KINH NGHIỆM CHỌN BỆNH VIỆN SINH CON TẠI NHẬT

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Chuyện chọn nơi để khám thai và nơi đẻ tưởng dễ nhưng thật ra nếu không chọn cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm khi sinh con, nhất là các mẹ sinh lần đầu. Mình chia sẻ kinh nghiệm chọn bệnh viện để sinh con của mình để các mẹ ở Nhật tham khảo nhé.

Contents

Những quan niệm thông thường khi chọn chỗ sinh đẻ

Hồi trước khi đẻ mình cũng suy nghĩ chung chung thế này:
☆Chọn chỗ càng gần nhà càng tốt
☆Cứ bệnh viện lớn, đa khoa là tốt
☆Nhật dân số giảm, thiếu gì chỗ đẻ nên cứ chọn từ từ

Nhưng khi mang thai rồi thì mới thấy thật ra không đơn giản như vậy. Để chọn nơi phù hợp với mình thì cần bỏ chút công tìm hiểu kĩ một chút. Cụ thể là sau khi sinh bé đầu mình thấy thế này.
☆Chọn được chỗ gần là tốt, nhưng không cần giới hạn phạm vi quá hẹp. Xa nhất là trong phạm vi đi ô tô 1 tiếng đến nơi là được.
☆Bệnh viện lớn thì yên tâm về mặt chuyên môn và thiết bị chứ chưa chắc đã có trải nghiệm sau sinh tốt nhất.
☆Sau khi khám xác định được tim thai thì nên tìm và đặt chỗ trong viện càng sớm càng tốt. Các bệnh viện tốt và được yêu thích thì thường kín chỗ rất nhanh. (Đây là kinh nghiệm của mình ở Tokyo, các mẹ ở vùng khác thì có thể khác đôi chút)

Khoảng cách từ nhà đến bệnh viện

Tất nhiên nếu gần nhà bạn có bệnh viện tốt thì không gì bằng, nhưng nếu chọn chỉ vì nó gần nhà nhất thì mình thấy không cần thiết. Vì có mẹ nào lên cơn đau đẻ mà đi bộ vào bệnh viện đâu, mọi người chủ yếu đi bằng ô tô hoặc taxi. Mà từ lúc bắt đầu đau đến lúc đẻ thường tg rất dài, đến bệnh viện sớm mấy chục phút cũng không khác nhau là mấy. Mình đọc trên mạng thấy các mẹ nhật chọn chỗ đẻ trong bán kính đi ô tô 1 tiếng đi từ nhà. Mở rộng phạm vi để có nhiều ứng cử viên hơn, dễ tìm được bệnh viện ưng ý hơn.

Tuy nhiên đối với các bệnh viện yêu cầu khám ở đấy thì mới cho đẻ thì nên chọn chỗ nào không quá xa, có thể đi tàu để đi khám được.

Mình thì khám và đẻ đều ở bệnh viện quận bên cạnh, đi tàu 35 phút, đi taxi 20 phút vì gần nhà mình không có chỗ nào cảm thấy ưng ý cả. Mình vào viện trước nhưng đau đẻ lâu nên bảo chồng về nghỉ, bắt đầu vỡ nước ối giữa đêm mới gọi điện mà chồng đến vẫn kịp.

Quy mô bệnh viện có quá quan trọng không?

Theo mình thì KHÔNG
Ở Nhật có mấy loại cơ sở y tế liên quan đến sinh đẻ như sau:
(1) 総合病院 (そうごうびょういん): bệnh viện lớn đa khoa, cả khám và đỡ đẻ được, có chuyên môn y tế và thiết bị nhiều.
(2) 産婦人科病院 (さんふじんかびょういん): bệnh viện nhỏ, thường là tư nhân, cả khám và đỡ đẻ được. (Thường có liên kết với bệnh viện lớn khi có trường hợp khẩn cấp)
(3) 産婦人科クリニック(分娩なし)(さんふじんかくりにっく・ぶんべんなし): phòng khám sản khoa, chỉ khám chứ không có dịch vụ sinh đẻ.
(4) 助産院 (じょさんいん): nhà hộ sinh, chỉ đỡ đẻ không khám, không có bác sĩ chuyên khoa nên chỉ dành cho các sản phụ đẻ thường, không quá ngày dự sinh và không có bệnh gì.
Các mẹ người nước ngoài ở Nhật thì thường chọn bệnh viện đa khoa lớn 総合病院 hoặc bệnh viện chuyên khoa sản 産婦人科病院, bởi mọi người thường nghĩ cứ vào bệnh viện đa khoa lớn thì tốt nhất, nhưng mình nghĩ chưa chắc là vậy.

+Ưu điểm của bệnh viện lớn: có nhiều thiết bị tốt, lượng bác sĩ trực đêm cũng nhiều, có vấn đề gì sẽ ứng phó nhanh hơn. – Nhược điểm của bệnh viện lớn: vì nhiều bệnh nhân nên các y tá rất bận, hỗ trợ sau sinh không chu đáo.

Trong suốt quá trình mang thai cả mẹ và con đều khỏe mạnh phát triển tốt và mình thì khá coi trọng trải nghiệm đẻ, vì mình muốn việc sinh con và thời gian nằm viện được chăm sóc kĩ một chút, nên mình đã không chọn bệnh viện lớn. Với lại bệnh viện nhỏ họ thường có liên kết với bệnh viện lớn gần đấy nên có vấn đề gì không xử lý được là họ chuyển lên bệnh viện lớn ngay.

Vậy ngoài quy mô bệnh viện cần xem xét những yếu tố nào?

+ Đẻ đau bình thường hay có dịch vụ đẻ không đau(無痛分娩)
+ Sau khi đẻ mẹ ở chung phòng với con(母子同室) hay khác phòng (母子別室)
+ Các y tá có thân thiện và nhanh nhẹn hay không
+ Bệnh viện có sạch sẽ không, đồ ăn có ngon không
+ Đánh giá của những người từng đẻ ở đấy có tốt không
+ Bệnh viện coi trọng nuôi con bằng sữa mẹ tuyệt đối hay thêm sữa bột cũng được

Khó có bệnh viện nào đáp ứng hết được nên cần chọn ra mục nào mình ưu tiên nhất. Cái này thì tùy mỗi người, mình thì muốn đẻ đau một lần cho biết ^^ nên không chọn đẻ không đau. Bù lại muốn sau khi sinh mẹ được nghỉ ngơi nên chọn bệnh viện cho con ở khác phòng, lúc mẹ mệt thì các y tá ở bệnh viện sẽ cho con ăn sữa bột để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Chắc nhiều bạn không giống mình, muốn đẻ ra là được cạnh con 24h/24h luôn nhỉ. Mình thì lúc nào cũng quan niệm mẹ phải khỏe thì con mới khỏe, về nhà rồi kiểu gì cũng được ở cạnh con 24h/24h thôi nên lúc ở viện tự cho mình ưu tiên thời gian nghỉ để phục hồi sức khỏe. Em bé ở khác phòng mẹ nhưng cứ 3 tiếng là đi cho bú một lần nên không sợ con không được ôm ấp, mà đêm các cô cho ăn sữa bột nên mẹ được ngủ giấc dài, mau chóng bình phục và sữa lại về nhanh hơn.

Bệnh viện của mình đẻ tuy không lớn nhưng khá ấm cúng, các y tá cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn bú và chăm sóc cho mẹ. Sinh xong trong người mệt mỏi, tinh thần thì lên lên xuống xuống lại mau nước mắt nên có các cô ý nói chuyện động viên mình thấy nhẹ đi nhiều.

Mình nghe nói các bệnh viện lớn thường đông nên chủ yếu là con ở chung phòng mẹ, các y tá cũng bận nên không dành nhiều thời gian chăm sóc cho từng bệnh nhân được, nên mẹ nào muốn được bao bọc sau sinh thì có lẽ chọn bệnh viện tư cũng tốt mà.

Thời điểm chọn nơi sinh

Như mình đã nói ở trên, bạn nên chọn bệnh viện sinh càng sớm càng tốt. Vì những bệnh viện tốt có tiếng thường kín chỗ rất nhanh. Muộn nhất thì đến tuần thứ 20 là nên quyết định chỗ đẻ rồi.

Mình đi khám lần đầu lúc phát hiện có thai 5 tuần, ngay trong hôm đó hỏi bệnh viện chỗ mình khám thì họ đã bảo kín chỗ rồi. Sau đó mình gọi điện đến vài nơi xung quanh thì cũng kín. Thế mà bảo là nhật dân số giảm, ở đâu ra mà lắm trẻ con thế! Thường những bệnh viện lớn thì nhiều chỗ hơn và không từ chối, nhưng các bệnh viện nhỏ hơn thì kín chỗ cũng nhanh nên mọi người tìm hiểu thông tin sớm nhé.

Trình tự chọn viện của mình thế này

①Lên danh sách các bệnh viện có thể di chuyển ô tô trong bán kính một tiếng.
②Vào trang web của bệnh viện tìm hiểu thông tin chi tiết (Vào trang web woman-sp.benesse đọc review của các mẹ Nhật nếu bạn biết tiếng Nhật)
③Chọn một vài viện ưng ý nhất rồi đến đấy thử để xem khoảng cách đi khám có quá xa không, bệnh viện có sạch đẹp không, y tá có nhanh nhẹn thân thiện không.

❤Mình sau khi sinh cũng rất mãn nguyện với bệnh viện chỗ mình. Sau này có sinh đứa nữa vẫn muốn đến sinh ở đấy ^^ Mình nghĩ không có mẫu số chung thế nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, quan trọng là chọn chỗ phù hợp nhất với nguyện vọng của bản thân mình thôi.

Nguồn: Chia sẻ của mẹ Lê Ngọc Huyền tại Nhật Bản

CHÚ Ý: nếu trong quá trình thai kỳ của bạn bác sĩ nói mẹ và con có chút vấn đề hay bạn có tiền sử bị bệnh nào đó (bệnh tim, bệnh máu khó đông, hen xuyễn…) thì bạn nên chọn bệnh viện lớn 総合病院 hoặc bệnh viện trực thuộc đại học 大学附属病院 nơi có NICU (chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt) đẻ đảm bảo cho cả mẹ và con được an toàn. Ngoài ra, nếu bạn sinh bé thứ 2, bé đầu khi sinh bạn có vấn đề hoặc không thuận lợi khi sinh như khó đẻ, phải mổ cấp cứu thì khi sinh bé thú 2 mình cũng khuyên bạn nên chọn viện có NICU nhé. CHÚC CÁC BẠN MẸ TRÒN CON VUÔNG!!!

KHÁM SẢN PHỤ KHOA TẠI NHẬT BẢN

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (8 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản