sáng, tiếng ồn là điều nên tập. Nhưng khi con đã có khả năng tự ngủ, thì nên tạo môi trường ngủ phù hợp nhất có thể (không quá sáng, không quá ồn) để tạo nên giấc ngủ có chất lượng tốt. Bạn thử đặt bản thân bạn – là người lớn, khả năng tự ngủ có thừa trong điều kiện ngủ quá ồn hay quá sáng thử xem, bạn có thích không? Vậy nên quan điểm rèn trẻ để kệ con ngủ thật ồn, thật sáng chói mình không ủng hộ. Trừ khi điều kiện bạn không cho phép.
Hiện cả nhà mình chỉ có 1 phòng sinh hoạt chung, tức là bố mẹ và 2 con chỉ có 1 phòng, phòng ấy có giường ngủ, bàn học và bàn ăn. Mọi thứ trong một phòng thì dĩ nhiên không thể cho con được môi trường ngủ ổn nhất, nên mình lựa chọn white noise để làm con ngủ sâu hơn bởi hạn chế những tạp âm bên ngoài.
Các mẹ có thể tải app white noise về điện thoại, các app này dùng không cần kết nối mạng nên các mẹ tắt hết wifi, 3G, 4G, để chế độ máy bay đặt gần con an toàn nhé.

Tháng đầu Gạo nằm trong giường cũi, vài tuần nay mẹ cho Gạo nằm giường ghế 3 in 1 (giường đơn bé, ghế ngồi, ghế ăn, nôi rung) này để dễ di chuyển (mang lên lab mẹ, trước cửa bếp trong tầm nhìn của mẹ khi mẹ nấu ăn), dự kiến khi Gạo biết lẫy thì bạn í lại quay lại giường cũi ?.

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Làm gì khi con khóc mãi không chịu ngủ?
Để trả lời câu hỏi này, các mẹ check xem thử:
đã thiết lập quy trình hoạt động cho con chưa? Giờ ăn là ăn chứ không mập mờ vừa ăn vừa ngủ, ăn xong con sẽ chơi (vận động, đọc sách, đi dạo), chơi đủ con sẽ ngủ lâu vì não hưng phấn trong một thời gian dài cần nghỉ ngơi. Nhiều mẹ nhắn hỏi mình là sao mình có thể thực hiện được nhiều thứ với Gạo vậy. Nói thật là với 1,5 tiếng con thức ở hiện tại, Gạo ti sữa trong khoảng 30-35 phút thôi, còn lại gần 1 tiếng đồng hồ, trời ơi, 1 tiếng tha hồ để con chơi tỉnh táo với bố mẹ đó ạ. Nên nếu con có tình trạng lúc ăn gà gật, lúc chơi gà gật mà lúc ngủ tỉnh như sáo sậu thì các mẹ chịu khó xem lại và quyết tâm hình thành routine cho con nhé!

2. Nếu bé dậy trước thời gian và khóc thì sao?
Thì chẳng sao cả, bé có thể do tè mà dậy hoặc giật mình dậy, hãy cho bé có khả năng tự ngủ lại bằng cách sử dụng nút chờ. Nếu đã sử dụng nút chờ và để con tự ngủ lại theo cách các bạn chọn mà bé vẫn không ngủ lại thì lúc này cho bé dậy và thực hiện easy tiếp theo.

3. Khi nào nên cai quấn (swaddle) cho em bé
Hiện bạn Gạo (12 weeks 6 days) đã cai quấn và white noise rồi. Về cơ bản tầm sau 6 tuần các phản xạ Moro ở trẻ sơ sinh giảm và biến mất, nên lúc này có thể dần tập cho trẻ không dùng quấn (swaddle) nữa. Bạn Gạo tập dần lúc qua 8 tuần. Ban đầu là nới lỏng, sau đấy thả 1 tay, thả 2 tay, chỉ quấn tay thả chân, bỏ quấn 1 cữ ngủ. Cứ như thế sau 2-3 tuần, đến tuần 11-12 là không cần quấn nữa.
Về việc sách viết, nói dễ hiểu là khi trẻ thân thuộc với 1 thói quen ngủ (được quấn) ngay từ nhỏ thì việc dùng quấn khi trẻ lớn dần đương nhiên là thuận lợi, trẻ lúc này ngủ ngon, sâu hơn vì có cảm giác an toàn, thân thuộc. Mình không có gì phản bác lại những điều bộ sách viết, chị Hà-tác giả cũng đã nghiên cứu, thực nghiệm trên rất rất nhiều giấc ngủ của chính 2 con chị và các em bé khác. Và như mình có nói, việc lựa chọn cách thức giúp con tự ngủ nào thì cũng đều hướng đến việc đảm bảo cho trẻ có giấc ngủ an toàn, ngủ ngon, ngủ sâu và ngủ khoa học (biết phân biệt ngày, đêm, ngủ xuyên đêm, tự ngủ).
Cá nhân mình chọn swaddle cho con trong 10-12 tuần đầu, lý do mình đã chia sẻ ở trên và trong bài viết Chuyện ngủ của con nhé! Quan điểm của riêng mình là đọc sách, tham khảo nhiều nguồn, có chọn lọc rồi mới quyết định thực hiện. Khả năng thích nghi của trẻ con nhiều khi vượt hơn những gì người lớn chúng ta nghĩ. Chỉ hỗ trợ con thôi và đừng tước đi cơ hội thích nghi đấy.

4. Nếu quá mỏi mệt với việc chạy theo rèn con thế này thế kia thì làm sao?
Con không phải robot, và nuôi con không phải là một quy trình rập khuôn. Sách vở đưa ra khung để mình tham khảo. Và nhiệm vụ của bố mẹ là nghiên cứu, điều chỉnh và lựa chọn những điều phù hợp với con mình, chứ không phải con người khác.
Và nếu mệt quá rồi, thì hãy nghe mình, tạo không gian ngủ, bật thể loại nhạc êm dịu nhẹ nhàng, rồi làm gì nữa??? Lúc này, tạm quên hết kỷ luật sách vở đi, ôm con và ngủ thôi!!!
Bởi nếu chưa xác định sẽ rèn con, mà chỉ nửa vời, không thống nhất trong gia đình, lúc ôm con ru ngủ, lúc thả con tự ngủ, đến người lớn còn chưa có đủ thời gian thích nghi, huống chi là một đứa bé. Lúc ấy thì bạn không cần khiên cưỡng cố quá 1 mình. Mẹ vui con sẽ vui. Cân bằng tinh thần rồi xác định tiếp.
Và nếu một ngày nào đó, bạn thực sự mệt nhoài khi phải loay hoay một mình trong việc nuôi con, thì thử một lần dẹp sự cầu toàn của mình lại, chia sẻ cho người bên cạnh, người thân xung quanh, hít một hơi thật sâu và nhìn mình trong gương thử. Bạn có lỡ để đánh mất mình quá lâu, có lỡ lãng quên bản thân quá lâu không. Bạn xứng đáng có được sự chăm sóc bản thân từ chính bạn mà. Và con xứng đáng ở cạnh một bà mẹ khoẻ mạnh an yên mà. Phải không?
Và dù cho các mẹ có lựa chọn điều gì cho con thì nên cân nhắc trước khi chọn, kiên nhẫn khi thực hiện và có niềm tin với sự lựa chọn của mình.
Và cuối cùng, lần nào cũng nhắc lại đoạn này, đó là mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, mong mỗi bố mẹ đừng rập khuôn cái những đứa trẻ khác đạt/làm được lên con mình. Chịu khó quan sát con sẽ tìm ra điều gì phù hợp nhất cho riêng đứa con của bạn.
Thế nhé các bố mẹ ơi!
Mẹ Hanah – Gạo ❤️

?Tài liệu khuyên đọc nên có về các loại tiếng khóc của con, các kiểu rèn trẻ tự ngủ và thiết lập routine cho con:
1. Sách tiếng Việt: Bộ sách Nuôi con không phải là cuộc chiến (Cảm ơn bác Nguyễn Minh đã tặng mẹ cháu bộ sách này ạ)
2. Sách tiếng Anh: Secrets of the baby whisper (Tracy Hogg) – Quyển này đã được dịch và bán ở Việt Nam với tên gọi Đọc vị mọi vấn đề của trẻ.www.healthychildren.org/Newborn
www.whattoexpect.com//newborn-reflexes
https://en.m.wikipedia.org/wiki/Moro_reflex
https://www.nestedbean.com/pages/moro-reflex
https://medlineplus.gov/ency/article/003293.htm
https://www.sciencedirect.com/moro-reflex
https://www.chop.edu/conditions-diseases/newborn-reflexes

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản