PEER PRESSURE – ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa hay còn được biết với tên gọi Peer Pressure, đây là một thuật ngữ đang phổ biến trong thời gian gần đây mà giới tâm lý và giáo dục rất quan tâm bàn luận. Thuật ngữ này dùng để nói về những áp lực tâm lý mà một người nào đó đang gặp phải khi họ bị so sánh với những người trong cùng một cộng đồng, cùng lứa tuổi hoặc trong một nhóm đối tượng cụ thể. Dưới những áp lực vô hình đó họ bắt buộc phải thay đổi hành vi, thái độ để tạo nên sự phù hợp.

Suy nghĩ “bằng tuổi mình, các bạn đã…” là biểu hiện dễ thấy nhất của “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa).

Áp lực đồng trang lứa có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhất là trả con và các bạn tuổi teen, trong giai đoạn ý thức về các mối quan hệ xã hội và trải nghiệm sống còn nhiều hạn chế.
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng nhìn vào một ai đó và rồi có sự so sánh ngầm. Kể cả khi trưởng thành, điều này cũng rất khó xóa bỏ, bởi bản chất đây là một cảm xúc hợp lý, bản năng, khó tránh khỏi.

Những cảm xúc như vậy là do chúng ta thường chạy theo các chuẩn mực xã hội đã được xây dựng suốt chiều dài lịch sử phát triển. Hậu quả của “peer pressure” chính là sự bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời trong việc phát triển bản thân. Những sự “so sánh âm thầm” như vậy khiến mỗi khi có những cơ hội tiếp xúc với những người giỏi hơn, thay vì học tập, trao đổi kinh nghiệm với những con người tuyệt vời trước mắt, thì con người sẽ lại có phản xạ về một nỗi buồn vu vơ, áp lực, chán nản sự chậm chạp, kém cỏi của bản thân hay thậm chí là ghen tỵ.

Xử lý như thế nào?

Để thiết lập lại nhận thức khi đứng trước các áp lực, ngoài tác động của những người xung quanh thì sự trải nghiệm, vốn sống cũng rất quan trọng, do đó, phụ huynh nên để cho con có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn, góp phần định hình lại thế giới quan. Bằng cách tự do học tập, va chạm, thi thố và thử sức ở nhiều lĩnh vực. Khi con nhìn thấy một sự thành công, sau khi so sánh với bản thân và áp lực đè nặng, con phải hiểu được sự thành công đó phải đánh đổi bằng những nỗ lực tương xứng. Và nếu con đặt mục tiêu tương tự, con phải nỗ lực ngang tầm hoặc hơn thế nữa.

Nỗ lực luôn là đáp án đầu tiên của câu hỏi “làm thế nào để đạt được…”

Mỗi người có một thời điểm tỏa sáng riêng, theo những cách khác biệt. Không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu lĩnh vực này hoặc lĩnh vực kia, không phải ai cũng may mắn được hưởng “gen trội” từ gia đình để có được trí thông minh, chiều cao vượt trội, hay gương mặt thanh tú phù hợp với “gu” của phần đông công chúng. Con sẽ phải chấp nhận có một vài sự khác biệt giữa con người với nhau là đến từ sự may mắn hoặc ngẫu nhiên, phần còn lại chính là nỗ lực.
Mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau, có con đường riêng để bước đi, có những chướng ngại vật phải tự mình vượt qua và có thời điểm riêng để tỏa sáng. Mỗi người chúng ta là một cá thể độc nhất vô nhị với suy nghĩ riêng, hành động riêng và cả sự sáng tạo riêng. Chính những người bạn “con nhà người ta” kia cũng đang nhìn sang các tấm gương khác và gặp áp lực đồng trang lứa của riêng mình. Không có câu trả lời nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, và thật sự, “con nhà người ta” không “giỏi” như những người khác nghĩ về họ, cũng như mỗi người không “kém” như khi đặt mình so sánh với bạn bè.

Về một khía cạnh nào đó, nếu không có áp lực con người rất dễ bị chây ì, trở nên lười biếng và thui chột tài năng. “Có áp lực thì mới có kim cương” – áp lực đồng trang lứa sẽ rất tốt khi trở thành động lực cho mỗi người cố gắng phấn đấu, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những thành công, thất bại của người xung quanh, từ đó có được bài học và lựa chọn, quyết định cho bản thân mình. Đôi khi sự so sánh khiến cho mỗi người nhận ra khuyết điểm của bản thân và sửa chữa chúng. Nhưng nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi ta biết rằng điều gì đáng để lắng nghe, nhận xét của ai là đúng để tiếp thu.

Người chỉ biết cảm thấy áp lực mà không chịu phấn đấu mới là người đáng buồn. Tự ti, chán nản không giúp các con phát triển, không giúp các con giỏi bằng “ai đó”. Cố gắng, luyện tập bền bỉ hàng ngày, tìm hiểu chính mình để biết thế mạnh, ưu điểm và mục đích của bản thân. Còn nếu đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn thấy mình thua kém và áp lực thì sao? Không sao cả, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày, con người nên so sánh bản thân với ngày hôm qua chứ không so sánh bản thân với người khác, mọi sự so sánh giữa 2 chủ thể không cùng bối cảnh đều là khập khiễng.

Đừng để “peer pressure” thực sự là áp lực. Hãy biến nó thành “peer motivation” (động lực) để mình theo đuổi con đường của riêng mình.

Tổng hợp bài viết: Cô DƯƠNG MỸ LINH – Giám đốc Học thuật (1) Nisai Global School – Viet Nam | Facebook
Cảm ơn cô Dương Mỹ Linh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

 

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản