NHỮNG CHUẨN BỊ CẦN THIẾT CHO BÉ NHẬP HỌC NHÀ TRẺ
Với các bé nhập học lần đầu vào tháng tư thì sẽ có lễ nhập học (入園式 Nyuenshiki). Các bé nhập học giữa chừng thì do số lượng học sinh mới ít nên trường không tổ chức lễ nhập học, bé sẽ vào học luôn và ở lớp bé sẽ có 1 buổi giới thiệ bé với các bạn và thầy cô ở trường.
Bài viết này mình tập trung nói về việc chuẩn bị cho bé 0 tuổi, 1 tuổi vào nhập học lần đầu tại trường vào tháng 4, với các bé nhập học từ 2 tuổi trở lên hay chuyển trường, bạn có thể tham khảo ở bài viết “Chuyển trường cho bé”
Sau một thời gian hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả nhà trẻ công,bé được báo đỗ vào trường theo đúng nguyện vọng của bố mẹ, việc đầu tiên đó là bạn phải liên lạc với trường để đặt ngày phỏng vấn và đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát. Cái này phía quận sẽ gửi giấy tờ báo cùng với giấy báo đỗ nhà trẻ cho bạn nên không phải lo lắng.
Contents
Phỏng vấn tại nhà trẻ công bé được chọn
Gọi là phỏng vấn thôi chứ đơn giản bạn đến trường gặp thầy cô hiệu trưởng và cô giáo phụ trách nói chuyện, trao đổi kỹ với nhau để phía gia đình yên tâm gửi bé và phía trường hiểu sinh hoạt tại nhà. Thầy cô hiệu trưởng sẽ giới thiệu cho bạn về trường, các hoạt động hàng ngày, hoạt động chính trong năm. Trong buổi phỏng vấn, trường sẽ phát cho bạn danh sách đồ cần phải chuẩn bị để nhập học vào tháng 4 cũng như lịch trình học những tuần đầu để bé quen dần với nhà trẻ (Narashi hoiku 慣らし保育)
Những đồ cần phải chuẩn bị cho bé khi nhập học
Trong buổi phỏng vấn hoặc sau đó trường sẽ gửi cho bạn danh sách các đồ cần phải chuẩn bị để nhập học. Thông thường các mẹ cần chuẩn bị cho con đồ để sẵn ở trường và đồ mang đi hàng ngày. Đồ để sẵn ở trường thường có quần áo đồ lót (2 bộ), vỏ bọc chăn đệm, quần áo mặc ngủ trưa, mũ đội, giầy đi trong nhà, mũ phòng chống va đập vào đầu khi động đất xảy ra. Đồ hàng ngày mang thì gồm có 1 bộ quần áo thay sau khi ngủ trưa dậy, khăn lau tay, bộ đồ đánh răng, sổ liên lạc, balo đựng đồ hàng ngày. Bạn nhớ lưu ý, tất cả các đồ của con đều phải được ghi tên của con để tránh nhầm với đồ của bạn khác.
※Bạn có thể tham khảo kỹ tại bài viết CHUẨN BỊ ĐỒ DÙNG ĐI NHÀ TRẺ CHO CON
Chuẩn bị tâm lý cho bé
+ Với các bé 0 tuổi, tùy còn rất bé nhưng không phải là bé không hiểu chuyện đâu. Vì vậy các mẹ hãy trò chuyện với con về việc sắp tới con sẽ đi học. Con sẽ có cô giáo dễ thương tốt bụng chăm sóc và có nhiều bạn bé như con sẽ cùng tập trườn tập bò tập đi chơi với con. Sẽ có nhiều đồ chơi hơn ở nhà và con sẽ được khám phá nhiều điều mới hơn. Ngoài việc trò chuyện với con, các mẹ cũng cố gắng tập dần cho bé việc phải xa mẹ 1 khoảng thời gian khá dài trong ngày. Có nhiều mẹ đeo mặt nạ để giả làm người khác chơi với bé, cho bé ăn bé ngủ để tập cho bé quen dần. Mỗi mẹ chắc chắn sẽ có 1 phương pháp hợp lý nhất cho con mình, mình tin là vậy!
+ Với các bé 1 tuổi, so với 0 tuổi thì các bé 1 tuổi cứng cáp hơn nhiều. Hầu hết các bé đều biết đi, chạy nhảy. Tuy nhiên những bé sinh tầm tháng 2, tháng 3 thì có thể vẫn còn chưa biết đi nên sẽ khá vất vả hơn một chút. Việc chuẩn bị tâm lý cho các bé 1 tuổi khó hơn các bé 0 tuổi vì các bé 1 tuổi thì sẽ bị lạ và bám mẹ hơn do ở hai mẹ con ở bên nhau 1 thời gian khá dài.
+ Cũng giống như các bé 0 tuổi, các mẹ trò chuyện với con về việc đi nhà trẻ, việc có nhiều bạn mới, đồ chơi. Cùng với việc trò chuyện với con, mẹ cũng tập dần cho con việc ăn uống, tự xúc lấy, uống nước uống sữa bằng cốc để con đỡ bỡ ngỡ hơn khi đi học. Bạn cũng có thể đưa con đi chơi gần nhà trẻ con sắp vào để con quen dần với nhà trẻ, nhìn thấy các anh chị lớn chạy nhảy vui vẻ con sẽ thấy thích mà không qua lạ lẫm khi đi học.
Chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ
Việc bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cũng vô cùng quan trọng để giữ cân bằng cuộc sống khi vừa phải đi làm vừa phải chăm con.
Khi con đi nhà trẻ, điều đầu tiên mà bất cứ gia đình nào cũng lo lắng nhất, đó là con dễ bị ốm. Một bạn ở lớp ốm thì có thể lây cho vài bạn khác và con đang khỏe có thể bị lây ốm bất kì lúc nào. Sẽ chẳng lạ gì nếu bạn đang ngồi làm việc thì nhà trẻ bất chợt gọi điện đến thông báo bé sốt trên 37.5 độ rồi, nếu 1 lúc nữa sốt trên 38 độ sẽ gọi lại và mẹ về đón con ngay nhé. Các bé mới đi học thì càng dễ ốm hơn vì chưa quen lớp quen bạn, khóc suốt không ăn uống được nên rất dễ bị ốm.
Con sẽ gầy đi. Không phải do thức ăn ở trường không đủ, không ngon mà đơn giản con chưa quen con không ăn được mấy. Ăn ít đi thì đương nhiên gầy đi rồi. Cộng thêm bị ốm nữa nên hầu hết các bé mới đi trẻ đều có thể sẽ bị gầy đi. Nhìn con ốm, gầy đi mẹ nào mà chẳng xót, nhưng đi bộ đội mà, con và mẹ sẽ vượt qua!
Sẽ chẳng lạ gì nếu đến đón con cô chạy ra thông báo con bị ngã xước chân khi đi công viên, hay con bị bạn A B C nào đấy cào xước mặt. Cái này thì không thể tránh được, dần dần các mẹ buộc phải quen. Các mẹ chú ý là cắt móng tay cho con cẩn thận để con không cào bản thân mình và cào xước bạn nhé!
Và rồi khi đón con về nhà, mở túi đồ của con ra sẽ là một đống quấn áo bẩn dính đầy thức ăn, bê bết đất cát. Có trường, cô sẽ xả qua nước cho thức ăn trôi sạch đi nhưng cũng có trường không nên các mẹ chuẩn bị sẵn tình thần là những ngày đầu quần áo con sẽ rất bẩn. Khi con dần quen với việc ăn uống ở trường thì cũng sẽ đỡ hơn chút.
Cuối cùng, từ ngày con đi học cả nhà lúc nào cũng thấy bận vô cùng. Tối nào cũng giặt một đống quần áo, chuẩn bị một đống đồ cho con đi học ngày hôm sau và còn phải lo viết sổ liên lạc nữa. Nếu nhiều thì hàng tuần, ít thì hàng tháng trường gửi bao thông báo về, phải đọc rồi còn lưu lại những hoạt động quan trọng ở trường của con để tham gia. Đúng là mong mãi để con đi học mà con đi học được rồi thì cũng rất gian truân vô cùng.
Tập quen dần với nhà trẻ (Narashi Hoiku)
Bất cứ bé nào khi vào học để phải trải qua ít nhất 1 tuần đến 1 tháng cho việc tập quen dần với nhà trẻ, trong tiếng Nhật gọi là Narashi hoiku. Về cơ bản lịch trình của narashi hoiku cho 1 tuần như sau:
+ Ngày đầu tiên và ngày thứ 2: bé sẽ đến lớp thường từ 9h sáng và mẹ sẽ đến đón 1 đến 2 tiếng sau đấy tùy trường.Trong ngày đầu tiên này thì 90% các bé sẽ khóc, trừ những bé đã quen gửi tư từ trước đấy. Một bé khóc là các bé còn lại khóc theo luôn.
+ Ngày thứ 3, thứ 4: bé sẽ đến lớp từ 9h sáng và ở lại ăn trưa tại lớp. Sau hai ngày đầu tập quen với cô và các bạn, các bé được tập ăn uống cùng với nhau tại trường. Sau khi ăn xong, các mẹ sẽ đến đón con về.
+ Ngày thứ 5: bé sẽ đến lớp từ 9h sáng, ăn tại trường, và ngủ trưa tại trường. Sau khi ngủ trưa dậy, gia đình sẽ đến đón.
+ Từ ngày thứ 6 trở đi bé sẽ đến trường từ 9h sáng đến 4 rưỡi chiều.
Nếu bé nào nhanh chóng hòa nhập quen cô quen bạn không khóc thì có thể đến trường sớm hơn và đón về muộn hơn nhưng thường trong nửa năm đầu thì không muộn quá 5h chiều.
Với những bé lâu quen hơn, cả tuần đầu đều khóc và không ăn uống được mấy thì trong quá trính Narashi hoiku, cô giáo sẽ thông báo và lịch trình Narashi hoiku sẽ kéo dài hơn để bé không bị sốc tâm lý.
Có thể nói rằng quãng thời gian Narashi Hoiku là thời gian khó khăn nhất cho cả mẹ và con. Con khóc mẹ khóc. Vừa đến lớp là con khóc, đón con về cũng thấy con khóc. Về nhà thì con bám dính lấy mẹ luôn vì chỉ sợ mẹ bỏ đi mất. Thương lắm! Bé nào cũng phải trải qua quãng thời gian này và chính nhờ những quãng thời gian như thế con trưởng thành hơn. Vì vậy các mẹ cùng con cố gắng vượt qua nhé!
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.
Đánh giá bài viết: