COVID VÀ VẤN NẠN KHÍ HẬU CHO THẤY CHÚNG TA CẦN MỘT KHẾ ƯỚC XÃ HỘI MỚI GIỮA THẾ HỆ CAO TUỔI VÀ THẾ HỆ TRẺ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng thêm nỗi căng thẳng giữa các thế hệ. Một mặt, thế hệ cao tuổi chịu ảnh hưởng sức khỏe vì bệnh dịch. Mặt khác, thế hệ trẻ phải chịu hy sinh từ khía cạnh kinh tế và xã hội để bảo vệ người già. Nhưng thực ra, đại dịch chỉ là một trong những áp lực hiện tại của khế ước xã hội giữa các thế hệ.
Trong gia đình, khế ước giữa các thế hệ thành viên không quá khó hiểu. Cha mẹ cần trang bị cho con mình năng lực và tiềm lực để chúng có thể có cuộc sống tốt đẹp sau này. Còn con cái cần phải làm sao cho cha mẹ mình có cuộc sống dễ chịu ở tuổi xế chiều.
Nhưng ở tầm cộng đồng, khế ước xã hội giữa các thế hệ sẽ phức tạp hơn nhiều. Di sản mà chúng ta để lại cho các thế hệ tương lai sẽ mang nhiều chiều kích, bao gồm tri thức, văn hóa, sự sáng tạo, hạ tầng cùng các thiết chế và môi trường thiên nhiên. Chúng ta mang nợ các thế hệ trước mình rất nhiều và hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng chúng ta cũng đang mắc nợ các thế hệ tương lai – các thế hệ mà chúng ta có thể không bao giờ gặp mặt. Tựu chung lại, mỗi thế hệ cần để lại cho thế hệ sau các điều kiện sống ít nhất là bằng, nếu không nói là hơn điều kiện sống mà mình đã được hưởng.
Trong nhiều nền kinh tế phát triển, thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn từ khi kết thúc thế chiến II cho đến đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước đã hưởng lợi từ điều kiện kinh tế phát triển bền vững, công ăn việc làm bảo đảm, phúc lợi y tế và xã hội của các thập kỷ trước đó. Các thế hệ sau giai đoạn này phải đối diện với một thế giới có công việc linh hoạt và bấp bênh, giá nhà cao hơn và giai đoạn thắt lưng buộc bụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng khiến nhiều nước phải cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội. Nhiều người trong giai đoạn này mang gánh nặng nợ từ các khoản vay học đường và thẻ tín dụng – những gánh nặng tài chính khiến họ khó tích lũy đủ số tiền dự trữ để có thể vay mua một ngôi nhà hay đơn thuần là để lập gia đình. Việc tích lũy của cải và cuộc sống an sinh lúc già của các thế hệ trước đã bị chậm lại và thậm chí ở một số nước còn bị đảo ngược. Rủi ro đối diện đói nghèo nay đã chuyển từ thế hệ già sang cả thế hệ trẻ. Hiện có rất nhiều người tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển tin rằng thế hệ tương lai của mình sẽ có cuộc sống tệ hơn các thế hệ trước.
Cũng trong lúc này, thế hệ Z (những người sinh sau năm 2000) đang ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình thế hệ đối với vấn đề khủng hoảng khí hậu. Một biểu ngữ trong cuộc biểu tình tại Luân-đôn vào tháng 9 năm 2019 viết rằng: “Các người sẽ chết già còn chúng tôi sẽ chết vì biến đổi khí hậu!” Những người trẻ này không tin rằng các thế hệ cha anh đã làm đủ để để lại cho thế hệ mình một hành tinh có thể sinh sống và sinh nhai.
Như vậy, làm thế nào chúng ta có thể tái cân bằng lại cái khế ước xã hội giữa các thế hệ?
Cách tốt nhất mà chúng ta có thể nâng cao điều kiện kinh tế của các thế hệ tương lai là thông qua giáo dục. Đầu tư lớn cho những năm đầu tiên là cách hiệu quả nhất để cân bằng cơ hội cho toàn bộ giới trẻ. Lý tưởng thì mỗi đứa trẻ sẽ có một khoản tiền dự trữ cho học tập để giúp chúng hoàn thiện các kỹ năng cho phần đời còn lại của mình. Khoản đầu tư khác về việc được đào tạo kỹ năng mới cũng cần thiết để giúp chúng có thể thích nghi khi công việc thay đổi. Thành quả kinh tế sau đó sẽ giúp chi trả chi phí chăm sóc cho lớp người già và khiến các khoản nợ trở nên lành tính hơn trong tương lai.
Để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các thế hệ tương lai, lớp người cao tuổi hiện tại sẽ cần phải có khoảng thời gian làm việc lâu hơn. Tại hầu hết các nước có thu nhập từ mức trung bình trở lên, người lao động có thể sống thêm đến 1/3 thời gian tuổi trưởng thành sau nghỉ hưu. Vấn đề lớn nhất là ở chỗ, số năm nghỉ hưu nếu so với số năm làm việc đã tăng quá nhiều. Tính đến năm 2060, các nước khối G20 sẽ đối diện tình trạng dân số suy giảm và số người ở độ tuổi từ 65 trở lên – vốn là những người cần những người ở lứa tuổi lao động trợ giúp – sẽ tăng ít nhất gấp đôi hiện tại. Để tránh gánh nặng không cần thiết cho thế hệ trẻ hiện tại, chúng ta cần có sự kết nối thực tế giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ. Như vậy, tỷ lệ về thời gian làm việc và thời gian nghỉ hưu sẽ có độ cân bằng tốt hơn. Chúng ta cần có cách hợp lý để có nguồn thu cho an sinh xã hội, giúp tránh tình cảnh tuổi già nghèo khó phải ngửa tay xin người giàu có.
Tìm kiếm mối kết dính giữa các thế hệ là khó khăn và phức tạp vì thế hệ già thường vận dụng quyền lực chính trị tốt hơn thế hệ trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ số người già trong xã hội có ảnh hưởng quan trọng trong các chương trình chi tiêu công. Nói một cách đơn giản hơn, càng nhiều người cao tuổi có nghĩa là càng phải chi nhiều hơn cho lương hưu và ít hơn cho giáo dục. Các cử tri cao tuổi thường sẽ không ủng hộ các chính sách, ví dụ như lãi suất thấp vốn là chính sách được thiết kế để tăng cầu kinh tế và tạo công ăn việc làm nhưng lại khiến cho khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm giảm xuống cũng như rủi ro lạm phát. Khi đã nghỉ hưu, người ta thường ít quan tâm về vấn đề thất nghiệp. Các đảng chính trị trong một xã hội già cả càng ngày càng bị buộc phải chú trọng vào những áp lực nói trên này.
Dù là cách này hay cách khác, chúng ta phải tìm cách để gia tăng tầm quan trọng của tiếng nói và lợi ích của thế hệ trẻ và thế hệ tương lai. Nếu không, cái khế ước xã hội để định hình tương lai trở thành được thiết kế dành cho những người không còn sống để nhìn thấy nó trong khi những người sẽ chứng kiến thì không thấy có mình. Đầu tư hơn nữa vào giáo dục và kỹ năng, tìm mọi cách để kiểm soát các chi phí lương hưu, y tế, an sinh và đền bù cho thiệt hại môi trường sẽ là các khoản đầu tư thông minh của một thế hệ cho các thế hệ tương lai của mình. Khoản đầu tư này sẽ có lợi cho tất cả chúng ta và đặt ra một khế ước xã hội mới của thời đại này.
Bài viết được lược dịch bởi Luật sư Nguyễn Quốc Vinh
Nguồn: The Guardian

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản