CHỌN YOCHIEN HAY HOIKUEN? PHẦN 3 – THẾ NÀO LÀ KODOMOEN?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Tiếp theo chuỗi bài viết về nên chọn yochien hay hoikuen, KVBro xin chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình có con từng học ở cả mô hình yochien và hoikuen, đồng thời cung cấp thông tin về mô hình kodomoen mà con mình từng học. Trường hợp của mình là xin chuyển từ yochien (kodomoen) sang hoikuen do chuyển nhà và mình là mẹ làm việc toàn thời gian.

✨✨✨✨✨✨✨

Contents

XIN TRƯỜNG CHO CON VÀ THẾ NÀO LÀ KODOMOEN?

Xin trường cho con

Trước tiên là xin trình bày về hoàn cảnh của bé nhà mình – được sinh ra lớn lên ở Việt Nam đến gần 5 tuổi mới sang Nhật. Chuyện xin trường cho bạn ấy nói thật là cũng khá tốn thời gian. Dù tìm hiểu trước ở Việt Nam rồi và cũng hỏi thăm một số típ để được ưu tiên kiểu như kê khai mẹ đơn thân có việc làm (vì ba chưa sang được), nhưng vì tình trạng thiếu trường học ở Tokyo và nguyên tắc nên cũng chẳng được ưu tiên gì. Một tháng rưỡi sau khi hai mẹ con qua Nhật, bạn Ken mới được đi học – chính thức là ngày 02 tháng 11.
Lúc hai mẹ con sang cũng là giai đoạn ba không ở Nhật, nên mẹ với vốn tiếng Nhật quên gần hết dẫn con đi đăng ký trường. Theo tìm hiểu trước đó qua các anh chị Việt Nam bên này và nói chuyện với cô ở Quận thì có hai mô hình như sau:
– Yochien: giữ trẻ từ 3 tuổi trở lên cho đến trước khi vào cấp 1. Mỗi ngày giữ tầm 4 tiếng. Mô hình này thì chỉ các mẹ không đi làm mới gửi được, mà các mẹ không đi làm cũng chỉ được gửi mô hình này, trừ khi gửi vào trường quốc tế hoặc trường tư. Với mô hình này thì sẽ có chương trình học được Bộ Giáo dục phê duyệt, và các bé được học nhiều hơn chăm sóc. Đối với các môn ngoại khóa như đàn, vẽ… có thể Nhà trường sẽ mời giáo viên bên ngoài chuyên về môn đó dạy, chứ không phải giáo viên giữ trẻ dạy. Các bé sẽ được mặc đồng phục, và tập nếp sinh hoạt tốt để chuẩn bị vào cấp 1. Có ý kiến còn bảo các nhà khá giả bên Nhật thì con toàn học Yochien.
– Hoikuen: giữ trẻ khoảng 11 tiếng/ngày từ khi mới sinh đến tuổi đi học cấp 1. Mô hình này được các mẹ đi làm ưa chuộng. Dù nghe nói mô hình này thì các bé được chăm sóc, trông coi nhiều hơn là học, các bé mặc thường phục; nhưng rõ ràng các mẹ đi làm thì không có lựa chọn nào khác cả.
Với tình hình của mình thì ban đầu mình cũng nghĩ là Hoikuen thôi, Yochien vượt quá tầm với; nên lúc vào Quận thì mình đăng ký Hoikuen. Cô nhân viên ở Quận đưa cho mình tờ danh sách các trường còn chỗ trống, mình nhắm một trường Hoikuen và một trường gọi là KODOMOEN.
Vấn đề là ở thời điểm này mình không biết KODOMOEN là kiểu gì, có giữ thêm giờ nếu mình đi làm về muộn không đón con được không. Cô nhân viên giải thích KODOMOEN bao gồm cả yochien và hoikuen (bao gồm là thế nào? một lớp yochien riêng và một lớp hoikuen riêng???), và đặc biệt nhấn mạnh rằng thì là trường này chắc phải đóng thêm nhiều khoản phí đấy, đắt hơn là ở Hoikuen. Nên lần đầu tiên đến mình chọn vị trí số 1 là Hoikuen và vị trí số 2 là Kodomoen.
Sau khi về nhà thì mình bắt đầu chiến dịch hỏi han thì hầu hết các mẹ mình quen đều đi làm nên con học Hoikuen, cũng không rõ Kodomoen là thế nào; mình bắt đầu chuyển qua tìm hiểu bằng tiếng Anh trên internet thì lơ mơ hiểu có thể Kodomoen là mô hình mới của Nhật – nghĩa là Yochien kéo dài giờ giữ trẻ cho các mẹ đi làm. Lý do hiểu lơ mơ là vì bài viết bằng tiếng Anh dùng thuật ngữ tiếng Anh: kindergarten/day care và intergration of kindergarten and day care. Theo bài viết này thì (i) tình trạng các trường Kindergarten đóng cửa và bị giảm lượng trẻ gửi do tỷ lệ sinh thấp và (ii) tình trạng các bố mẹ đều đi làm không xin con được vào các trường Day Care do thiếu trường Day Care, dẫn đến việc Chính phủ Nhật đưa ra giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các trường Kindergarten để các trường này vừa có thể nhận trẻ có mẹ đi làm và trẻ mẹ không đi làm. Mà nghĩ lại mấy hôm ấy tìm hiểu cũng khổ lắm vì nhà không có internet, điện thoại chưa đăng ký được, muốn lên mạng hay liên lạc với ai cũng khó.
Sau khi đọc bài viết này xong thì mình lên Quận lần nữa để hỏi thăm, lần này gặp cô nhân viên khác, cô ấy giải thích kỹ hơn rằng thì là với KODOMOEN buổi sáng đến 1 giờ thì học như yochien, và buổi chiều thì được giữ như Hoikuen. Trường có cả giữ thêm giờ nếu mẹ về trễ. Giờ bình thường mình đăng ký là 6 giờ tối, và cô ấy nói là có thể giữ muộn hơn, nhưng không chắc đến mấy giờ. Đối với mình như vậy là quá ok rồi, nên mình duyệt đổi KODOMOEN lên vị trí đăng ký thứ 1. Tuy nhiên, cũng chưa chắc mình được vào vì với độ tuổi của con mình chỉ còn 1 chỗ trống, nếu có người khác đăng ký mà điểm của người đó hơn mình thì mình bị out xuống nguyện vọng 2.
Sau một tháng chờ đợi thì cũng được thông báo bạn nhỏ được vào KODOMOEN rồi, phải nói là mẹ cũng phấn khởi vì con được đi học. Hôm đầu tiên hẹn gặp là thứ 7 đến trường để đăng ký đồng phục. Sau khi đo đạc thì mẹ đau lòng nhận tờ hóa đơn đồng phục của con bao gồm 1 áo khoác mùa đông, 1 bộ đồ vest (áo vest và quần sọt), một nón, một ba lô, 2 áo sơ mi, 2 áo tạp dề – tổng cộng cũng hơi đắt đắt, cơ mà sau này mẹ thấy cũng đáng giá. Lần thứ hai hẹn gặp vào thứ 2, nhà trường giới thiệu có bus đón đưa (thêm phí nhé), có học ngoại khóa violin (tất cả ngoại khóa học buổi sáng), trường giữ đến 6h chiều, sau đó mỗi một giờ tính 300 yên phụ phí; cùng danh sách một loạt đồ dùng sắm thêm từ giày đen, vớ trắng cho đến một đống túi đủ các size.
Về học phí thì ngoại trừ phí do Quận tính từ thu nhập của bố mẹ năm trước, thì tháng đầu tiên đóng thêm phí nhập học là 5000 yên, cộng với phí hội phụ huynh 5000 yên nữa (phí này Hội phụ huynh thu chứ không phải nhà trường). Ngoài ra vì mẹ đăng ký cho bạn nhỏ học violin nên có phí học violin một tháng và tiền thuê violin (tại mẹ không mua violin cho bạn nhỏ nên tốn phí thuê). Tóm lại là độ tuổi của bạn nhỏ hàng tháng được Quận hỗ trợ 1 man, tính đi tính lại xem như hiện giờ Ken đi học miễn phí (chồng bảo giờ mới thấy cái lợi của lương giảng viên đại học nhân dân ở Việt Nam nhé).

Hoạt động hàng ngày của Kodomoen

Vì mẹ cũng đi làm và tạm thời cho bạn nhỏ đi school bus nên cũng không hẳn rõ việc học ở trường. Nhưng về cơ bản, buổi sáng đến trường phải mặc đồng phục, trong túi mang theo một bộ đồ thường phục để 1h chiều thay. Các việc học hành và ngoại khóa đều học buổi sáng. Khi đến trường, các con cởi áo khoác mùa đông, mặc vào áo tạp dề để học tập và ăn uống không bị bẩn vest. Nên thực ra không như mẹ ban đầu nghĩ là việc giặt là quần áo cho con sẽ mất công, vest không bị bẩn, áo sơ mi cũng ít bẩn một phần vì mùa thu đông không có mồ hôi, một phần có mùi thì thấm vào áo lót bên trong trước. Hiện nay một tuần vẫn 1 bộ vest, 2 áo sơ mi là ổn, cuối tuần giặt một lần. Lúc đầu còn ủi áo sơ mi, sau lười chả thèm ủi vì mặc bên trong lòi ra có mỗi cái cổ áo; vest thì không nhàu không cần ủi. Đến mùa hè dự là mất công giặt ủi hơn chút.
Do mẹ đến trường vài lần đều vào buổi chiều thì được biết từ 1h các bé có mẹ không đi làm sẽ được đón về, các bé có mẹ đi làm như mình ở lại tiếp tự chơi với nhau dưới sự hướng dẫn của các thầy cô như origami, vẽ vời…, chiều 4:15 được ăn xế và nghe thầy cô kể chuyện. Ah, trường bạn nhỏ có hai thầy luôn. Lúc mình đón con thì bao giờ thầy/cô chủ nhiệm cũng ra chào và cập nhật tình hình của bé ngày hôm nay, và dặn dò cho ngày mai. Bé phải đợi và cúi đầu chào thầy/cô chỉnh chu rồi mới được về.
Bạn nhỏ vừa đi học buổi đầu tiên là có một mẹ Trưởng hội phụ huynh gọi điện hỏi thăm, bảo có gì không biết thì cứ hỏi và yêu cầu cài LINE vì hội phụ huynh trao đổi với nhau bằng LINE và cắt cử một mẹ ở gần nhà mình biết tiếng Anh để mình giao tiếp cho dễ. Sau khi quen vài mẹ có con học ở trường thì nhận được toàn lời khen tặng về Nhà trường, các mẹ đều tỏ ra hài lòng về chất lượng của Nhà trường. Tóm lại là sau khi nghe xong, mình phấn khởi ra mặt, tâm đắc câu “HAY KHÔNG BẰNG HÊN”.
Ah, đầu tháng Nhà trường sẽ gửi lịch học tháng đó, bao gồm ngày nào ăn món gì buổi trưa và xế cũng có ghi rõ. Chẳng hạn Tháng 12 này thì các bạn có mẹ không đi làm nghỉ từ ngày 19/12-05/01; nhưng các bạn có mẹ đi làm như bạn nhỏ được giữ đến ngày 31/12 và 04/01 đi học lại, trong thời gian này đi học mặc thường phục là được. Hàng này có sổ liên lạc cô sẽ viết về; vài ngày cô mới viết một lần; có việc gì ở nhà mẹ cũng viết vào cho cô biết.
Từ hôm đi học bạn vẫn hăng hái thức dậy mỗi sáng mẹ gọi dậy đi học, sau bé bắt đầu biết kể chuyện ở trường linh tinh, diễn dịch ra tiếng Việt kể cho mẹ nghe. Hôm nọ cô hẹn lên trường để thông báo tình hình của học sinh mới, cô cũng bảo bạn hòa nhập và chơi với các bạn hòa đồng lắm, có khi hơi hăng quá, cô phải kìm lại bớt ấy. Đương nhiên tiếng Nhật của bạn thì còn kém, mẹ cũng nhờ cô kiên nhẫn dạy cho bạn. Cơ mà ba mẹ cũng xác định là con mình sẽ kém các bạn rồi, không ham hố học giỏi gì cả nên nhẹ nhàng. Xuống lớp học thì thấy bạn nhỏ đang giỡn với các bạn, mặt cười hớn hở, mẹ nói chuyện với hai bạn cùng lớp con thì các bạn còn mách mẹ là Ken “fuzakeru” (nhắng nhít). VẬY LÀ TẠM ỔN RỒI, ĐÚNG KHÔNG?
Thực ra, điều mình ấn tượng nhất trường này là dạy LỄ NGHI cho trẻ. Đến trường là để giày dép gọn gàng, cuối gập đầu chào thầy cô khi đến và khi về. Các hoạt động học tập vui chơi cũng rất được chú trọng. Điểm trừ là không có giờ học tiếng Anh.

Các hoạt động ngoại khóa của Kodomoen

Về sau nữa thì mình mới biết trường này thuộc dạng có tiếng trong khu vực, và nhiều bạn tham gia học trường này đều được bố mẹ định hướng thi vào trường tư, chẳng hạn như AOYAMA (lên thẳng AOYAMA DAIGAKU).
kodomoen kvbro-nhịp sống nhật bản
Bố mẹ biểu diễn văn nghệ vào ngày sinh nhật con
kodomoen kvbro-nhịp sống nhật bản
Buổi sinh nhật được anh xã mình khen, rất cảm động.
Trường cũng yêu cầu bố mẹ tham gia nhiều vào hoạt động của nhà trường, mình thuộc dạng lơ ngơ, mới sang, không biết tiếng nên được ưu tiên không tham gia vào khâu tổ chức. Nhưng chẳng hạn đến tháng sinh nhật của con mình thì hội phụ huynh lớp yêu cầu mẹ phải có đi họp 2 lần để tập kịch, múa rối … để vào hôm sinh nhật biểu diễn cho con xem. Đến hôm sinh nhật biểu diễn nữa thành ra mất 3 buổi/tháng rồi. Với mẹ đi làm full time như mình thật sự là thách thức. May là đợt đó anh xã mình vừa sang nên anh đi thay mình (chứ kịch tiếng Nhật mình cũng chịu). Nếu có họp phụ huynh thì sau đó sẽ có tổ chức ăn trưa để các mẹ giao lưu với nhau (mình có tham gia được 1 lần).
Ngoài ra theo mình biết là các mẹ cũng hay chủ động rủ nhau ăn trưa giao lưu, vì mình làm full time nên không tham gia được những buổi ăn trưa riêng như này. Mãi về sau bé nhà mình lên cấp 1 đi ăn trưa với mấy mẹ kodomoen cũ mới biết hồi đó mình cũng bị nói xấu vì nếu đi làm bận thì chọn trường như thế cho con làm gì, vì trường này dành cho mẹ có nhiều thời gian và phải tích cực tham gia nhiều hoạt động của trường.
kodomoen kvbro-nhịp sống nhật bản
Một phần của hoạt động undokai
Các hoạt động tập luyện cho undokai của trường làm cũng rất hay và quy chuẩn, khác hẳn với trường hoikuen mà sau này bé mình tham gia. Bên cạnh đó, mỗi năm 1 lần sẽ có happykai các bé biểu diễn kịch và violin; và tất cả các hoạt động của trường đều được tổ chức chỉnh chu và đẳng cấp, thuê luôn cả hội trường to bên ngoài để tổ chức. Về sau, lễ tốt nghiệp cũng thuê hội trường bên ngoài, chương trình lễ tốt nghiệp mình có được tham gia 1 lần vì lúc đó bé là nenchuu nên được tham gia để bố mẹ nenchuu học tập chuẩn bị cho năm sau. Thực sự mình rất ấn tượng, chương trình tổ chức chỉnh chu, nghiêm túc, và cảm động.
kodomoen kvbro-nhịp sống nhật bản
Happyokai
Bạn nhà mình học được gần nửa năm nenchuu và gần nửa năm nenchou ở trường này. Vào đầu năm học nenchou, trường còn tổ chức chương trình otomarihoiku ở Saitama, cho bé đi chơi cùng thầy cô (không có bố mẹ theo cùng) để kỷ niệm và đánh dấu sự trưởng thành; đương nhiên bố mẹ phải đóng thêm tiền. Nghe bé kể là có chơi bơi đua, các hoạt động ngoài trời hái hoa quả và cưỡi ngựa (vẫn còn CD lưu lại kỷ niệm này, mua tốn thêm vài ngàn yên nữa). Trường cũng hướng dẫn chuẩn bị đồ dùng cho bé mang theo rất chu đáo, bé học tập được nhiều kỹ năng từ trường trước đó như gấp quần áo gọn gàng, tự mặc quần áo… Bé rất thích thú với trải nghiệm này, có vẻ tỏ ra người lớn hẳn.

CHUYỂN TRƯỜNG SANG HOIKUEN

Lý do mình chuyển sang trường Hoikuen là do mình chuyển nhà sang quận khác. Vào thời điểm này chỉ tầm 6-7 tháng nữa bé sẽ lên cấp 1. Lúc này mình cũng có kinh nghiệm về khả năng hòa nhập của bé nhà mình nên không lo lắng mấy nữa. Tiêu chí chọn trường lúc này tập trung vào: gần nhà, thuận tiện đưa đón.
Vì trường trước chọn đại mà cũng quá ngon, nên mình cũng chủ quan nghĩ chắc các trường Nhật đều level như nhau, khác biệt chắc không đáng kể. Ngoài ra, quận mới mình chuyển vào là quận ngon hơn quận cũ, được xem là quận giàu nhất Tokyo, nên mình nghĩ có tệ cũng không đến nỗi. Đấy, cơ mà vào rồi mới thấy khác biệt.
Về tác phong, khác biệt đầu tiên là đến đón con không thấy cô đề cập gì con hôm nay như nào cả. Đến nơi thầy cô kêu con ra rồi về, không có vụ chào thầy cô chào bạn gì cả. Mấy hôm đầu mình bảo chào bé theo thói quen vẫn chỉnh chu lắm, sau 1-2 tuần thì từ chối chào vì bảo ở trường này chả ai làm thế cả.
Về hội phụ huynh, toàn bố mẹ đi làm full time bận dập mặt, gặp nhau buổi sáng chào tiếng không thèm đứng hỏi han, nhiều chuyện gì cả. Xong đến buổi happyokai cũng đến xem, chào nhau tiếng mà không biết ai là phụ huynh của ai luôn. ==> Có vẻ cũng hợp với nhà mình. Qua đây thấy mình thật bình thường, chứ không phải là bông hoa lạ như bên kia.
Về sinh hoạt hàng ngày, bé nhà mình bên kodomoen thì tập không phải ngủ trưa, hoạt động học tập chơi bời đến chiều luôn. Sang đây bị bắt phải ngủ trưa. Mãi 3 tháng trước khi vào lớp 1 mới tập thức từ từ. Mới đầu do ngủ trưa đầy giấc nên tối về không chịu ngủ sớm làm mẹ bức xúc mãi. Có mấy lần đi đón con sớm thì thấy các con tự do chơi nhiều hơn là được hướng dẫn như bên kodomoen.
Về các hoạt động ngoại khóa như happykai hay undokai cũng được tổ chức ngay tại trường, và quy mô không sang trọng bằng, độ khó của trò chơi thì có thể nói là đơn giản hơn, kiểu cả làng cùng vui (nếu so với trường cũ). Đến lúc tổ chức tốt nghiệp cũng đơn giản, không phức tạp và nhiều nghi thức như trường cũ; nhưng cũng vui và cảm động. Mãi đến lúc tốt nghiệp phải liên lạc giúp con làm quà tặng cô và tổ chức buổi tiệc tri ân thầy cô thì phụ huynh mới biết nhau hơn.
Về học tập, thì mấy tháng cuối thấy cô cũng dạy chữ hiragana cho con. Trường này cũng không có lớp tiếng Anh gì cả.
Tóm lại thì lúc chuyển sang đây hai vợ chồng cùng shock vì không nghĩ khác biệt nhiều đến thế. Kiểu như bên kia đang tập người lớn lên làm thay đổi nhận thức của trẻ thì bên này làm cho nhỏ lại. Nhưng vì hoàn cảnh lúc đó, sự lựa chọn này có thể nói là phù hợp hoàn cảnh. Điểm cộng đó là phụ huynh không nhiều chuyện, ai cũng đi làm nên khi gặp nhau vui vẻ, thông cảm, chứ không soi mói nhau.
Về cơ bản, thời gian bé nhà mình học hoikuen tầm có 6 tháng là tốt nghiệp lên cấp 1; lại đúng đợt công việc mình bận và tập trung và việc chọn trường cho con học cấp 1; nên mình cũng không quá để tâm.
Tóm lại là mình thấy gia đình mình rất may mắn vì được trải nghiệm cả hai, dù ở góc độ bên ngoài nhìn vào thì từ người ta từ dở lên xịn, nhà mình ngược lại từ xịn xuống kém hơn. Nhưng mình vẫn thấy tất cả là trải nghiệm cho cả gia đình, có khác biệt mới biết mình và con cần gì, từ đó đồng hành và có kinh nghiệm hơn trong những lựa chọn sau này phù hợp với con và cả bố mẹ hơn. Bài viết hơi dài, hy vọng cung cấp được thêm thông tin cho bố mẹ nhé. Như các bài viết trước có đề cập, hiện cũng có nhiều trường hoikuen xịn được tổ chức kiểu yochien đáp ứng nhu cầu của bố mẹ đi làm mà vẫn muốn con được giáo dục về tác phong và được vừa học vừa chơi nhiều hơn. Nên các bố mẹ tìm hiểu kỹ hơn về các trường nơi gia đình sinh sống để có sự lựa chọn phù hợp nhé.
Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản