VÌ SAO KHÔNG NÊN ÉP TRẺ MẦM NON TẬP VIẾT QUÁ SỚM

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Mình tình cờ đọc được bài chia sẻ về việc vì sao không nên ép trẻ mầm non học viết hoặc thấy sốt ruột khi con mình không hứng thú với chuyện viết ở góc độ sinh lý – đặc điểm xương bàn tay, cổ tay của trẻ. Mình không thấy trong bài viết gốc có chia sẻ bất kỳ nghiên cứu khoa học nào, nên mình tìm thêm các bài nghiên cứu về chủ đề viết ở trẻ mầm non. Mọi người xem thêm phần tài liệu tham khảo để đọc thêm về phần này nếu cần nhé.

Mình đồng quan điểm với bài viết, đó là không nên ép trẻ phải tập viết sớm khi đang ở độ tuổi mầm non. Ép ở đây được hiểu là mua vở tập chép, tô chữ cho các bé từ 5 tuổi (thậm chí là 4 tuổi) để học luyện viết theo bảng chữ cái, từ đơn, từ ghép. Trong trào lưu “tiểu học hoá” các em bé 5 tuổi, mình biết cảm giác nhà nhà cho con học, trường trường mở lớp học, thì bố mẹ cũng sẽ sốt ruột lắm. Mình hiểu rằng bố mẹ nào lựa chọn điều gì cho con cũng đã đều cân nhắc cả rồi, vậy nên bài này không có ý bài xích hay lên án bất kỳ sự lựa chọn mà như là 1 thông tin tham khảo (cho cả bố mẹ, giáo viên và nhà tư vấn) nhé.

Lý do khiến mình đồng tình với bài viết gốc ở chỗ: Trẻ mầm non chưa phát triển đủ về sinh lý, cụ thể là xương bàn tay, xương cổ tay – đơn vị phụ trách cho việc viết chữ. Minh hoạ cho điều này là bức ảnh dưới đây nha. (Góc độ tâm lý thì cũng ko nên ép con học đọc học viết trước đâu ạ, giai đoạn này tư duy của trẻ là tư duy trực quan hình ảnh, trẻ cần được hoạt động, khám phá, trải nghiệm thay vì ngồi yên học như các anh chị tiểu học. Mình hẹn chia sẻ phần này kỹ hơn ở bài viết khác nhé. Hôm nay chỉ tập trung vào tấm ảnh dưới ạ)

Phần trên cùng bên trái của bức ảnh là ảnh phim chụp xương bàn tay & cổ tay của một em bé 3 tuổi, và phần trên cùng bên phải là của một em bé 6 tuổi. Bạn có thấy sự khác biệt về cấu trúc trong bộ xương của chúng. Đó là ở giữa các xương bàn tay, cổ tay của trẻ 3 tuổi phần nhiều vẫn chủ yếu là sụn. Và nếu chú ý vào tất cả các khoảng trống giữa các xương của trẻ 3 tuổi và trẻ 6 tuổi, bạn sẽ nhận ra cơ, xương và gân sẽ thay đổi theo năm tháng. Tương tự, bạn cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa xương bàn tay của em bé 6 tuổi và một đứa trẻ 14 tuổi (phía dưới bên phải). Vậy điều rút ra được ở đây là gì?

  1. Trẻ trong độ tuổi mầm non (0-6/7 tuổi) cần có thời gian để phát triển và hoàn thiện về xương bàn tay, cổ tay. Đồng thời trẻ độ tuổi này cũng cần có những rèn luyện cần thiết để chúng có thể viết theo đúng cách như trẻ hoặc người lớn ở độ tuổi đi học. Vì vậy bạn không nên cảm thấy căng thẳng nếu em bé của bạn chẳng hề tỏ ra thích hay hào hứng hay muốn vẽ/viết. Thêm nữa có 1 sự thật hiển nhiên và bạn cần chấp nhận là một vài em bé hứng thú với việc vẽ/viết và một vài em bé khác thì ngược lại.
  2. Vậy cần làm gì để có thể rèn luyện để củng cố khả năng vận động và điều khiển của các xương và cơ nhỏ cho các em bé từ 0-6 tuổi? Dưới đây là 1 vài hoạt động gợi ý cho các bạn nhỏ trước tuổi đi học giúp bổ trợ cho hoạt động viết sau này như:
  • Sơn, vẽ, tô màu
  • Chơi với đất nặn, đất set hoặc bột nặn
  • Xé và cắt
  • Dán
  • Chọc/Đục lỗ trên đồ vật (bạn hãy cho trẻ thử với tăm và giấy)
  • Chơi với đất (thường là chơi ngoài trời, trẻ dùng tay sử dụng các nguyên vật liệu như cuốc, xẻng nhỏ hoặc tay không để đào, xới, xúc, và xây dựng các mô hình trên đất)
  • Chơi với các khối (blocks) như legos chẳng hạn
  • Xâu hạt (cườm), xâu chuỗi (cắt ống hút thành những ống ngắn hoặc thậm chí là chỉ với sợi dây và mỳ ống)
  • Xếp tranh từ nhiều mảnh (puzzles)
  • Hoạt động bóp/vắt (với những vật có độ đàn hồi như bóng cao su, hoặc vắt nước trong miếng bọt biển hoặc ống bóp có 1 đầu bằng cao su hay dùng trong thí nghiệm)
  • Nhặt và ném bóng (sử dụng bóng với các kích cỡ khác nhau)
  • Chơi với đồ chơi (đây là lúc trẻ rèn luyện sự khéo léo trong việc dùng tay để cầm/nắm và di chuyển đồ chơi, nhất là những đồ chơi nhỏ như viên bi chẳng hạn)
  • Viết thư, mình rất thích chơi trò này, những bức vẽ kèm 1 vài ba chữ tự sáng tạo nên (nhưng đối với trẻ luôn có nghĩa nhé ^^) gửi đến bố mẹ, và ngược lại bố mẹ cũng tập lâu lâu viết thư cho con. Con sẽ nhờ mình đọc, sẽ tò mò về chữ viết, và cũng sẽ mong muốn được viết lại.

Từ những hoạt động trên đây, có thể thấy là để chuẩn bị cho việc dùng bút viết, làm quen chữ cái thì đâu nhất thiết phải ngồi viết chữ từ trang ngày theo trang nọ ở tuổi mầm non, đúng không. Ai cũng có ít nhất 12 năm đến 22 hay 30 năm để học, nhưng chỉ có 6 năm đầu đời để chơi thôi mà ^^, nên cứ để con học thông qua chơi. Người học vô thức, người dạy có (ý) thức là được, trẻ cũng chẳng biết được mình đang chơi hay đang học đâu. Điều quan trọng nhất là niềm vui và sự yêu thích cầm bút (để vẽ, tô, viết) sẽ giúp trẻ chủ động, tự giác hơn trong việc học sau này. Nhiều khi trẻ không thích (về tâm lý) và chưa sẵn sàng (sinh lý) mà ép thì trẻ cũng ngồi để hoàn thành nhưng lại mất đi niềm vui và sự yêu thích với cái mà trẻ đang làm. Chưa kể việc bắt ép này còn gây đến những hệ quả như:

  • Trẻ mầm non dễ nản với hoạt động viết vì để viết, uốn theo nét chữ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Càng bắt ép trẻ dần sẽ sợ giờ viết chữ/giờ học hơn.
  • Trẻ cũng mất đi sự tự giác trong việc học về sau, chỉ học khi có sự nhắc nhở.
  • Có thể gây ra những biến dạng về mặt sinh học đối với cơ thể trẻ (do cầm nắm sai, ngồi sai tư thế).

Khi trẻ sẵn sàng về mặt thể chất để viết thì chuyện cầm bút, điều khiển bút, viết đúng và đủ nét chữ (mình xin không bàn đến đẹp/xấu), ngồi đúng tư thế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc bị thúc ép khi con không muốn và chưa sẵn sàng cả về sinh lý và tâm lý.

Riêng với những em bé có hứng thú đặc biệt với viết chữ (mình biết có 1 số ít bé như vậy), thì cứ để tự nhiên, tạo tâm lý thoải mái, khích lệ và cung cấp nguyên vật liệu (bút, giấy) để trẻ tự do viết theo cách chúng muốn. Và với những em bé này, nếu bé muốn được hiểu ý nghĩa chữ/từ để viết thì không nên khước từ, mà nên đồng hành trong việc viết cùng con, hướng dẫn con cách viết, cách đọc, cách ghép các chữ tạo thành từ có nghĩa.

P/s:

  1. Bài viết gốc:
    https://www.facebook.com/PreschoolPowolPackets/photos/a.239631876110923/4438089092931826/
  2. Một số tài liệu tham khảo về chủ đề này:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4183063/
    https://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ916844.pdf
    https://www.researchgate.net/publication/343490198_Preschool_Children%27s_Interest_in_Early_Writing_Activities_and_Perceptions_of_Writing_Experience
    https://tigerprints.clemson.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1040&context=eugene_pubs
    https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09575146.2022.2087054?journalCode=ceye20

Nguồn: Tiến Sĩ Đinh Thị Thu Hằng mẹ Na-Gạo

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

KVBro - Nhịp sống Nhật Bản

Cám ơn các bạn đã ghé thăm trang web của KVBRO-Nhịp sống Nhật Bản. Xin vui lòng không đăng lại nội dung của trang web này nếu bạn chưa liên lạc với chúng tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

CAPTCHA