LÝ DO NHẬT KHÔNG LOCKDOWN VÀ CUỘC SỐNG TRONG ĐẠI DỊCH
Hôm qua Tokyo có số người nhiễm trên 3000 (tỉ lệ xét nghiệm ra dương tính khoảng gần 17%. Có nghĩa là xét nghiệm 100 người nghi nhiễm, tiếp xúc gần thì có 17 người bị nhiễm). Số ca nhiễm tăng sớm hơn dự đoán của các bác sĩ mà mình theo dõi trên Twitter. Tuần trước mình nghe các bác nói chắc tháng 8 sẽ tăng lên 3000 và tăng dần lên có khi 5000 chăng?!
Tình hình này kéo dài sẽ khiến tình trạng quá tải y tế xảy ra, đội cấp cứu sẽ khó tìm được bệnh viện tiếp nhận, số ca điều trị trường hợp khá nặng đến nặng tăng thì số giường và cả nhân lực điều trị sẽ thiếu, dẫn đến số tử vong sẽ tăng.
Các bệnh viện điều trị, chữa trị các bệnh khác cũng bị ảnh hưởng cần phải trì hoãn lịch mổ, nhập viện…
Tình trạng khá nặng ở đây theo thông tin bác sĩ điều trị ở các bệnh viện đang chữa bệnh nhân Covid thì là: những người chức năng hô hấp bị giảm, cần phải trợ thở. Tình trạng nặng là: Không có khả năng tự thở, tình trạng khá nguy kịch.
Nhìn dữ liệu thống kê số tuổi bệnh nhân có thể cảm nhận rõ là số người già trên 65 đã giảm rõ rệt. Như vậy, hiệu quả vắc xin quá rõ ràng nên mình nghĩ chìa khóa để không bị quá tải y tế, để có thể quay trở lại cuộc sống bình thường chắc chỉ có vắc xin thôi.
Số liệu các nước khác không rõ nhưng số liệu ở Nhật cho thấy số người bị trở nặng ở độ tuổi 40, 50 tăng hẳn so với các đợt sóng trước (chắc do chủng Delta).
Tỉ lệ người trẻ chưa chích ngừa vẫn còn khá cao—> hi vọng tỉ lệ này tăng tốc dần để sớm vượt qua các đợt sóng sắp tới một cách nhẹ nhàng hơn.
(Mỗi ngày chích trên dưới 1 triệu liều nhưng xem ra cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng.
※Y tế ở Nhât có chuẩn khá cao khi xét về điều kiện phòng ốc, vệ sinh, ăn uống, khả năng tiếp cận y tế dễ dàng..trước giờ. Khi mà không thực hiện được theo chuẩn đó tức là quá tải y tế.
Nên mình nghĩ nếu ở Nhật xảy ra tình trạng quá tải y tế thì nó cũng không đến nỗi quá bi đát như nhiều nơi (là do mình nhìn vào phòng ốc, hình ảnh điều trị covid đó giờ mà lạc quan đánh giá nha 🙂 )
Contents
Lý do không lockdown
Nhật khác hẳn tất cả các nước khác ở cách chống dịch là:
1) Nhật không có luật hạn chế được nhân quyền, tư quyền mạnh mẽ.
Luật áp dụng cho đợt chống dịch này là dựa trên luật 新型インフルエンザ対策の特別措置法 (Các biện pháp đặc biệt chống cúm dạng mới ban hành năm 2102), luật này được sửa đổi vào năm ngoái để cho phép thủ tướng ban bố lệnh khẩn cấp.
Yếu tố xem xét để ban bố lệnh khẩn cấp là 2 yếu tố: 1 là dịch bệnh có khả năng gây nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Và tiếp theo số 2 là tính lan rộng mạnh trên toàn quốc gây ảnh hưởng mạnh đến đời sống, kinh tế của người dân.
Thủ tướng chỉ có thể ban bố lệnh tình huống khẩn cấp khi thỏa 2 điều kiện trên.
Thủ tướng có thể chỉ định vùng, khu vực để ban bố lệnh này.
Thống đốc/thị trưởng của từng vùng sẽ dựa trên lệnh ban bố này mà sẽ yêu cầu dân/tổ chức hợp tác hạn chế việc đi lại.
Điểm lưu ý là KHÔNG THỂ CẤM HAY PHẠT cá nhân di chuyển.
Chính quyền/địa phương có thể yêu cầu tạm đóng hay rút ngắn thời gian kinh doanh ở các nơi mà tập trung nhiều người hay tạm dừng các sự kiện có nhiều người tham gia như trường học, các khu mua sắm phức hợp.
Chỉ yêu cầu, ban chỉ thị nhờ hợp tác làm nếu không làm cũng không có qui chế phạt gì hết.
Điểm có thể làm mạnh nhất ở luật có lẽ là có thể trưng dụng đất hay các cơ sở/nhà cửa/tòa nhà nào đó để xây dựng các trạm y tế tạm thời mà không cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Có thể yêu cầu các công ty vận chuyển vận chuyển trang thiết bị y tế hoặc có thể trưng thu thuốc/thiết bị y tế khi khẩn cấp.
Tuy là chỉ có thể làm được vậy thôi nhưng Nhật cho rằng việc trao cho chính quyền khả năng hạn chế tư quyền là điều rất nghiêm trọng nên có rất nhiều yếu tố phụ kèm để xem xét việc ban bố này.
Cái mình thấy quan trọng nhất là phải dựa theo ý kiến chuyên gia, thông tin khoa học minh bạch ở bên thứ 3. Đây có lẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ việc cách li người bị bệnh phong ở quá khứ chăng (bài trước lâu rồi mình đã đề cập)
Chính vì vậy mà trong đợt chống dịch này Nhật có ban chuyên gia tư vấn (分科会)và trong bất cứ cuộc họp báo nào của chính phủ cũng đều có sự tham gia của các bác chuyên gia chăng?!
(Bác Omi, người xuất hiện truyền thông nhiều nhất, có vị trí quan trọng trong ban này mình thấy thường xuyên bị chất vấn ở quốc hội về các quyết định của chính phủ
Toàn bộ dữ liệu của cuộc họp khi bàn việc ban bố thông tin khẩn cấp này ở phải được ghi lại, có dữ liệu lưu lại rõ ràng.
Phải giải thích cho dân, tạo điều kiện hỗ trợ/giúp đỡ cho dân bị ảnh hưởng từ lệnh ban bố này khi trường học, nhà trẻ, công việc bị ngừng lại.
Tất cả các phụ lục kèm theo đều yêu cầu là phải làm sao để hạn chế tối đa việc giới hạn tư quyền và sự tự do của người dân.
Mọi cuộc họp chính phủ phải được ghi lại, tất cả các quyết định của chính phủ trong việc hạn chế, yêu cầu gì đó đều phải giải thích cho dân biết lý do tại sao quyết định như thế (theo mình thấy là chính phủ đều dùng dữ liệu bên chuyên gia đưa ra)
Đợt rồi, Bộ trưởng phục hồi kinh tế (Kiêm phụ trách phòng chống Covid) Nishimura bị phê phán rất mạnh vì bác đã định đề nghị các ngân hàng/cơ quan tín dụng hợp tác kêu gọi các nơi bán rượu không bán rượu trong thời gian ban bố tình hình khẩn cấp.
Lý do vì theo dữ liệu điều tra tỉ lệ nhiễm ở các quán ăn khi có uống rượu bia (đại khái là thức uống có cồn) tăng gấp 4 lần ở các quán ăn không có bán rượu bia (Chắc là rượu vào lời ra, nói nhiều mà nói lớn tiếng nên làm tăng rủi ro cao)
Chính phủ sau khi đã tung hết cách để chống dịch trên nền tảng luật hiện tại, ở thế vừa phải cân bằng chống dịch lẫn duy trì kinh tế nên chắc cũng bị áp lực nhiều.
Bác Nishimura vừa mới nhen nhóm loa loa kế hoạch đó trên Twitter hôm trước thì hôm sau media làm rùm beng.
Hàng loạt bài cho rằng chính quyền hành xử như mafia 🙂 kết hợp ngân hàng để dọa doanh nghiệp.
Cũng có luật sư lên phân tích là yêu cầu đó không có tính cưỡng chế gì cả nên lơ đi cũng được 🙂
Rút cuộc, vụ ầm ĩ đó cũng qua sau khi bác Nishimura lên xin lỗi, thủ tướng Suga cũng lên trần tình và rút luôn kế hoạch đó.
(Mình khá thích bác Nishimura nên hồi đọc trận mưa còm chửi bác mình thấy tội ghê)
2) Vì không có luật hạn chế nào hết nên cuộc sống ở Nhật rất…rất ít bị đảo lộn (là mình so với các nước phát triển bị lockdown mạnh nha)
Do luật như trên nên hầu hết các hoạt động cơ bản cả về sức khỏe tinh thần, ăn uống, vui chơi ở Nhật tuy có bị hạn chế ít nhiều so với trước nhưng nhìn chung nó vẫn diễn ra khá bình thường. Khi đi ra ngoài cái khác nhất mà mình cảm nhận chỉ là hiện tượng 100% đeo mask 🙂
Trẻ con vẫn đi học (chỉ nghỉ một đoạn ngắn hồi năm ngoái thôi) chứ thi cử, câu lạc bộ thể thao đầy đủ. Lý do cho đi học là vì các chuyên gia phân tích rủi ro thì thấy tỉ lệ biến chứng nặng ở trẻ em cực kỳ thấp, gần như là 0 trong khi việc bắt trẻ con ở nhà thì cũng chưa hẳn là tốt cho giai đoạn đang lớn, cần vận động, tinh thần cũng khỏe khoắn thì mới sống khỏe được. Với lại, con virus này nó không biến mất hết, dẫu gì cũng phải sống chung với nó nên vừa phòng chống lây nhiễm vừa sống tiếp thôi.
Chỉ làm sao giữ mức không bị quá tải y tế và cầm cự tới khi tiêm xong vắc xin hay có thuốc điều trị để nhìn nhận nó như là cúm mùa hàng năm.
Chính vì vậy mà đến giờ Nhật cứ dập dình ca nhiễm liên tục như hình sin.
Đợt này là đợt sóng thứ 5, được dự đoán là sóng cao nhất hơn tất cả các sóng khác. Tuy nhiên, chắc bà con quá quen với việc ban bố lệnh khẩn cấp rồi, giới trẻ 20-50 tuổi cũng chưa cảm nhận rủi ro nhiều nên giờ đường phố, tàu điện vẫn đông đúc xém hay gần như xưa 🙂
Bà con vẫn đi biểu tình ầm ầm phản đối Olympic.
Chưa kể dân chủ quá nên cũng có hội anti mask, đi biểu tình không đeo mask khắp nơi nữa. Tình hình này, với chủng Delta mới mình nghĩ chắc tháng 8 Nhật sẽ tăng khủng hơn nữa.
Vượt qua đại dịch
Tuy là vậy, mình vẫn có niềm tin và lạc quan rất lớn là Nhật sẽ vượt qua như các đợt dịch trước.
Lý do là:
Các địa phương tự trị, các cơ quan chức năng tất tần tật gồm bộ, phòng ban lớn nhỏ…từ trên xuống dưới xưa giờ làm việc khá hiệu quả theo chức năng của họ.
Tức bộ phận nào làm tròn công việc của bộ phận đó. Bệnh viện làm hết sức của bệnh viện, bên vận chuyển làm hết sức của nghiệp vụ vận chuyển, bên thực phẩm, cung ứng cũng vậy. Bên giáo dục thì thầy cô luôn cố gắng hết sức để cho học sinh của mình không cảm thấy stress, luôn cố gắng để thực hiện các event cho học sinh tham gia để học sinh không bị tước mất đi các kỉ niệm, cảm thấy bị thiệt thòi. Để làm được điều đó thầy cô rất vất vả trong việc phòng chống lây lan nhưng họ vẫn làm và làm rất hiệu quả. Bằng chứng là rất ít các trường hợp nhiễm xảy ra từ trường học. Hầu hết là học sinh bị lây từ gia đình thôi. Trường con mình đã có 2 ca nhiễm nhưng có lẽ do lây từ gia đình nên trường con mình cũng không có cluster nào hết. Cho nên, dù có dịch nhưng mọi chất lượng dịch vụ đó giờ hầu như không hề thay đổi. Nhà mình vẫn đi nha sĩ lấy cao răng, đi khám tất tần tật mọi thứ bình thường, vẫn đi khám sức khỏe như trước giờ.
Có lẽ, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người nhập viện, đang điều trị chăng?! Trước giờ việc đi thăm trong bệnh viện không hạn chế gì nhưng giờ là bị cắt gần hết, hoặc giới hạn cực kỳ khắt khe.
Trong đợt dịch này chỉ tội trường hợp sinh đẻ, hay nhập viện mà không được gặp người thân.
Giới ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất thì giống nhau ở khắp thế giới là kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, du lịch và các ngành nghê cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Giới cực nhất vẫn là các nhân viên liên quan y tế, đội ngũ y bác sĩ. Bên công chức địa phương cũng rất cực vì truy vết, sắp xếp chỗ cách li, tư vấn các câu hỏi, hướng dẫn chỗ khám… nghe nói quá tải và có người ngủ rất ít luôn.
Mình rất phục tinh thần 工夫 (Kufuu-Không tìm được từ nào dịch cho chuẩn đúng ý cả. Từ này mang ý nghĩa là mày mò tìm ra điểm mới để giải quyết vấn đề trước mắt cho tốt nhất) của người Nhật. Có lẽ đó là đặc tính của dân tộc sống ở nơi nhiều thiên tai, phải kufuu thì mới sống tốt được chăng?! Trong dịch này mọi cái đều được họ khéo léo, cẩn thận và rất thận trọng giải quyết (điểm bất lợi là vì tính đó sẽ gây chậm trễ hơn các nước khác)
Hệ thống hành chính tuy là chia theo khu tự trị nhưng có sự đồng bộ và liên kết với nhau khá tốt. Trung ương dựa theo ý kiến chuyên gia—> soạn guideline cho từng ngành dựa trên đặc thù của từng ngành—-> các ngành lại thông báo trong nội bộ cực nhanh. Bên dưới cứ theo guidline/manual đó mà làm. Khi hữu sự họ liên kết với nhau, học tập, cải thiện cùng tiến rất hiệu quả. Chính vì vậy mà mới có hiện tượng là cứ ngỡ mỗi ngày tiêm vắc xin cao lắm là 1tr2 nhưng rút cuộc là nơi nào cũng muốn làm hết sức để bảo vệ dân mình thành ra số lượng tiêm vắc xin vượt ngoài mong đợi—-> thiếu vắc xin.
2 bác bộ trưởng trọng trách trong đợt dịch này là Kono và Nishimura mình cũng ấn tượng khá tốt là cả 2 bác đều rất chịu khó học hỏi, tham vấn ý kiến chuyên gia ở lĩnh vực mà mình đang phụ trách. Tự lên SNS kêu gọi phòng chống lây lan, tuyên truyền lợi ích của vắc xin, phản bác tin đồn, tin thất thiệt rất nhanh lẹ.
Lan man ngoài lề tí là mình rất mong có ngày bác Kono lên làm thủ tướng. Đảng Dân Chủ Tự Do vẫn quá mạnh so với các đảng đối lập khác. Qua đại dịch này thấy các đảng đối lập lèo tèo, ít người tài quá đi.
Bài viết này, mình ghi để sau này đại dịch qua hết, đọc ngẫm lại coi Nhật đã vượt dịch thế nào ha.
☛Trước mắt, những người chưa chích vắc xin dù tuổi 40-50 hay trẻ hơn cũng nên cẩn thận đừng để bị dính nha, vừa bị cách li mệt hổng đi ra ngoài được mà rủi biến chứng nặng cũng mệt lắm á.
Tác giả: Chị Thanh Tuyền (Chiba, Nhật Bản)
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.
Đánh giá bài viết: