THỦ TỤC XIN VISA VĨNH TRÚ TẠI NHẬT – PHẦN 1- KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VISA VĨNH TRÚ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (17 votes, average: 4.12 out of 5)

Loading...

Visa vĩnh trú (永住権) là visa cho phép người được cấp có quyền lưu trú, sinh sống ở Nhật trọn đời mà không bị giới hạn về thời gian (không phải gia hạn định kỳ 1-3-5 năm như các loại visa thông thường khác), hoạt động cư trú và các điều kiện về lao động. Với số lượng người nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng nhiều tại Nhật, nguyện vọng mong muốn xin visa vĩnh trú để có một cuộc sống ổn định ngày càng nhiều hơn. Đi kèm theo đó, tiêu chuẩn xét duyệt mới của Cục Xuất nhập cảnh ngày càng nghiêm ngặt và thời gian xét duyệt cũng kéo dài hơn.

KVBro xin tổng kết những vấn đề cần lưu ý khi xin visa vĩnh trú, kèm theo lưu ý trong kinh nghiệm của mình dành cho các bạn có visa lao động(就労ビザ), visa nhân lực chất lượng cao (高度人材)hoặc visa vợ/chồng người Nhật/người có vĩnh trú (日本人配偶). Loạt bài về visa vĩnh trú được chia thành 4 phần, các bạn đón đọc nhé.

Trong bài viết này (Phần 1), KVBro xin tổng hợp các nội dung cơ bản về visa vĩnh trú.

Contents

Tiêu chí cấp visa vĩnh trú cho người nước ngoài sống tại Nhật:

  • Người có đủ điều kiện và có dự định sẽ sống ở Nhật cả đời.
  • Người lao động có trình độ, chất lượng cao. Visa vĩnh trú như một hình thức khuyến khích những người này tới sinh sống, làm việc tại Nhật lâu dài.

Quyền lợi của người có visa vĩnh trú?

  • Không bị hạn chế thời gian sinh sống ở Nhật;
  • Không bị hạn chế các hoạt động cư trú, có thể làm hầu hết các công việc. Ví dụ như visa thường, bạn sẽ thấy trên đó ghi rõ là “Chỉ được làm công việc liên quan xxxxx”. Còn trên thẻ ngoại kiều của người vĩnh trú sẽ có ghi 就労制限なし. Có nghĩa bạn được quyền làm bất kỳ công việc gì, kể cả ngoài lĩnh vực mình học đại học. Và kể cả khi thất nghiệp, bạn cũng không phải về nước.;
  • Không cần phải xin gia hạn tư cách lưu trú định kỳ 1-3-5 năm như các loại visa thông thường khác;
  • Không cần thiết phải thay đổi quốc tịch hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể giữ Quốc tịch Việt nam;
  • Có độ tín nhiệm cao khi vay tiền, đăng ký thế chấp nhà cửa hay các hoạt động xã hội khác.

Về cơ bản, bạn sẽ được ra bào nước Nhật một cách tự do mà không cần xin visa trước. Mọi quyền lợi được hưởng như một người Nhật bình thường (ngoại trừ việc không được tham gia bầu cử).

Điều kiện chung để xin visa vĩnh trú

Theo khoản 2, điều 22 của luật nhập cư,  thì để được cấp visa vĩnh trú, người xin cần thoả mãn đủ 3 điều kiện dưới đây:

(1) Điều kiện về “hành vi lương thiện” (素行善良要件):Các hành vi mà người đăng ký đã từng làm đều phải đảm báo tính lương thiện.

Người đăng ký phải đảm bảo không phải là đối tượng nào trong các đối tượng dưới đây:

  • Vi phạm pháp luật Nhật bản dẫn tới bị phạt tiền, phạt tù(bao gồm cả gây ra tai nạn giao thông khi lái xe)
  • Là đối tượng bị đang bị giám sát bảo hộ theo pháp luật thanh thiếu niên
  • Thường xuyên lặp đi lặp lại các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức

(2) Điều kiện về “độc lập kinh tế” (独立生計要件):Phải có tài sản hoặc có năng lực đủ để đảm bảo sự độc lập về kinh tế.

  • Việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày không trở thành gánh nặng cho công quỹ của nhà nước
  • Công việc, thu nhập, tài sản hiện có, có thể đảm bảo cho cuộc sống ổn định tại Nhật trong tương lai

Khả năng độc lập kinh tế được xét theo THU NHẬP CỦA HỘ GIA ĐÌNH (世帯収入). Tức là dù người đăng ký có thu nhập bằng 0, nhưng nếu vợ/chồng có thu nhập cao đủ để bảo đảm sự độc lập kinh tế của cả hộ gia đình, thì vẫn có thể được cấp. Thế nên, tuy không quy định chi tiết, nhưng ngầm hiểu là người đăng ký có nhiều người phụ thuộc (bố mẹ, con cái, vợ, anh chị em…) thì số tài sản hay thu nhập cũng phải tăng theo.
Theo KVBro phỏng vấn luật sư làm hồ sơ vĩnh trú cho KVBro thì một người cần có thu nhập theo năm ít nhất ở mức 300 man trở lên mới có khả năng đỗ vĩnh trú. Nếu người này còn có thêm người phụ thuộc như vợ con, bố mẹ(扶養者), thì số thu nhập hàng năm cũng phải tăng tương ứng, thông thường bình quân thu nhập phải tăng tương đương khoảng 50 man/người.
Đồng thời, bạn có thể chứng minh độc lập về mặt kinh tế bằng các khoản tiết kiệm, tài sản ở Nhật, Việt Nam và nước ngoài như bất động sản, chứng khoán… Nếu xét thấy cần thiết, trước khi xin vĩnh trú, bạn đừng kê khai người phụ thuộc vào hồ sơ để miễn giảm thuế khoảng 1-2 năm trước.

(3) Điều kiện về “lợi ích quốc gia” (国益要件) :Việc người đó lưu trú tại Nhật phù hợp với các lợi ích của nước Nhật (điều kiện này đã bao gồm cả điều kiện về số năm lưu trú tại Nhật trước đó của người đăng ký):

+ Điều kiện về thời gian lưu trú tại Nhật, người đăng ký cần thỏa mãn 2 điều kiện dưới đây:

  • Thời hạn lưu trú của tư cách lưu trú hiện thời phải đạt 3 năm trở lên
  • Lưu trú liên tục tại Nhật đủ số năm quy định.

+ Về cơ bản, người đăng ký cần lưu trú tại Nhật LIÊN TỤC trong khoảng thời gian ít nhất là 10 năm, trong đó có ít nhất 5 năm lưu trú dưới visa lao động.
Tuy vậy, một số trường hợp đặc biệt quy định cụ thể dưới đây thì thời gian lưu trú cần thiết được rút ngắn lại:

  • Vợ/chồng của người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú :Kết hôn trên 3 năm và lưu trú liên tục tại Nhật trên 1 năm
  • Con của người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú  :Lưu trú liên tục tại Nhật 1 năm trở lên
  • Đã lấy được visa định trú (定住者) và sau khi lấy được visa định trú thì đã lưu trú tại Nhật liên tục 5 năm trở lên
  • Nhân lực chất lượng cao có tổng số điểm xét theo bảng 高度専門職ポイント đạt 70 điểm trở lên :3 năm liên tục tính ngược trở lại từ thời điểm đăng ký đã đạt đủ 70 điểm trở lên
  • Nhân lực chât lượng cao có tổng số điểm xét theo bảng 高度専門職ポイント đạt 80 điểm trở lên:1 năm liên tục tính ngược trở lại từ thời điểm đăng ký đã đạt đủ 80 điểm trở lên

+ Điều kiện về việc tôn trọng pháp luật Nhật Bản:Tôn trọng và làm theo pháp luật, bao gồm cả các việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế, đóng bảo hiểm, nenkin… Ngay cả trong trường hợp người đăng ký đang phụ thuộc kinh tế vào người khác (ví dụ là vợ/chồng của người Nhật và được vợ/chồng lo kinh tế), thì người đăng ký vẫn cần thực hiện đầy đủ việc nộp đầy đủ và không chậm trễ các loại thuế-bảo hiểm thuộc nghĩa vụ của mình.

+ Không có nguy cơ gây hại đối với cộng đồng (đối với các trường hợp bị bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh lây nhiễm đặc biệt khác)

+ Không tiềm tàng nguy cơ gây ra các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích công.

+ Không trở thành gánh nặng cho quốc gia.

Về cơ bản, để xin được visa vĩnh trú, người đăng ký cần phải thoả mãn đủ 3 điều kiện nêu trên, tuy vậy, trong 1 số trường hợp dưới đây, thì người đăng ký chỉ cần thoả mãn điều kiện thứ 3 về “lợi ích quốc gia” cũng có thể đăng ký:

  • Vợ/chồng của người Nhật (日本人の配偶者)
  • Con của người Nhật (日本人の子)
  • Vợ/chồng của người có visa vĩnh trú (永住者の配偶者)
  • Con của người có visa vĩnh trú (永住者の子)

Các lưu ý chung

(1) Những kì hạn cư trú quan trọng cần lưu ý
+ Nguyên tắc chung: Trên 10 năm
+ Vợ/ chồng của người Nhật: Trên 3 năm sau khi kết hôn
+ Vợ/chồng của người Nhật: Tới Nhật sau khi kết hôn và chung sống ở nước ngoài: Trên 3 năm. Sau khi kết hôn và sống tại Nhật: trên 1 năm
+ Vợ/chồng của người vĩnh trú: Trên 3 năm sau khi kết hôn (giống như với vợ/chồng người Nhật)
+ Con ruột của người Nhật hoặc người vĩnh trú, con nuôi đặc biệt: Cư trú tại Nhật liên tục trên 1 năm
+ Dân tị nạn được chấp nhận: Cư trú tại Nhật liên tục trên 5 năm
+ Người định cư: Định cư 5 năm sau khi được cấp phép định cư
+ Người có nhiều cống hiến đối với Nhật Bản: Trên 5 năm

(2) Về khoản thời gian lưu trú liên tục tại Nhật và thời gian rời khỏi nước Nhật

Thời gian lưu trú tại Nhật được tính liên tục, nếu bạn rời khỏi nước Nhật mà không còn visa, thời gian này sẽ được tính lại từ khi bạn quay lại Nhật trong hầu hết các trường hợp, trừ trường hợp được công ty phái cử đi dưới dạng công tác dài hạn.

Ví dụ: Anh xã mình trước đây sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật 10 năm những không xin vĩnh trú và trở về Việt Nam làm việc 5 năm. Khi quay lại Nhật thời gian xin vĩnh trú sẽ được tính từ thời điểm quay lại Nhật, mà không cộng với thời gian 10 năm trước đó.

Như nêu trên, nếu bạn rời khỏi Nhật Bản để sang nước khác hoặc về Việt Nam dưới hình thức công ty tại Nhật phái cử công tác dài hạn, sau khi kết thúc thời hạn công tác, bạn lại trở về Nhật sinh sống tiếp thì hãy chứng minh với Cục Xuất Nhập cảnh bằng các giấy tờ xin từ công ty nhé. Đồng thời, có thể làm thêm Bản giải trình chi tiết lý do để Cục Xuất nhập cảnh có thêm thông tin về trường hợp của bạn.

(3) Lưu ý về thời hạn của visa hiện tại khi đăng ký vĩnh trú

Khi bạn đăng ký gia hạn các loại visa thông thường (như visa du học, visa lao động, visa gia đình),..thì dù bạn có đăng ký sát ngày hết hạn visa, theo luật, bạn vẫn được quyền ở lại Nhật thêm 2 tháng kể từ ngày hết hạn visa cũ.

Tuy nhiên, với visa vĩnh trú, thì bạn sẽ không được hưởng quyền lợi này. Tức là nếu visa hiện tại của bạn sắp hết, thì việc bạn đăng ký xét visa vĩnh trú cũng không giúp bạn kéo dài được thời hạn lưu trú thêm. Gần đây, do số hồ sơ xin vĩnh trú tăng lên rất nhiều, nên khoảng thời gian xét duyệt của Cục XNC cũng bị kéo dài theo, như trường hợp của anh xã mình kéo dài 1 năm 2 tháng. Vì vậy, để đảm bảo không bị mất quyền lưu trú tại Nhật do visa hiện tại hết hạn, bạn cần lưu ý về thời hạn lưu trú của visa hiện tại.

(4) Lưu ý về số người phụ thuộc (扶養者)

Hiện nay, nhiều người đăng ký số người phụ thuộc để giảm bớt thuế phải đóng hàng năm, ngoài vợ con, còn có bố mẹ, anh chị em… Tuy nhiên, rõ ràng càng nhiều người phụ thuộc gánh nặng của bạn càng lớn, khả năng độc lập kinh tế cũng giảm.
Thế nên, trong hồ sơ điều bạn cần chứng minh là thu nhập của bạn nhiều tương ứng và có đầy đủ các giấy tờ chứng minh cho việc bạn gửi tiền về nước là có thật ( ví dụ: giấy chuyển tiền, giấy chứng nhận thu nhập của bố mẹ,..).

Nếu thu nhập của bạn không quá cao, thì tốt nhất nên gỡ người phụ thuộc ra khỏi hồ sơ miễn giảm thuế 1-2 năm trước khi định xin vĩnh trú.

(5) Lưu ý về thời điểm nộp hồ sơ xin vĩnh trú  

Bên phía luật sư KVBro tham vấn khuyên rằng nên đợi đủ số năm quy định hãy nộp đơn xin vĩnh trú. Đã có trường hợp nộp sớm bị đánh trượt. Mà khi đã trượt thì các lần đăng ký tiếp theo sẽ gặp khó khăn hơn.

(6) Lưu ý khi đăng ký xin cho cả gia đình

Nếu vợ chồng bạn đã kết hôn trên 3 năm, và vợ/chồng bạn đã lưu trú tại Nhật trên 1 năm theo visa gia đình, thì bạn có thể đăng ký xin vĩnh trú chung cho cả gia đình vào thời điểm bạn nộp hồ sơ xin vĩnh trú. Tương tự, bạn cũng có thể xin luôn cho cả con bạn nếu bé đã lưu trú tại Nhật trên 1 năm. Nếu được xét duyệt, thì mỗi thành viên trong gia đình bạn đều sẽ có visa vĩnh trú riêng, và vợ/con bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì tới tư cách lưu trú cho dù có chuyện gì xảy ra với bạn/tư cách lưu trú của bạn.

Còn nếu bạn nộp hồ sơ xin vĩnh trú độc lập, thì sau khi bạn đã được visa vĩnh trú, vợ bạn sẽ làm thủ tục để xin chuyển từ visa gia đình 家族滞在 sang visa vợ/chồng của người có vĩnh trú (永住者の配偶者), và con bạn sẽ chuyển từ visa gia đình sang visa định trú (定住者).

Trong trường hợp nộp hồ sơ cho cả gia đình, hồ sơ của vợ/chồng bạn cũng cần phải chuẩn bị riêng các giấy tờ như: mẫu đăng ký xin vĩnh trú, giấy chứng nhận làm việc (nếu có), giấy chứng nhận nộp thuế,…còn các giấy tờ chứng minh tài chính khác có thể dùng chung. Riêng giấy tờ bảo lãnh thì người bảo lãnh cần chuẩn bị đủ số bản tương ứng với số người họ bảo lãnh.

Các cách thức xin vĩnh trú

Tại thời điểm viết bài (07/2020) KVBro tổng hợp được các hình thức xin vĩnh trú sau:

  • [1] Người xin vĩnh trú có quan hệ hôn nhân với người Nhật hoặc người đang có tư cách vĩnh trú
  • [2] Người xin vĩnh trú đang là người có tư cách lưu trú 定住者 . Hình thức này bao gồm cả người tị nạn hay người có gốc gác 2,3 đời trước là người Nhật Bản.
  • [3] Người xin vĩnh trú đang có tư cách lưu trú lao động dài hạn (Hình thức phổ biến, sống ở Nhật 10 năm, đi làm trên 5 năm)
  • [4] Người xin vĩnh trú có tư cách lưu trú hiện tại là 高度人材 hoặc tương đương (High skill visaTham khảo thêm tại đây).

Quy trình chung xin visa vĩnh trú tại Nhật

(1) Kì hạn nộp giấy tờ
Như lưu ý ở mục trên, bạn cần phải nộp trước khi visa hiện tại hết hạn 1 thời gian dài. Nhiều trường hợp hiện nay xét cấp visa vĩnh trú kéo dài hơn 1 năm, nên bạn phải tính toán thời gian của visa hiện tại cho phù hợp.

(2) Cơ quan xét duyệt
Cục quản lý xuất nhập cảnh gần nhất (nơi bạn thường gia hạn visa).

(3) Thời gian
Kể từ khi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thụ lý hồ sơ cho đến khi có kết quả là từ 6 tháng đến hơn 1 năm (đặc biệt, cục quản lý xuất nhập cảnh Tokyo do số lượng đăng ký đông nên kết quả rất chậm). Kết quả nhanh chậm tùy từng Cục quản lý xuất nhập cảnh và tùy từng trường hợp.

(4) Người làm thủ tục
Một trong những người sau có thể tiến hành làm thủ tục:

  • Bản thân đương sự
  • Những người/đơn vị có giấy phép của cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho phép làm các nghiệp vụ liên quan đến đại lý xin visa vĩnh trú.
  • Luật sư hoặc công chức viên có đăng ký ngành nghề với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
  • Người đại diện pháp lý của đương sự
  • Gia đình hoặc người cùng chung sống với đương sự trong trường hợp đặc biệt, khi đương sự mắc bệnh…

Chú ý: Trong bất kỳ trường hợp nào ở trên thì đương sự cũng phải đảm bảo 1 điều kiện là đang sinh sống tại Nhật.

(5) Lệ phí

  • Nếu được cấp visa vĩnh trú thì phải nộp lệ phí 8.000 yên.
  • Nếu bị từ chối cấp visa thì không phải nộp lệ phí

(6) Các giấy tờ cần thiết
Tùy thuộc đương sự hiện đang sống tại Nhật dạng visa nào. KVBro sẽ hướng dẫn chi tiết tại các phần tiếp theo.

  • Đối với người là vợ/chồng người Nhật hay người có vĩnh trú
  • Đối với người định cư
  • Đối với visa tư cách làm việc
  • Đối với visa nhân lực chất lượng cao

Trong các phần tiếp theo, KVBro sẽ hướng dẫn các bạn thủ tục liên quan đối với 3 trường hợp (1), (3) và (4) ngay trên đây.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (17 votes, average: 4.12 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản