AI THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN AI?

Bài viết của Eric Schmidt, trùm Google, và Graham Allison, giáo sư Harvard.

*********

Đại dịch Covid-19 đã trở thành bài kiểm tra khả năng chịu đựng cho các quốc gia trên thế giới. Từ quản lý chuỗi cung ứng, năng lực hệ thống y tế đến cải cách công tác quản lý và biện pháp kích thích kinh tế, đại dịch này đã trừng phạt không thương tiếc các chính phủ mà không – hoặc không thể – thích nghi nhanh chóng.

Con vi-rút cũng đã vén bức màn của một trong những cuộc đua quan trọng nhất thế kỷ. Đó là sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vị thế độc tôn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Cảnh tượng đang diễn ra cần dấy lên hồi chuông báo cho người Mỹ. Trung Quốc không những đang ở quỹ đạo vượt qua Hoa Kỳ mà nước này đã vượt qua năng lực của Hoa Kỳ trong hầu hết các khía cạnh của AI.

Việc đa phần người người Mỹ cho rằng vị trí lãnh đạo của mình trong các công nghệ tiên tiến là rõ. Rất nhiều người trong cộng đồng an ninh quốc gia cũng cho rằng Trung Quốc không bao giờ khá hơn là một đối thủ cạnh tranh gần tầm của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã là đối thủ cạnh tranh toàn diện của Hoa Kỳ trên cả khía cạnh thương mại lẫn an ninh trong các ứng dụng AI. Trung Quốc không còn chỉ đang cố gắng làm chủ AI. Họ thực sự đang làm chủ AI.

Đại dịch đã giúp bộc lộ bài kiểm tra sớm về năng lực của mỗi nước trong việc ứng dụng AI diện rộng để đối phó với mối nguy an ninh quốc gia. Tại Hoa Kỳ, chính quyền của TT Trump nói rằng mình đã áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong cuộc chiến với con vi-rút. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu như việc áp dụng các công nghệ có ứng dụng AI [của Hoa Kỳ] chỉ là văn vở.

Chuyện trên không xảy ra tại Trung Quốc. Để ngăn ngừa sự phát tán vi-rút, Trung Quốc phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc nơi khoảng 60 triệu người sinh sống. Số người ở đây lớn hơn bất kỳ tiểu bang nào từ Maine đến Florida tại bờ Đông. Trung Quốc đã duy trì vòng đai cách ly (cordon sanitaire) khổng lồ này bằng việc sử dụng các thuật toán có sự trợ giúp của AI để theo dõi việc đi lại của công dân cùng lúc với việc đẩy mạnh việc xét nghiệm và xây mới các cơ sở điều trị y tế.

Dịch Covid-19 bùng phát cùng thời điểm với Tết nguyên đán, thời điểm có mức độ đi lại cao tại Trung Quốc. Tuy vậy, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã phản ứng rất nhanh chóng bằng việc cho ra đời các ứng dụng (app) có các đoạn mã về tình trạng sức khỏe để truy dấu đi lại của công dân cũng như quyết định xem ai đó có cần phải cách ly. AI lúc đó đã đóng vai trò then chốt trong việc giúp chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp cách ly và truy dấu tiếp xúc. Chính nhờ các tập dữ liệu lớn của mình, Bắc Kinh đã thành công còn Washington thì thất bại.

Trong thập kỷ trước, lợi thế của Trung Quốc trong các khía cạnh về kích cỡ, khả năng thu thập dữ liệu cùng quyết tâm chiến lược đã giúp nước này thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp AI. Thế mạnh của Trung Quốc bắt đầu với quy mô dân số 1,4 tỷ người (tức là nơi sẽ chứa lượng nhân tài không nước nào sánh được), thị trường nội địa lớn nhất và một khối lượng khổng lồ dữ liệu được thu thập bởi các công ty cũng như chính quyền trong một hệ thống luôn đặt vấn đề an ninh lên trước bí mật đời tư. Vì tài sản cơ bản của AI là số lượng lớn dữ liệu có chất lượng cao, Trung Quốc đã trở thành Ả Rập Xê-út của thế thỷ 21, sở hữu loại hàng hóa có giá trị nhất.

Trong bối cảnh của đợt dịch, năng lực và sự sẵn sàng áp dụng công nghệ cho các giá trị chiến lược đã tăng cường quyền lực cứng của Trung Quốc. Dù chúng ta có muốn hay không, các cuộc chiến tương lai sẽ do AI dẫn dắt. Nói như Joseph Dunford, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ vào năm 2018 là: “Ai có ưu thế cạnh tranh trong trí tuệ nhân tạo và khả năng chặn đứng các hệ thống do trí tuệ nhân tạo dẫn dắt rất có thể sẽ có ưu thế chiến thắng toàn diện!”

Liệu Trung Quốc mang định mệnh chiến thắng trong cuộc đua AI? Với số dân gấp 4 lần dân số Hoa Kỳ, không nghi ngờ rằng nước này có thị trường nội địa cho các ứng dụng AI cũng như lượng dữ liệu và nhà khoa học lớn nhất. Và vì chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm dành ưu tiên hàng đầu trong việc làm chủ AI, việc một số người bi quan cho [kết cục của] Hoa Kỳ là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ vẫn có thể cạnh tranh và chiến thắng trong lĩnh vực then chốt này, khi và chỉ khi người Mỹ thức tỉnh trước thách thức về AI. Việc đầu tiên [chúng ta] phải làm là nhận thức được rằng Hoa Kỳ đang đối mặt với một đối thủ nghiêm túc trong cuộc đua giúp định hình tương lai. Hoa Kỳ không thể hy vọng trở thành đối thủ lớn nhất nhưng có thể hy vọng trở thành đối thủ thông minh nhất. Trong công nghệ tiên tiến, người ta cho rằng những cá nhân giỏi nhất chiếm 0,00001% dân số sẽ quyết định sự khác biệt. Khi Trung Quốc có thể huy động cộng đồng 1,5 tỷ người nói tiếng Hoa, Hoa Kỳ có thể tuyển mộ và khích lệ các tài năng trong 7,7 tỷ người trên địa cầu bởi vì nước này có một xã hội mở và dân chủ.

Hơn nữa, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để Hoa Kỳ giữ ngôi đầu trong AI, chúng ta cũng phải thừa nhận sự hợp tác trong các lĩnh vực mà kể cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không thể dành được lợi ích quốc gia thiết yếu tối thiểu mà không cần sự giúp đỡ của nước kia. Lấy ví dụ như dịch Covid-19. Đại dịch này đe dọa lợi ích của tất cả các quốc gia và vấn đề không thể giải quyết bằng riêng Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Trong việc nghiên cứu và sản xuất đại trà vắc-xin, sự hợp tác trong chừng mực nhất định là thiết yếu. Điều này cũng đáng lưu tâm trong việc xác định xem liệu một nguyên tắc tương tự có thể áp dụng trong việc phát triển AI một cách không kiểm soát như hiện nay.

Ý tưởng rằng giữa các quốc gia có thể vừa cạnh tranh một cách tàn nhẫn vừa hợp tác một cách sâu rộng thoạt nhìn tưởng như mâu thuẫn. Nhưng trong giới kinh doanh, đây là điều bình thường như cân đường hộp sữa. Mặc dù Apple và Samsung là các đối thủ cạnh tranh quyết liệt trong thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, trên thực tế Samsung lại là nhà cung cấp các linh kiện iPhone lớn nhất cho Apple. Kể cả khi AI và các công nghệ tiên tiến nhất có thể gợi ý về kết cục kẻ thắng sẽ có tất trong cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia, sự đồng tồn tại vẫn có thể là một lựa chọn. Lựa chọn này có thể không thật dễ chịu nhưng nó còn dễ chịu hơn lựa chọn hai bên hủy diệt lẫn nhau.

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/…/china-versus-america-ai…

Lược dịch bởi: Luật sư Nguyễn Quốc Vinh

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản