LIỀU BOOSTER VACCINE COVID 19: TIÊM THẾ NÀO? HIỆU QUẢ RA SAO?
Dạo gần đây mình hay nhận được câu hỏi về liều tăng cường, cũng dễ hiểu, với tình hình dịch căng thẳng như hiện nay, cộng thêm nỗi lo về Omicron, việc tiêm liều tăng cường là cần thiết. Có điều, có quá nhiều loại vaccine, và mỗi người được tiêm khác nhau, hiệu quả tiêm sẽ thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố. Nghiên cứu lâm sàng về chủ đề này cũng ít, do ý niệm về liều booster mới có gần đây, bài viết này dựa trên các nghiên cứu lâm sàng mới nhất, giúp làm sáng tỏ một số vấn đề.
1 số từ viết tắt: Vaccine Astrazeneca = AZ, vaccine Pfizer-BionTech = BNT, Vaccine Moderna = Moderna, vaccine Janssen = Ad.26
Contents
1. Nếu bạn được tiêm 2 mũi vaccine đồng bộ ban đầu AZ/AZ hoặc BNT/BNT
Bạn may mắn, nghiên cứu của Munro đầu tháng 12 trên Lancet, là một nghiên cứu cực kỳ công phu cho thấy hiệu quả liều tăng cường (liều 3) cho tạo kháng thể đề kháng và tế bào cực lớn.
Liều tăng cường là BNT, Moderna, AZ, Ad.26 có thể là và 1 số vaccine khác (để giản lược không nhắc tới, nhưng Sputnik, Verocell và Sinopharm không có trong nghiên cứu!)
Chi tiết:
Nhóm 1: tiêm cơ bản 2 liều AZ/AZ cách nhau trung bình 65 – 75 ngày
Liều tăng cường: thời gian tiêm cách liều thứ 2: 75 ngày
Nhóm 2: tiêm cơ bản 2 liều BNT/BNT cách nhau trung bình 30 – 75 ngày
Liều tăng cường: thời gian tiêm cách liều thứ 2: khoảng 100 ngày
Hiệu quả: được đánh giá sau 28 ngày tiêm liều tăng cường (booster) cụ thể xem bảng 1
Nhóm 1:
Cơ bản: nếu người được tiêm 2 liều AZ/AZ có lượng kháng thể là X (X = 800 đơn vị kháng thể) cho người từ 30 – 70 tuổi; người trên 70 tuổi cũng có X đơn vị kháng thể
Liều tăng cường là AZ: hiệu quả tăng lên 3.5X (và cũng 3.5X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là Ad.26: hiệu quả tăng lên 7X (và cũng 7X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là BNT: hiệu quả tăng lên 27X (và 24X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là Moderna: hiệu quả tăng lên 44X (và 35X cho người >70 tuổi)
Đáng chú ý nếu liều tăng cường là một nữa liều lượng của BNT hiệu quả cũng tăng lên 21X!
Nhóm 2:
Người được tiêm 2 liều BNT/BNT có lượng kháng thể là 3.8X (và 2.5X cho người trên 70 tuổi). Tức theo nghiên cứu này hiệu quả tính theo kháng thể của vaccine Pfizer là gấp gần 4 lần vaccine AZ
Liều tăng cường là AZ: hiệu quả tăng lên 16X (và 16X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là Ad.26: 21X (và 38X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là BNT: 31X (và 37.5X cho người >70 tuổi)
Liều tăng cường là Moderna: hiệu quả tăng lên 55X (và 31X cho người >70 tuổi)
1 lần nữa, nếu chỉ cần boost với ½ liều bình thường của vaccine BNT là đã tăng hiệu quả lên 31X (và 25X cho người cao tuổi)
Hiệu quả với miễn dịch tế bào T cũng tăng lên tương tự.
Như vậy tới đây chúng ta có thể thấy combo tốt nhất là 2 liều cơ bản BNT/BNT và liều boost là Moderna. Tuy vaccine AZ/AZ cho hiệu quả nền thấp nhưng nếu được boost bằng các vaccine khác, lượng kháng thể sinh ra cũng rất lớn. Ngoài ra, điều đáng chú ý là chỉ cần ½ liều vaccine BNT (Pfizer) là đủ để tạo lượng kháng thể cực lớn, hơn cả full liều boost bằng vaccine Janssen hay AZ.
2. Nếu nhận 2 liều CoronaVac rồi boost với vaccine khác thì thế nào?
Nghiên cứu tuyên bố 2 kết quả khác biệt:
Vào tháng 8, tờ Nikkei Asia nói là người tiêm 2 mũi CoronaVac, thêm mũi CoronaVac thứ 3 có kháng thể bảo vệ tốt hơn tiêm liều tăng cường Pfizer
Tháng 9, cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ nói là người được booster với Pfizer sẽ tốt hơn CoronaVac
Tìm các nghiên cứu về mix and match của CoronaVac đỏ cả con mắt. Đặc biệt là các nghiên cứu lâm sàng so sánh với vaccine Âu Mỹ. Tuy nhiên khi mình chỉ tìm về vaccine TQ thì có 1 số kết quả thú vị như sau
3. Tiêm CoronaVac và boost cũng bằng CoronaVac
Hiệu quả không tích cực lắm, tuy vẫn nhận được lợi ích từ liều bổ sung
Lịch trình tích cực nhất là Co/Co: 2 liều cơ bản cách nhau 28 ngày, liều bổ sung cách 2 tháng hoặc 8 tháng, hiệu quả tăng lên 4 – 6 lần sau liều bổ sung.
Tuy nhiên lượng kháng thể trung hoà từ vaccine CoronaVac tạo ra là (GMT = 50 – 200 đơn vị)
Mình ghét khi so sánh các nghiên cứu khác nhau vì có nhiều sự khác biệt về thiết kế, tuy nhiên, để có 1 cái nhìn tạm thời, người nhận được liều BNT/BNT và bổ sung bằng BNT có lượng kháng thể trung hoà GMT tới 4600, còn kể cả khi không có liều bổ sung thì GMT của họ đã là 756 (Bảng 2)
Tóm lại, chuyện vaccine CoronaVac (hay Sinopharm) hiệu quả kém hơn vaccine Pfizer/Moderna đã rành rành rồi. Câu chuyện là chúng ta nên boost vaccine nào để có hiệu quả bảo vệ tốt hơn và thời gian tiêm là gì. Dựa trên các data trên, việc BYT đề xuất tiêm liều bổ sung cách 3 tháng không phải là không có lý. Tuy nhiên nếu được nên chọn/ưu tiên vaccine Pfizer/Moderna cho người có nhu cầu (cao tuổi, suy giảm miễn dịch hoặc người lỡ trúng độc đắc CoronaVac ở 2 liều đầu). Một kết quả đáng chú ý là chỉ cần ½ liều Pfizer bình thường đã có hiệu quả boosting rất lớn!
Còn về Omicron thì mọi người chịu khó đọc lại các bài viết/nghiên cứu trước đây của mình nhé.
Tác giả: Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Đức Hùng
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.
Đánh giá bài viết: