SHU HA RI LÀ GÌ?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

Các bạn cùng KVBro tham khảo bài viết của cô Azumi Uchitani về triết lý người Nhật làm chủ kỹ năng. Phương Tây cũng có triết lý gần tương tự. Đó là triết lý 10.000 giờ. Triết lý này đơn giản. Bạn chỉ cần tập trung làm đúng một việc cho thời gian 10.000 giờ. Sau đó, bạn sẽ trở thành người giỏi và cuộc sống sẽ bù đắp cho nỗ lực của bạn.
*********
Shu Ha Ri là triết lý về làm chủ kỹ năng và kỹ thuật trong công việc. Shu Ha Ri là ba giai đoạn để phát triển kỹ năng của một người. Giai đoạn thứ nhất là thủ (shu); thứ hai là phá (ha); thứ ba là ly (ri).
GIAI ĐOẠN 1: THỦ (SHU) – HÃY GIỮ GÌN VÀ BẢO VỆ TRUYỀN THỐNG
Bất kỳ thực hành văn hóa truyền thống nào như trà đạo hay võ thuật, chúng tôi học từ những thầy cô. Ở giai đoạn này, học trò nguyện gắn kết và tuân thủ những khuôn mẫu truyền thống bên cạnh những lời khuyên dạy khôn ngoan từ người thầy. Thầy cô dạy chúng tôi những khái niệm cơ bản, nguyên lý và phong cách đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Ví dụ như việc tôi học trà đạo. Người thầy dạy tôi rất kiệm lời. Giờ học của thầy mang tính nghi lễ hơn là một buổi học thông thường. Chúng tôi liên lạc với nhau qua sự yên lặng. Tôi tuân thủ những nghi thức của thầy. Thầy chỉ bảo cho tôi và cứ lặp đi lặp lại nghi thức của mình để tôi có thể hiểu được phong cách truyền thống vốn đã có tuổi đời vài trăm năm, cho đến khi tôi đủ khả năng tự thực hiện.
Ở giai đoạn này, việc thực hành nhìn bề ngoài thấy như buồn tẻ, vô vị. Nhưng đó là lúc chúng tôi cần học sự khiêm tốn và chuyên cần đối với những việc mà mình có nghĩa vụ phải làm. Khi thực hành, đầu óc chúng tôi trở nên tĩnh lặng, bước sang thế giới an lạc tinh thần. Cho đến khi có thể làm chủ được mọi kỹ năng và hiểu tường tận kỹ thuật, chúng tôi vẫn cứ lặp lại công việc của mình để kỹ năng và kỹ thuật của mình được rèn giũa mà tỏa sáng. Các thầy cô quan sát sự phát triển của chúng tôi rồi đến thời điểm thích hợp, họ sẽ cho phép chúng tôi tự khám phá thế giới chưa biết đến.
Đây là giai đoạn chúng tôi ví mình như mang hình hài con sâu bướm. Ở giai đoạn này, hãy bò thật nhiều và cảm thấy hạnh phúc với việc làm nhàm chán này. Nếu cố mà bay như một con bướm đã trưởng thành, con sâu bướm sẽ ngã và tự giết mình. Đây là quãng thời gian để là một con sâu bướm vui vẻ, yêu thích hình hài của mình. Nếu đi lạc lối, nó có chỗ để mà tìm về. Khi thời khắc đến, con sâu bướm sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.
GIAI ĐOẠN HAI: PHÁ (HA) – THAY ĐỔI
Ở giai đoạn này, chúng tôi đã rất thành thạo đối với các kỹ thuật cơ bản của truyền thống và những gì học được từ thầy cô. Lúc đó, học trò đã có thể thoát ly ra khỏi các khuôn mẫu cơ bản, khám phá những giới hạn xa hơn hay hoàn thiện chúng để sao cho phù hợp với phong cách cá nhân mình. Thầy cô sẽ chứng nhận sự trưởng thành của học trò ở giai đoạn này.
Giai đoạn này là giai đoạn thử nghiệm sự khác biệt đối với truyền thống. Có nghĩa là bạn có thể thử nghiệm sự khác biệt, bổ sung vào truyền thống những giá trị khác của riêng mình và thử nghiệm xem trong những giá trị này thì cái nào chấp nhận được. Đây cũng là khái niệm “kaizen” tức là cải tiến hay luôn làm cho tốt hơn của văn hóa Nhật. Đây là giai đoạn con sâu bướm thu mình vào cái kén để chờ ngày biến hình. Đây có thể là giai đoạn hoang mang nhất của người học trò nhưng nếu cứ đi theo con đường của mình thì rồi cũng có ngày sẽ tới đích.
GIAI ĐOẠN 3: LY (RI) – BIẾN HÌNH VÀ THOÁT LY
Sau khi đã trải qua giai đoạn 2, không những kỹ năng mà trí lực của người này cũng đã hoàn thiện. Người học trò đã hiểu rõ hơn những khả năng nội tại của mình. Trên nền tảng của truyền thống, người học trò có thể phát triển phong cách riêng mình, một cách tự tin và khiêm tốn. Nhưng ở thời gian đầu, họ sẽ có thể hoang mang không biết rằng sản phẩm của mình có được người ngoài đón nhận.
Giờ ví như con bướm đã có cánh để bắt đầu bay. Nhưng những lần vỗ cánh đầu tiên sẽ đầy hoang mang và sợ hãi. Liệu đôi cánh của mình có đủ sức mang? Lời giải cho áp lực này chính là sự tự tin vào bản thân, tin vào khả năng của riêng mình, tin vào cái đẹp mà các bạn đã phải nỗ lực để có nó. Giờ cũng là lúc các bạn phải chia sẻ. Giống như một con bướm, hãy tin vào đôi cánh của mình, tin vào giá trị của mình để mà can đảm vỗ cánh.
Lúc này, người học trò xưa kia đã trưởng thành, hình thành nên phong cách riêng và không còn ở bên người thầy dạy mình nữa. Nhưng tinh thần của việc dạy dỗ và học hỏi vẫn cứ luôn bên cạnh người học trò, luôn hỗ trợ họ khi cần. Mối quan hệ thầy trò vì vậy vẫn cứ duy trì mãi.
Bà của tôi thường dạy tôi rằng:
Khi là con sâu bướm
Hãy vui thích với việc tập bò thật nhiều
Hãy hoàn thiện cơ bắp của mình
Đừng bao giờ cố bay, vì bay sẽ ngã!
Khi ở trong kén
Đừng lo lắng về tương lai
Hãy kiên nhẫn
Đừng bao giờ cố chui ra khỏi ổ, nếu không con không bao giờ có đủ sức mạnh!
Khi đã trở thành con bướm
Hãy tin vào đôi cánh, vẻ đẹp và khả năng của mình
Hãy nhớ rằng mình đã từng là con sâu rồi chui vào kén
Giờ con đã có đủ kỹ năng, kiến thức và những lời dạy dỗ khôn ngoan
Hãy chia sẻ kiến thức của mình, hãy chia sẻ vẻ đẹp của con với thế giới!

Lược dịch: Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh. Cảm ơn anh Vinh đã cung cấp bài viết cho KVBro.

Hy vọng rằng bài viết này của KVBro cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích. Nếu có thắc mắc gì bạn hãy liên lạc với fanpage KVBro để có câu trả lời sớm nhất.

Đánh giá bài viết: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5.00 out of 5)

Loading...

KVBro-Nhịp sống Nhật Bản