KINH NGHIỆM CHO CON ĐI DU HỌC NGẮN HẠN TẠI NAM ÚC (Phần 2)

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Sau phần 1 KINH NGHIỆM CHO CON ĐI DU HỌC NGẮN HẠN TẠI NAM ÚC (Phần 1) – KVBro – Nhịp Sống Nhật Bản KVBro xin chia sẻ tiếp về kinh nghiệm cho con đi du học ngắn hạn tại Nam Úc.

Contents

PHẦN 2. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ TỪ CHUYẾN ĐI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHO CON ĐI DU HỌC HÈ NGẮN HẠN Ở ÚC

A. NGÀY ĐẦU TIÊN RỜI VIỆT NAM VÀ HÒA NHẬP

Nhà mình mua máy bay của hãng China southern Airline, và đổi máy bay ở Quảng Châu. Cũng ko có quy định gì đặc biệt khi đổi chuyến máy máy bay. Có điều, khi đổi chuyến thì 2 chuyến nên cách ít nhất 4-5h đồng hồ để tránh bị delay sẽ nhỡ chuyến sau. Mình đã chứng kiến mấy cảnh đi cùng chuyến nhưng bay đến địa điểm khác ở Úc và bay sớm quá nên bị nhỡ chuyến sau. Phải đặt mua lại vé mới rất tốn kém.
Bay dài nên khá mệt, có thể có bé mang theo một số loại thuốc khiến dễ ngủ để lên máy bay mệt là uống và ngủ suốt hành trình. Nhà mình bọn trẻ thì khỏe nhưng bản thân mình phải uống thuốc ngủ luôn (ko uống thuốc chống say vì chả có tác dụng gì đâu, mệt lắm).
Ở úc thì khi nhập cảnh họ cấm mang theo rất nhiều thứ liên quan tới động vật và hạt giống, thuốc. Nên khi đến ở sân bay họ có chó nghiệp vụ sẽ đến ngửi từng người và hành lý. Nó ngồi trước hành lý của ai lại phải mở ra kiểm tra và bị phạt rất nặng nếu ko kê khai đúng và cố tình mang những đồ có thành phần mà họ đã cấm.
Sau khi hạn chuyến bay thì nhà mình cho cả nhà đi ăn hàng 1 bữa ở nhà hàng gần chỗ ở, phân phòng ở, và cho cả nhà ngủ 1 lèo. Buổi chiều mình dắt bọn trẻ đi chợ cho biết chỗ, bắt đầu mua đồ và ổn định cuộc sống.
Mình liệt kê các đầu việc và phân việc cho các bạn trong nhóm cũng như người lớn, chuyển việc theo 3 ngày 1 lần hoặc 1 tuần.
Sau đó cho các bạn đi chơi tẹt ga 2 ngày đầu tiên trước khi nhập học. Cũng đồng thời để tìm kiếm phương tiện đi lại, cho các bạn ấy đi mua thẻ metro (thẻ đi tất cả các phương tiện như Bus, tram, tàu).

NGÀY 1: TRONG THÀNH PHỐ ADELAIDE

Mình dắt các bạn ấy lang thang vừa đi bộ vừa đi phương tiện công cộng khắp thành phố dựa trên hành trình các bạn ấy đã chuẩn bị và thống nhất trước khi đi để các bạn ấy nhận ra sự khác biệt giữa thực tế và kế hoạch trên giấy, giúp các bạn biết tất cả chỗ mua sắm, vui chơi, thắng cảnh để các bạn ấy biết chỗ và sau này còn tự làm một số việc được cho đoàn cũng như chỗ nào các bạn ấy thích thì sẽ đi lại thêm các lần sau nữa.
Lịch trình ngày 1 như sau:
Một ngày trải nghiệm những điểm tham quan nổi tiếng ở Adelaide city.
1. Các trường đại học
Adelaide university
South Australia university
Adelaide Law university
Business school
2. Nhà quốc hội cũ và mới
3. Tượng đài tưởng niệm
4. Vườn thực vật
5. Bảo tàng nam úc
6. Finder uni gallary
7. Nhà ga trung tâm và mua thẻ đi lại cho cả nhà
8. Chinatown
9. Central Adelaide market
10. Nhà chính phủ.
11. Jam factory.
… Đi bộ gần 15 km

NGÀY 2: LÀNG CỔ HAHNDORF, cách thành phố 28km

Mình cho các bạn ấy đến ngôi làng người Đức tại Nam Úc. Ngôi làng mang đậm phong cách châu âu giữa Châu Úc. Đây cũng là một điểm du lịch nổi tiếng của Nam Úc với phong cảnh hữu tình, đồ lưu niệm thì khá là đắt nên tụi mình ko mua được gì, mình chỉ cho tụi nhỏ ăn kem, xem bảo tàng, đi hái dâu, đi vào farm chơi với các con vật thôi.
Lịch trình ngày 2 như sau:
Tụi mình bắt bus đi từ thành phố Adelaide đến Hahndorf lúc 8h30, cứ 1h có 1 chuyến bus đến Hahndorf. Đến Hahndorf thì nên tìm đến Hahndorf visitor infomarion house. Bạn sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ.
Nhà mình đi dạo quanh khu phố, chon bọn trẻ đi nhà thờ, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, mua sắm, ăn kem, rồi đi hái dâu và vào trang trại. Bọn nhỏ rất thích chơi với mấy con vật ở đấy và cưỡi ngựa.
6. Tối ngày trước khi đi học, các bạn ngồi chia sẻ vòng tròn về 2 ngày trải nghiệm với 3 câu hỏi
a. Các con đã học được điều gì qua 3 ngày qua từ khi rời việt nam
b. Các con thấy khó chịu điều gì trong 3 ngày qua
c. Các con biết ơn ai hay điều gì trong 3 ngày qua
Sau đó các bạn cùng thảo luận lại về những quy định của trường học để chuẩn bị đồ cho ngày đi học hôm sau cũng như thống nhất giờ dậy, giờ ăn sáng, giờ ra khỏi nhà, giờ tàu chạy, chuyến tàu sẽ đi để đến trường đúng giờ quy định.

B. ĐẾN TRƯỜNG VÀ HỌC TẬP

1. NGÀY 1: NGÀY HÒA NHẬP

Mình thuê nhà ở thành phố và xa trường nên sáng các con phải dậy từ sớm. Sang đây là mùa đông và trời tối nhanh nên cả nhóm ngủ khá sớm, 8h30 lên giường và đúng 9h là bọn trẻ sẽ ngủ, ko cần phải nhắc nhở gì cả. Sáng 6h mình bắt đầu gọi tụi nhỏ, tụi nhỏ ngoan và dậy cũng khá sớm. Lịch trình đi bus hay train đã được mình lên sẵn qua trang https://www.adelaidemetro.com.au/.
Tụi nhỏ ăn sáng rồi tự chuẩn bị đồ ăn trưa cho bản thân. 7h00 tất cả cùng đến trường. Bọn nhỏ khá hứng thú khi được đi tàu và đi bộ ngắm cảnh khoảng 2-3 km từ trạm xe bus đến trường và về nhà.
Hôm nay trời mưa và lạnh hẳn, hạ phải đến 5-6 độ so với hôm qua, trời âm u ko có chút nắng nào.
Trường học ở Úc bắt đầu lúc 8h30 đến 9h mà kết thúc khoảng độ 3h đến 3h30 chiều, tùy từng trường. Trường của bọn nhỏ nhà mình hs có mặt ở trường lúc 8h30 và kết thúc lúc 3h10
Bọn nhỏ đến trường lúc 8h30 và bên trường đã phân giáo viên phụ trách chăm sóc cho 9 học sinh quốc tế, buổi chào đón có cả các bạn học trong trường sẽ là buddy cho các con. Sau đó các con được nghe về nước úc, về thành phố nam úc cũng như được học các quy định của trường. Mỗi bạn được sự hỗ trợ của 1 bạn buddy, học sinh được giao nhiệm vụ sẽ giúp đỡ các con.
Các học sinh ở trường cực kỳ thân thiện, bạn nào cũng xúm vào giúp đỡ, hỏi han, rủ các con ra chơi cùng, đi đâu bạn buddy cũng kè kè bên cạnh và hướng dẫn. Thầy cô giáo thì luôn tươi cười.
Hôm nay mình có vào lớp dự giờ Jamie vì bạn này bé nhất, học cùng các bạn lớp 3. Lớp Jamie có 25 học sinh. Con hòa nhập tốt. Mình cùng với 1 mẹ khác đang là tình nguyện viên của lớp cùng nhau hỗ trợ cho lớp và thầy giáo luôn. Chị ấy người Úc. Mình và chị có người để nói chuyện, tâm sự đồng thời trao đổi nhiều về việc học ở lớp.
Mình có hỏi các con có hiểu bài và nắm được bài ko, các con nắm bài khá tốt. Bản thân các con cũng khá tự tin, các con đáp lại sự thân thiện của các bạn bằng sự thân thiện, gặp ai các con cũng chào, ko hiểu gì là chủ động hỏi tích cực, các con cũng hòa mình chơi với các bạn và do đó các con cũng ko khó khăn gì khi hòa nhập. Các con cực vui vẻ khi đến trường.
Về phương pháp giảng dạy của giáo viên thì tại Úc ko có gì nổi trội, có lẽ do mình dự quá nhiều những giáo viên siêu việt trong và ngoài nước nên nhận thấy giờ học ở đây cấu trúc đơn giản, dễ dàng cho học sinh follow. Tuy nhiên họ lại thành công bởi vì họ giao nhiệm vụ cho học sinh nhiều, học sinh dành thời gian tự nghiên cứu, tự tư duy và cứ sau 10 phút học sinh tự làm việc thì giáo viên giảng độ 5-10 phút. Khi ngồi nghe thì toàn bộ học sinh ngồi lên phía trên với thầy để tập trung nghe và thầy dễ quản lý. Điều thú vị là thầy rất nhẹ nhàng và nhắc nhở trên nền tảng cho học sinh hiểu sự tôn trọng. Họ ko cho học sinh cướp lời người khác. Cái mà mình học được chính là phong thái điềm tĩnh, nhẹ nhàng, lối ứng xử văn mình của người giáo viên chứ ko phải là kiến thức khó hay dễ hay có thiết kế bài giảng tinh xảo hay ko. Học sinh học chính là học những giá trị đến từ lối hành xử, phong thái, tác phong, cử chỉ và điệu bộ của người giáo viên.
Giờ dạy mẫu của giáo viên VIệt Nam thì cực kỳ hay, thú vị, sáng tạo. Giáo viên của mình giỏi lắm ấy, phương pháp mới nắm cũng ko kém gì các nước phát triển nhất hiện nay đâu ah nhưng cuối cùng, hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn ko thành công bằng Úc, bởi tâm của người dạy và giá trị tôn trọng và trách nhiệm trong mỗi người thầy ở 2 nước là khác nhau.
Đây chính là sự khác biệt trong giáo dục Việt Nam và trong giao dục ở úc mà ngay ngày đầu tiên mình đã nhận thấy. Giáo viên ở Úc bình dị, thân thiện, ứng xử tôn trọng, mang lại sự an toàn cho học sinh trong lớp học và đồng thời hướng dẫn học sinh trở thành con người có giá trị tôn trọng, trung thực và trách nhiệm chứ ko nặng về việc học khó hay học cao siêu. Họ cũng ít dùng phần thưởng trong lớp học để khiến học sinh có tính ganh đua và họ khuyến khích sự hợp tác.
Một trong những điểm mạnh của trường các con học là dạy học STEM. Đây là một trong những trường lớn nhất nam úc với chương trình giảng dạy đổi mới chú trọng tới học tập STEM. Đây cũng là điểm mà mình thấy thú vị ở trường.
Ngày mai mình có cuộc gặp riêng với Leader of the school để cài đặt hệ thống quản lý thông tin học sinh và phụ huynh, đăng nhập lấy bài tập, chương trình học và lịch hoạt động của các con luôn.
Hôm nay mình mới biết là tụi nhỏ ở đây ko được phép trêu trọc hay bắt nạt bạn, tội này ở trường là tội nặng và sẽ bị xử lý nghiêm khắc, kể cả là việc trêu trọc nói xấu trên mạng, toàn xã hội họ cực kỳ nhạy cảm và tẩy chay việc này. Nên bọn trẻ ở đây ăn nói với nhau rất lịch sự, ko chê bai, rồi bè đảng như trong mấy bộ phim mỹ về học sinh high school mà mình thường xem. Bọn nhỏ nhà mình cũng được nhắc nhở về việc này ngay từ ngày đầu tiên.
Háo hức chờ ngày thứ 2.

2. NGÀY 2: LÀM QUEN VÀ HỌC TẬP

Đầu ngày các con vẫn đến Phòng học sinh quốc tế để các bạn Buddy đến đón và đưa đi khắp mọi nơi. Ở đây mình thấy các bạn Buddy ngoan kinh khủng, ở VN thì nhiều khi giao việc mà ko thấy hợp thì các con cũng chả thèm nói chuyện với bạn mới mà mình được giao luôn. Nhưng ở đây bọn nhỏ dù thích hay ko vẫn cứ thực hiện nhiệm vụ và đi đâu cũng lôi bạn mới tham gia.
Mình lại tiếp tục dự lớp của Lê Minh, hôm nay được trải nghiệm cả 1 ngày cùng con trai bé. Con ko khó khăn để follow các chương trình học vì thầy và các bạn hướng dẫn tận tình và luôn biết con cần sự giúp đỡ để giảng chậm lại, để giải thích them. Bạn kèm cặp cho Lê Minh còn luôn nhìn xem Lê Minh có biết làm ko để giúp.
Đầu ngày Minh cùng các bạn review lại nhật ký đọc, rồi các bạn học về các chiến lược kiểm soát bản thân và lên lịch trình làm việc. Rồi tiếp theo là học ngữ pháp với các phiếu bài tập và giờ đọc theo nhóm,con cũng có 1 tiết toán và 1 tiết tiếng Nhật. Buổi chiều Lê Minh hào hứng với giờ học khoa học theo phương pháp STEM và học tin lập trình.
Hôm nay nhìn cả ngày con hoạt động, vui đùa mới thấy dù là ở đâu, trẻ con cũng có quyền được hạnh phúc như nhau.
Giờ chơi bên này rất nhiều bởi tại Úc họ rất quan trọng việc trẻ phải kết bạn và xây dựng kỹ năng kết bạn cho con, chưa kể với họ vận động tự do cũng quan trọng ko kém gì việc học, đó chính là thời gian để các con phát triển thể chất, xây dựng năng lực nhóm. Các giờ học là để hướng tới các kỹ năng chứ ko chỉ là học kiến thức.
Trong lớp mình thấy đưa ra nhiều nội dung kỹ năng mà các con được thực tập đi thực tập lại nhiều lần như các thói quen tư duy, tư duy phát triển, nguyên tắc ra quyết định, chiến lược quản lý bản thân và đều do các giáo viên họ giảng dạy.
Một ngày trôi qua nhiều cảm xúc và để biết những thứ mình đang ấp ủ làm khá giống với ở đây và có nhiều nội dung còn mới hơn những nội dung đang áp dụng. Vậy là mình đã đi đúng hướng.
Hôm nay là một ngày thu hoạch nhiều thứ, họ cũng cho mình contact trên sở giáo dục phụ trách sinh viên quốc tế để liên hệ về mấy vấn đề như đưa học sinh sang học, chọn trường, rồi cả các vấn đề khác.
Hôm nay điều thú vị nhất mà mình học được là từ chính bộ tài liệu phát cho du học sinh mà các cô phát cho con trai mình. Trong đó có đến gần chục cái hướng dẫn như:
Thế nào là quấy nhiễu và bắt nạt, thế nào là làm dụng và khi bị rơi vào các tình huống đó chúng ta liên hệ với ai, như thế nào để được giúp đỡ. Rồi những hướng dẫn chi tiết cả 1 phần mềm dành cho học sinh để kết nối với cộng đồng du học sinh Nam úc như lễ hội, sự kiện, cửa hàng giảm giá, sức khỏe, tài chính. Rồi kể cả việc sử dụng phần mềm, máy tính như thế nào, hướng dẫn đi lại, cung cấp bản đồ, rồi hướng dẫn cách giải trí vui chơi ở Adelaide, rồi lại cả các vấn đề tài chính, rồi nhà ở, rồi những quy định khi ở nhà homestay, rồi lại cả sổ tay dành cho du học sinh, rồi hướng dẫn cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân. THực sự họ dạy cho học sinh đi du học còn kỹ hơn cả bất kỳ một trường đẳng cấp nào dạy cho học sinh ở Việt Nam. Bởi tất cả tài liệu phát đó chính là cung cấp toàn bộ những gì cần thiết cho 1 học sinh khi đi du học.
Thực sự bộ tài liệu này quá là quý giá , mình đã biết tất cả và đã dạy cho các bạn học sinh nhóm mình nhưng ko đủ bằng bộ tài liệu mà họ gửi cho học sinh của mình.
Không chỉ có bộ tài liệu này ,trường còn gửi 4 tài liệu yêu cầu phụ huynh đọc và ký
– Giấy chấp thuận cho chụp ảnh của học sinh nhóm mình để họ có thể chụp ảnh – ở đây việc chụp ảnh người khác là phạm luật và muốn chụp ảnh ai cũng phải hỏi xin ý kiến, kể cả là con mình. Thế nên tụi mình chả có cái ảnh nào với học sinh ở đây ngoài lúc chụp xa xa ko rõ mặt.
– Phiếu xác nhận cho con dùng máy tính
– Phiếu xác nhận cho con sử dụng hệ thống e learning ở trường
– Phiếu xác nhận đi dã ngoại
Tụi mình phải ký vào các giấy này cho con, rồi con được phát 1 máy tính về nhà, máy này chặn tất cả các trang youtube, mạng xã hội, game và chỉ để tìm kiếm thông tin và làm bài tập , ở đây học sinh lớp 8 sử dụng sách điện tử online, vào đăng nhập hệ thống dailymap để theo dõi toàn bộ thông tin học tập của mình và các thông báo, quy định của trường gửi. Thế nên con dùng máy tính mà bố mẹ ko phải lo. Các bạn được khuyến cáo ko dùng mạng xã hội mà chính quyền Nam úc thiết lập 1 hệ thống mạng nội bộ cho học sinh toàn nam úc, các con có thể chat với các bạn của mình trên mạng đó và toàn bộ thông tin được lưu lại tại hệ thống máy chủ để kiểm soát. Ngoài ra các bố mẹ còn được hướng dẫn chi tiết về việc cho con sử dụng điện thoại, internet như thế nào và các nguy cơ gì trên mạng cho con mà mình làm cha mẹ phải để ý và tránh cho con.
Một ngày gặt hái quá nhiều thứ để về giúp ích cho học sinh việt nam

3. NGÀY 3: Ngày học Văn hóa hội nhập cho học sinh quốc tế.

Hôm nay mình ko dự lớp Jamie mà dự lớp 8 của Vũ Hà và Quang Trường. Giờ học kỹ năng xã hội các bạn đang làm việc trên máy để trả lời 1 câu hỏi khó nào đó của cô giáo. Cô Di có giải thích cho mình môn học này nhằm cung cấp kỹ năng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy trên internet để sử dụng cho việc học tập và các chủ đề để tìm kiếm là lịch sử và địa lý. Như vậy các con vừa học hiệu quả thông qua việc mình phải là người tìm kiếm thông tin và trình bày.
Giờ học buổi sáng trôi qua nhẹ nhàng và lúc 11h50 là bắt đầu các con được tác ra khỏi lớp để học về văn hóa ÚC và học các tình huống giao tiếp thực tế.
Mình học được bao nhiêu là thứ về sự tinh tế và văn minh trong ứng xử của họ thông qua việc họ dạy học sinh bộ môn tiếng Anh hội nhập này.
Một số hành vi được cho là vô lễ ở Úc, thói quen nói cảm ơn, xin lỗi, please khi yc ai làm gì. Cô Paula của các con tinh tế đến từng chi tiết trong giờ học. Lớp cô chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt cô dạy các con tôn trọng sự khác biệt chính qua cách cô giao tiếp với các con, đầy tôn trọng và cảm thông.
Mình thích cách cô dành 10p cuối giờ yêu cầu học sinh xếp ghế, dọn sạch phòng mới ra khỏi lớp.
Bọn nhỏ thì hơi chán với phần học này tụi nó chưa hiểu rằng văn hóa giao tiếp là một nền tảng cho sự hội nhập.
Tối nay ngồi review ngày, mình cho bọn trẻ tự ngồi chia sẻ những điều tốt đẹp các con nhìn thấy xung quanh mình và cùng nhau chia sẻ lần lượt, những cảm xúc khó chịu của các con hôm nay là gì và chúng ta biết ơn ai hôm nay.
Nuôi dưỡng những điều tích cực là cực kỳ cần thiết.

4. NGÀY 4: Tham gia tích cực vào hoạt động học tập

Sau 3 ngày học tập, dù hôm nay là thứ 6 nhưng các con đều hào hứng đi học. 6h sáng tụi nhỏ lại tỉnh dậy, ăn sáng và lại tiếp tục đi tàu đến trường.
Buổi sáng mình vào một lớp của học sinh lớp 5, đầu giờ thấy cô có bật nhạc Mozart phát triển não bộ và bọn nhỏ ngồi đọc sách 30p. Mình thấy là ở đây gần như ngày nào các con cũng có giờ đọc sách buổi sáng và buổi chiều. Việc đọc được đặt lên một vị trí hàng đầu cùng với việc kết bạn. Với người Úc và chính quyền Úc thì rèn luyện cho học sinh năng lực tự nghiên cứu và tăng cường kết bạn và giao tiếp ở trường nhiệm vụ quan trọng nhất của trường học.
Hôm nay mình được nhìn bọn trẻ lớp 8 học khoa học. Vì trường học theo phương pháp STEM nên các con được học từ việc thực làm, thực quan sát cuộc sống và đưa ra các kết luận khoa học. Giờ học STEM khá thoải mái trong một không gian phòng thí nghiệm khá rộng (40m2 cho 15 học sinh). Các con bắt đầu bằng việc tra cứu các kiến thức liên quan đến bài học, rồi hì hụi làm thí nghiệm và đưa ra các kết luận từ trải nghiệm thực tế của mình.
Giờ học khoa học diễn ra rất nhẹ nhàng dựa trên nền tảng tự học, tự nghiên cứu, tự phát hiện vấn đề và cuối cùng giáo viên chốt kết luận.
Hết một ngày, 3h10 các con cùng mẹ lên tàu lại về thành phố. HÔm nay tụi mình phải đi ngủ sớm để chuẩn bị cho cuộc vui chơi ngày mai.

5. NGÀY 6-7: ĐẢO KANGAROO VÀ HẢI CẨU BIỂN và vui chơi trong thành phố

Cuối tuần, mình đăng ký cho bọn trẻ đi đảo Kangaroo nằm cách thành phố Adelaide 210 km. Để đến được đảo tụi mình phải đi 3h oto và 30p đi tàu. Lên đến đảo, khác với việc đi sở thú, tụi mình được đưa đến các khu bảo tồn quốc gia.
Trên đường đi, tụi nhỏ được nhìn ngắm các trang trại rộng lớn, nhìn ngắm các em cừu, bò, nhìn ngắm những cánh đồng nho bạt ngàn cũng như nhìn ngắm một bên là bờ biển song đánh trắng xóa và một bên là cao nguyên xanh mướt.
Thời tiết của Úc biến đổi trong ngày, đang nắng thì mưa, đang mưa thì nắng, rồi cầu vồng xuất hiện. Thời tiết Thay đổi một ngày đến chục lần
Tụi nhỏ được tận mắt nhìn mấy em sư tử biển, nhìn ngắm em Koala , em kangaroo trong môi trường sống của chính tụi nó chứ ko phải là bị nhốt một cách buồn tẻ trong sở thú.
Những chuyến đi chơi này ko có người Việt nào đăng ký ngoài nhóm của mình, mà cũng may nhờ sự mày mò và hướng dẫn của bạn bè đang sống ở đây nên mình đặt tour này cho bọn nhỏ. Và thực sự là tour trải nghiệm thiên nhiên ít được lựa chọn này cực kỳ thú vị. Hướng dẫn viên là người bản địa, đi cùng thì toàn là người Úc hoặc người Anh đến Úc du lịch nên các con phải nghe bằng tiếng Anh 100%. Lại có cơ hội giao tiếp với nhiều người địa phương hơn.
Chuyến đi bắt đầu từ 6h30 sáng và về lại thành phố lúc 10:30 nên chỉ đi trong ngày và đi vào thứ 7 để chủ nhật nghỉ ngơi trong thành phố thì tốt hơn.
Chủ nhật, tụi mình cho bọn nhỏ ngủ rất muộn, 9-10 h mới dậy và ăn sáng. Bọn nhỏ thích ăn gì thì tự nầu và sau đó bọn nhỏ đồng ý đi đến sở thú Adelaide. Sở thú đã thành lập hơn 120 năm nay.
Một ngày tụi mình lại vòng quanh sở thú, có các tình nguyện viên hướng dẫn tour thăm sở thú cho tụi mình. Bác ấy trả lời tất cả các câu hỏi của tụi nhỏ, rồi chỉ cho tụi nhỏ những con thú đáng yêu. Tụi nhỏ được đến rất gần với những con vật bởi những con vật ở đây đều rất hiền hòa. Ở đây thì các con được nhìn các con vật gần hơn là ở môi trường sống tự nhiên của chúng.
Rồi bọn nhỏ rồi ăn trưa, tụi nhỏ lấy bánh mỳ mang đi cho chim ăn. Ở đây tụi chim rất dạn dĩ và cứ lại gần người để xin ăn.
Tụi nhỏ rất vui ngắm nhìn chơi đùa với các bạn chim bồ câu, chim trĩ….
Cuối cùng là đáp tại khu vui chơi ngoài trời, leo trèo, trượt đến phát chán. Mãi đến chiều mình gọi mà tụi nhỏ ko về.
Hết giờ, 4 người về trước đi chợ, còn 3 mẹ con mình lại bắt xe bus đi vòng quanh khắp nơi, đáp lại ở Rundle Mall để đi ngắm đồ. Chỉ ngắm và ăn mấy món lặt vặt đường phố thôi chứ đồ ở đây sale 50% vẫn đắt. Nhà mình thống nhất tiết kiệm để đi chơi chứ ko muốn tiêu tiền mua sắm để ko được đi chơi.
Các con nói về nhà sẽ đi kiếm tiền, sẽ sống rất tiết kiệm để mỗi năm mẹ cho đi chơi nưới ngoài dài ngày thế này 1 lần. Và năm sau các con muốn được mẹ cho đi phượt Châu Âu 1 tháng. Mình lại được giao nhiệm vụ lên chương trình học (nếu xin được ở 1 trường ở Châu Âu nào đó) và lên kế hoạch đi phượt qua mấy nước bằng tàu và bus cho các con.

6. NGÀY 8: Các con Khởi đầu tuần mới tại trường, mẹ chuyển nhà tới 1 ngôi nhà gần biển và gần trường để các con tận hưởng không khí mới.

Quên mất ko nói với các bạn là nhóm mình chuyển tận 3 nhà ở Adelaide vì mình muốn tụi nhỏ sống thử ở Thành phố, ở Ngoại Ô gần trường, ở một khu phố vệ tinh cách thành phố 5 km để thử khám khá cuộc sống ở khắp mọi vùng trên Nam Úc, vừa để tìm hiểu khu mua sắm, lối sống, khu dân cư, giá thuê nhà, và để mình nắm được các đặt thù đặt khu vực dân cư và chọn nơi ở phù hợp nhất cho tụi nhỏ.
Ngày hôm nay đưa bọn nhỏ đến trường, rồi mình về hỗ trợ mọi người dọn nhà và tìm kiếm siêu thị gần nhà để ở nhà người lớn hỗ trợ mình đi chợ và nấu ăn cho tụi nhỏ. Tụi mình thuê một cái nhà gần trường và sát bờ biển, có tầm nhìn ra biển để tụi nhỏ có thể nhìn biển suốt ngày. Trời mùa đông và cũng là mùa nưa ở Nam úc, cứ mưa rồi là nắng (như là mưa bóng mây ấy) nên mình cũng chỉ dám cho ở gần biển 3 ngày, thứ 5 tụi mình lại chuyển nhà và thứ 6 tụi mình lại lên đường bay đi Melbourne.
Mình cũng chuẩn bị liên hệ với 3 trường tốt nhất ở nam úc để đến tham quan và tìm hiểu xem điều kiện nhận học sinh quốc tế của họ ra sao để tìm các loại trường phù hợp với nhu cầu của từng gia đình để tính toán chi tiết hơn. Cũng đang đặt lịch hẹn với trường ĐH Nam Úc và ĐH Flinders để tìm hiểu về chương trình đào tạo cho giáo viên và tìm hiểu các chương trình học đại học cho các con ở Nam úc luôn.
Hôm nay tụi nhỏ vẫn hào hứng, về nhà mấy đứa rủ nhau làm bài tập, bọn nhỏ rất thích nhà mới với view nhìn ra biển. Rời xa thành phố, về ở nhà ven biển có vẻ giống lối sống của dân bản địa, nhưng mà đúng là sau 6h tối thì ở những vùng này người dân ko ra ngoài vì trời tối và đường rất vắng, ra ngoại ô cách thành phố 15 km là vắng vẻ và ko còn người đi lại mấy.
Ở xa thành phố và cho con ở homestay thì phải chọn nhà nào có con cùng độ tuổi của con mình thì con đỡ buồn hơn chứ nếu để con phải ở với 1 gia đình xa lạ, ko có bạn bè và vắng vẻ thế này, sáng đi học, tối nằm nhà, ko nghiện game mới là lạ.
Người ta nói về sự tốt đẹp của giáo dục nước ngoài. Nhưng mình nói thật, nói bậy thì ở đâu bọn trẻ cũng nói, và sang úc này mình cũng nghe thấy chúng nói bậy: shit…., nói chung tụi nó cũng còn là trẻ con, và trẻ em trên toàn thế giới này thì ở đâu cũng sẽ có nhiều điểm như nhau: nói bậy chút cho ngầu, chơi mấy trò đánh bài, rồi chia bè phái và tẩy chay 1 số đứa. Ở Vn thì mạnh mẽ hơn và giáo viên ít phát hiện vấn đề, còn ở đây thì giáo viên biết và điều chỉnh ngay vì họ cũng có hệ thống kỷ luật rõ ràng hơn ở VN, họ vừa giáo dục, vừa kỷ luật, vừa động viên, vừa phạt.
Trẻ em mình gặp trên đường, cũng có vài em người Á ngồi chơi điện tử, vài em người da trắng cứ cầm điện thoại, đeo tai nghe suốt. Cái này thì trẻ ở VN hay ở trời tây thì cũng giống nhau.
Hệ thống nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của nó, ở đây có thể giáo dục và con người tốt hơn, văn mình hơn, chế tài của họ cũng phạt nghiêm khắc hơn nên mọi thứ trật tự, thanh bình, theo quy củ và sạch sẽ hơn.

7. NGÀY 9-12: Học tập độc lập

Ba ngày này mẹ bận chuyện nhà và lên khu mới nên bọn trẻ đã tự lập học tập. Việc hòa nhập và hướng dẫn của các thầy cô khá kỹ càng nên các con đến thời điểm này cũng ko còn khó khăn. Ở nhà mới, bên bờ biển các con rất thích nên cuối ngày các con đều chạy ra biển chơi. Bờ biển ở Việt nam vẫn đẹp hơn ở Úc nhiều. Bon trẻ đi học và chơi tự sau giờ học. Nhìn bọn chúng vui vẻ, hạnh phúc mình thấy hạnh phúc lây.
Cuối tuần nhà mình lại chuyển sang ở 1 nhà mới cách thành phố 5 Km.
Mình cũng nhờ bên sở giáo dục giới thiệu cho đi thăm được 4 trường trung học thuộc loại tốt của Nam Úc. 4 trường đã được mình xem xét và lọc kỹ bởi mỗi trường có một ưu điểm khác nhau: trường chuyên về toán và khoa học, trường về STEM, trường có chương trình IB, trường gần thành phố và có rate cao.

8. NGÀY 13-14: TRẢI NGHIỆM Ở MELBOURNE

Mình cho bọn trẻ lại trên từng cây số. Bay sang Melbourne và tiếp tục tham quan trong thành phố. Do tới muộn nên cũng ko đi được nhiều. Sang đây phải mua thẻ đi lại mới, mình mua thẻ Myki cho bọn trẻ và người lớn đi chơi.
Thẻ và lịch trình đi lại ở đây: https://www.ptv.vic.gov.au/tickets/myki

Nhưng tựu chung lại của mình là Melbourne sôi động, các cửa hàng mở muộn hơn.Nhưng cũng nhiều rác, nhiều người hút thuốc lá hơn, người dân hối hả hơn. Nhưng các bạn trẻ rất tốt bụng, thấy mình lơ ngơ là sẽ giúp ngay hoặc hỏi ngay mình cần giúp đỡ gì. Hà nhìn thấy cảnh đông đúc và hút thuốc đó cũng sợ và nói với mẹ con thích học ở Adelaide hơn.
Một ngày nhà mình lên núi tuyết Buller. Bọn trẻ chơi với tuyết cả ngày và vui cực kỳ. Bọn nhỏ thích nhất là chuyến đi tuyết này.
Ngày hôm sau nhà mình lì lợm ko đặt taxi hay xe bus mà đi Train ra sân bay, tý nữa thì muộn chuyến bay. Cả nhà được chuyến hú hồn và cũng được 1 bài học đáng nhớ cho Vũ Hà và Lê Minh. Chạy đua với thời gian.
Về nhà cả nhà rôm rả với các câu chuyện về chuyến đi chơi tuyết, cảm giác lo lắng khi sắp nhỡ chuyến bay.
Cuối ngày nhận được phản hồi của sở giáo dục là đã đặt được lịch của 4 trường, thật là háo hức cho một tuần mới.
Tối nay cho bọn trẻ xả hơi trước khi đi học tuần cuối cùng. Bọn trẻ khỏe thật, đi nhiều, chơi nhiều, thế mà ko đứa nào ốm.

9. NGÀY 15: Thứ 2 đầu tuần

Vậy là đã ổn định chỗ ở cuối cùng. Bọn trẻ cũng ổn định sau chuyến đi chơi Melbourne.
Mình đưa bọn trẻ đi học cách nhà 16 km, sau đó về nhà. Đi hỏi phương pháp chữa cận loạn bằng kính áp tròng ban đêm cho đưa con gái nuôi và cũng là hỏi luôn cho Nhím. Nhím cũng cận gần 3 độ rồi nên có lẽ cũng nên đeo kính áp tròng đêm.
Mình hỏi rất nhiều câu hỏi về rủi ro khi dùng phương pháp này, những khó khăn khi trẻ dùng phương pháp đeo áp tròng đêm và có nên mua kính ở đây rồi về VN để follow ko? Tất cả họ đều nói nên về VN và theo thì theo 1 bác sỹ thôi, và nên bắt đầu đeo khi con độ 2,5 độ cận hoặc loạn để khỏi tăng số.
Ông các sỹ tận tình quá thể.
Mình cũng đến bờ biển glenalg, bờ biển rất đẹp. Trong tuần bọn trẻ nghỉ sớm vào ngày thứ 3 lúc 2h nên mình sẽ đưa bọn trẻ con đến bờ biển này ngày mai. Cái thằng Nhím đó là thần thích khám phá đồ ăn. Tối nay nó đã mò đưa 2 mẹ con đến San churro để ăn loại San churro nổi tiếng ở Nam úc. Rời nhà lúc 5h mà vắng hoe, về nhà lúc 7h30 tối lại càng vắng, cả cái xe bus chỉ có 2 mẹ con. Ở đây mọi người được khuyến cáo ko nên ra ngoài sau 7h tối. Học sinh đi học homestay thì bắt buộc phải về nhà lúc 6h tối ngày bình thường và 9h tối ngày thứ 7 chủ nhật nếu đến những nơi được homestay cho phép.

10. NGÀY 16: Tham quan trường TH Adelaide.

Mình háo hức muốn nhìn nhiều trường học hơn, muốn xem những điểm khác biệt của từng ngôi trường mà mình đã lựa chọn và lên danh sách kỹ và nhờ bộ giáo dục Nam úc giới thiệu đi xem trường.
Adelaide High school là một trường từ lớp 8-12 với số lượng học sinh lên tới hơn 1.500 học sinh. Ngôi trường đã có hơn 100 năm lịch sử. Bước vào ngôi trường, là những thành tích được bày biện ở dọc hành lang đón khách, các giải thưởng mà trong suốt hơn 100 năm qua trường đã nhận được. Một ngôi trường truyền thống nhưng phương pháp giảng dạy cũng hiện đại.
Nếu học sinh vào học, thường trường chỉ nhận vào lớp 10, học sinh sẽ có 1 năm lớp 10 để hòa nhập, 2 năm lớp 11 và 12 là 2 năm bản lề của hướng nghiệp và học chương trình phổ thông để chuẩn bị cho quá trình tốt nghiệp.
Ngay khi vào, mình phải check in vào 1 hệ thống theo dõi in và out, toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh ở đây có thẻ để có thể mở cửa các khu phòng học. Khách phải có người dẫn chứ ko được tự ý đi lại ở trường vì tất cả các cửa ngoài khu vực lễ tân đều khóa bằng hệ thống cửa từ, cần thẻ để mở.
Bác Wilson – Giám đốc chương trình quốc tế, hỗ trợ đưa mình đi tham quan khắp trường. Ngôi trường rất đẹp, ngăn nắp, gọn gàng và gần như ko có rác. Cả trường 1.500 học sinh mà chỉ có 150 giáo viên nhân viên trong đó 120 giáo viên và 30 nhân viên.
Bác giới thiệu cho mình cặn kẽ về chương trình STEAM của tường, về chương trình hướng nghiệp, hệ thống cố vấn trường học, hệ thống cố vấn cho sinh viên quốc tế, về việc học sinh được học vượt level ra sao ở đây, hệ thống các chương trình phục vụ cộng đồng mà học sinh được tham gia, các chương trình ngoại khóa, hệ thống học ngôn ngữ 2 và 3 ở đây ra sao. Trường nằm trên khuôn viên của công viên thuộc sở hữu của bang, do đó việc xây dựng mở rộng là ko được phép, nhưng trường có lợi thế là tận dụng được công viên làm sân tập bóng đá, bóng rổ, tennis cũng như các hoạt động ngoài trời cho học sinh. Trường còn có 1 nhà hát chứa được độ 800 người phục vụ cho các bộ môn nghệ thuật biểu diễn như kịch nghệ hoặc nhảy, hệ thống phòng học chức năng cho hướng nghiệp như khu vực học nấu ăn, học thiết kế thời trang…. Nói chung mình đánh giá, tuy là một trường công của Úc nhưng về cơ sở vật chất và chương trình thì Adelaide high school ko kém gì UNIS hay Concordia tại việt nam (hai trường này do mình có bạn bè công tác trong đó nên mình đều đã đến tham quan và tìm hiểu). Trường tuy 120 năm lịch sử nhưng được nâng cấp rất hiện đại, hệ thống công nghệ thông tin và máy tính đủ cho tất cả các học sinh. Học sinh có thể lựa chọn sử dụng máy tính của trường hoặc của bản thân. Mọi trang web ko phù hợp được chăn khỏi hệ thống mạng của trường. Đi qua các phòng học, ngó qua các máy tính của học sinh, mình đều thấy học sinh đang học tự giác chứ ko mở máy ra chơi trộm điện tử như học sinh của VN trong các giờ học áp dụng công nghệ mà mình vẫn nhìn thấy. Toàn bộ các trường công của Nam Úc trong đó có Adelaide High school thì giáo viên, học sinh và Phụ huynh toàn Nam Úc đều sẽ liên hệ theo dõi chương trình học, các thông báo, kết quả học tập, thi cử của các con trong một hệ thống gọi là daymap. Đây là hệ thống áp dụng cho toàn bang.
Trường nhận tầm 85 học sinh quốc tế và hiện thời đã có tầm hơn 70 bạn sinh viên quốc tế rồi.
Các bạn học sinh bản địa cũng phải thi vào trường Adelaide high school và chỉ những bạn thi qua mới được nhận, trường ko nhận đăng ký tự do. Các bạn sinh viên quốc tế do sở giáo dục phân bổ về dựa trên xét tuyển học sinh phù hợp với trường và đây cũng là một trường được lựa chọn để vào chứ ko phải là học sinh cứ đăng ký là vào được.
Kết thúc chuyến tham quan trường, mình đã hiểu thêm về hệ thống giáo dục tại Nam Úc. Đã có sự so sánh những lợi thế và chưa lợi thế của các trường khác nhau tại úc. Mình cũng đã nhận được sự đồng ý nhận độ 3-4 bạn trong đó có 2 bạn con mình vào học trong năm sau (nếu còn vị trí cho sinh viên quốc tế).
Bác cũng gửi cho mình một bộ tài liệu đầy đủ về trường để mình về tiếp tục tham quan và tìm hiểu hôm nay.
Hôm nay bọn trẻ tan học sớm nên mình sẽ đi đón bọn trẻ sớm, đưa bọn trẻ ra biển Glenalg. Mình thích nhìn bọn trẻ chơi đùa bên bãi biển đầy thích thú và vui vẻ dù là mùa đông lạnh.
Một ngày kết thúc rất vui và hạnh phúc.

11. NGÀY 17: Thăm 2 trường Norwood Morialta High school trường cung cấp IB cho cấp 2 và Le Fevre high school – Hai trường cung cấp chương trình STEAM và hướng nghiệp.

Norwood là một trường đã 110 năm tuổi, cổ kính và đang được nâng cấp. Khi mình đến trường đang sửa chưa phòng cho chương trình STEM cũng như xây thêm tòa nhà mới để tách cấp THCS và THPT ra. Cô quản lý chương trình học sinh quốc tế là người khá tận tình. Trường có chương trình tiền IB để chuẩn bị cho học sinh muốn có IB từ cấp 2. Một ngôi trường hiện đại, danh tiếng, gọn gàng, ngăn nắp và các chương trình được soạn thảo bài bản, kỹ càng khi mình hỏi đến. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ tâm lý cho học sinh quốc tế. Quan trọng nhất khi nhìn trường là thiện cảm với người quản lý chương trình, người sẽ làm việc với con mình trực tiếp chứ ko phải là danh tiếng của trường. Và ở đây mình nhận thấy sự tận tâm đó từ cô quản lý. Lượng học sinh quốc tế tối đã trường nhận là 150 và trường đang có tầm 120 học sinh quốc tế.
Còn Le Fevre lại là một kỹ thuật hàng hải. Trường được trang bị máy móc như một trường nghề với hệ thống máy móc và thiết bị đầy ắp, vào đó mình nhìn thấy các anh chàng say mê thiết kế tàu thủy. tàu ngầm, tàu chiến. Trường đều được giảng dạy bởi các giáo viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm là những kỹ sư tàu thủy danh tiếng.
Các giáo viên tâm huyết, lớp học quy mô nhỏ và trọng tâm vào nghề nghiệp là những gì đọng lại sau khi đến ngôi trường này. Lượng học sinh quốc tế ở đây rất ít, chỉ 20 học sinh và tối đa chỉ nhận lên đến 30 học sinh. Tuy nhiên, trường có lẽ chỉ phù hợp với những bạn thực sự muốn làm kỹ sư hàng hải.

12. NGÀY 18: Thăm trường Austrailia Science and Mathematics school – ngôi trường dành cho học sinh có năng khiếu đặc biệt và muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và toán ứng dụng . Trường trực thuộc Đại học Flinders, Nam Úc. Trường này cũng giống như trường chuyên khoa học tự nhiên thuộc đại học tự nhiên của Việt Nam vậy.

Đây là ngôi trường dành cho các học sinh đam mê khoa học và cũng là một trường thử nghiệm tại Úc theo mô hình dạy học theo nhu cầu của học sinh. Khi vào trường mình ko thấy có các lớp học mà chỉ có các không gian mở. Học sinh ngồi học với các không gian mở và được tự do sáng tạo, thảo luận các ý tưởng. Rất nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại tiên tiến được nghiên cứu tại trường đại học Flinders cho lĩnh vực giáo dục được áp dụng tại trường. Trường phù hợp với những bạn học sinh nào say mê khoa học thực sự. Và để vào trường, các con phải trải qua 1 cuộc phỏng vấn tuyển chọn để thực sự tìm ra những tài năng khoa học để vào trường. Do đó đây cũng ko phải là một trường dễ vào. Và nó cũng chỉ thực sự phù hợp với những bạn thực sự say mê khoa học.

Sau khi được dự giờ tại Hallet Cove School 2 tuần, đi tham quan 4 trường được gọi là lâu đời hoặc thực sự rất có tiếng của Nam úc, mình cũng nhận ra những điểm khác biệt của từng trường. Và khuyên thật phụ huynh, khi chọn trường cho con cần đưa con sang tận nơi, thậm chí phải cho con học thử 4-6 tuần trong 1-2 mùa hè rồi mới quyết định cho con đi hay ko là cần thiết.
Trường gần khu mua sắm, khu dân cư đông hơn, rồi người quản lý chương trình quốc tế kỹ, hệ thống hỗ trợ học sinh kỹ đến đâu, họ kỹ đến đâu thì con mình mới được lợi đến đó. Ko thể gửi con đi trên giấy được là điều mà mình rút đi sau khi đi thăm rất nhiều trường khác nhau.

13. NGÀY 19: NGÀY CHIA TAY TRƯỜNG VÀ CHIA TAY NAM ÚC

Hôm nay là ngày học cuối cùng với các bạn, hơn 3 tuần ở Nam úc. Các con cũng bịn rịn vô cùng. Hôm nay các con đã mang những món quà đậm chất Việt Nam để trao tặng lại cho các bạn cùng lớp. Quà này các con đã chuẩn bị từ khi ở Việt Nam, và do tự các con đi chọn cho các bạn trong lớp trước khi sang.Bạn nào cũng bùi ngùi, quấn nhau lắm nên khi chia tay bạn nào mặt cũng buồn thiu.
Cái đứa nhóc khó tính nhất đoàn, tưởng chừng như là chỉ muốn về Việt nam, và nó phụng phịu vì ko hề muốn đi học tiếp ở mùa hè này, nó thường nói với mình: “con ko muốn đi học trường Úc”, giờ sau 3 tuần nó cũng nói thầm vào tai cô: “Cô ah, cô chỉ cho con cách quay lại đây nhé, con muốn được học tiếp ở đây”.
Mình chả biết ai chê bai thế nào, nào là học trường quốc tế dễ lắm, ko đủ kiến thức, học nhẹ nhàng lắm, nhưng nhìn học sinh của người ta đi học đứa nào cũng hớn hở, học ra học, chơi ra chơi, thầy ra thầy, trò ra trò, đến cấp 3 đã vững vàng trả lời câu hỏi “bạn muốn làm gì trong tương lai” thì lúc này mình mới hiểu đâu là học tập hiệu quả.
Tất cả nhóm học sinh của mình đã vững vàng hơn rất nhiều sau chuyến đi này. Kể cả những phụ huynh đi cùng mình, ở Vn mình nói mãi phải dạy con kỹ năng mà họ bận quá nên cứ phó mặc, hoặc họ cảm thấy cũng chả quan trọng gì, thì đến khi sang đây, nhìn thấy con chuẩn bị cho cuộc sống du học mà thiếu rất nhiều kỹ năng, thì mọi người đã thay đổi. Giờ đã hiểu rằng: đạo đức, khả năng thích ứng, bản lĩnh sống đến sự tự lập và tự tin mới là nền tảng của việc học ở trời tây. Mình vui nhất khi triết lý giáo dục của mình đã lan sang cả những phụ huynh đi cùng, và đến giờ sau 3 tuần ở cùng mình họ đã thấm được cách giáo dục “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương của mình” và biết áp dụng cho con.
Tạm biệt Nam Úc, mình bay sang Sydney lúc 6h25, đến Sydney đông đúc và bận rộn lúc 9h tối. Chuẩn bị cuộc sống và lại có 2 ngày du lịch trước khi đi về VN đây.

14. NGÀY 20 – 22: TRẢI NGHIỆM Ở SYDNEY

Hai ngày ở Sydney là 2 ngày thú vị, bọn trẻ được đi tất cả các điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố, Cầu cảng, vườn thực vật, khu phố cổ, bảo tàng, Biển Bondi, Vịnh cá vôi, đi Cruise 5 sao, đi mua sắm và ngày thứ 2 đi Blue mountains và khu công viên động vật nơi các con được tận tay cho Kangaroo ăn, ngắm Koala rất gần, lần đầu nhìn chim cánh cụt.

15. NGÀY 23: TẠM BIỆT NƯỚC ÚC

Kết thúc chuyến đi gần 1 tháng, trải nghiệm cuộc sống và tham thú cả 3 thành phố lớn của úc gồm Adelaide Nam úc, Melbourne Vic, Sydney NSW, cảm nhận cuộc sống, con người, hệ thống giao thông, Trường, chợ, bệnh viên, cấu trúc xã hội cũng như văn hóa của Úc tại những nơi khác nhau, đặc biệt đã hiểu thêm về hệ thống giáo dục Úc để mà định hướng cho các con mình học được tốt hơn cũng như ngày một thấy kiên định với con đường giáo dục mà mình đã lựa chọn, đó là xu thế toàn cầu mà ai rồi cũng phải theo mà thôi. 10h, mình bay khỏi Sydney và về Việt Nam. Về nhà thôi…….

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Liên (Nguyễn Thị Hồng Liên | Facebook)

Mẹ của một bạn trai sinh năm 2006 và một bạn trai sinh năm 2009. Cảm ơn chị Liên đã cung cấp bài viết cho KVBro

Hy vọng rằng bài viết này củaKVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

CAPTCHA